Những sai lầm như kiểm soát con cái thái quá, không trao cho con quyền tự quyết, không thể hiện tình yêu với con mỗi ngày ảnh hưởng rất lớn đến quá trình phát triển của con sau này.
1. Không thể hiện tình yêu với trẻ
Với trẻ nhỏ, bố và mẹ là cả thế giới. Chúng chẳng cần gì, chỉ cần bố mẹ là đủ. Trẻ nhỏ thường bám bố mẹ vì ở bên bố mẹ, chúng có cảm giác an toàn và hạnh phúc. Vậy chuyện gì sẽ xảy ra nếu trẻ không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trẻ không được nhận tình yêu đủ đầy của bố mẹ, không được quan tâm, săn sóc, lắng nghe, chia sẻ sẽ dễ phát triển thành người thiếu tự tin, không yêu bản thân mình. Những người này có xu hướng không hài lòng với bản thân, dễ tìm đến phẫu thuật thẩm mỹ để chạy theo những giá trị ảo.
Ngoài ra, những trẻ này khi làm bố mẹ sẽ thường thuộc típ bố mẹ cực đoan, yêu chiều con quá mức, biến tình yêu thành kiểm soát và con của họ cũng sẽ chẳng hạnh phúc.
2. Kiểm soát mọi thứ
Bố mẹ cần xây dựng mối quan hệ với con cái mà không dựa trên kiểm soát con quá mức. Làm tất cả mọi việc cho con, chỉ đạo, hướng dẫn con mọi thứ, quên rằng con còn phải lớn lên và có cuộc sống riêng, là những sai lầm cơ bản mà bố mẹ nào cũng từng mắc phải. Với mối quan hệ kiểm soát kiểu này, trẻ không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ mà có thể sẽ gặp nhiều khó khăn về xử lý cảm xúc và trong những mối quan hệ tình cảm sau này.
Khi lớn lên, trẻ cũng khó có thể xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, bởi trẻ không có khả năng tự quyết và chỉ biết nghĩ cho bản thân mình. Bị kiểm soát quá mức sẽ khiến trẻ có tính dựa dẫm, ỷ lại.
3. Không khích lệ trẻ tự đưa ra quyết định
Luôn nhớ rằng mỗi khi quyết định thay trẻ, nghĩa là bố mẹ đã tước đi quyền được sống độc lập, tự chủ của trẻ. Tùy từng độ tuổi, trẻ sẽ cần sự hỗ trợ, tư vấn của bố mẹ, nhưng trên hết, trẻ cần được tự mình đưa ra lựa chọn, và có trách nhiệm với lựa chọn đó.
Kỹ năng tự đưa ra quyết định sẽ giúp trẻ không gặp khó khăn khi đối diện với những vấn đề trong tương lai. Một đứa trẻ luôn bị tước quyền đưa ra quyết địnhlà một đứa trẻ luôn cần người khác giúp đỡ. Thậm chí thế giới trở nên đáng sợ và khó sống khi chính bản thân trẻ chẳng biết trẻ thực sự muốn gì.
4. Thường xuyên cãi vã trước mặt trẻ
Khi bố mẹ cãi nhau trước mặt trẻ, trẻ sẽ nghĩ rằng đó là do lỗi của trẻ gây ra. Trẻ không hiểu chuyện gì đang diễn ra và luôn có xu hướng đổ lỗi cho chính mình. Những đứa trẻ này khi lớn lên có thể trở nên yếu ớt, luôn tránh mọi xung đột hoặc ngược lại trở nên hung hãn và thích gây chiến với người khác.
5. Bố mẹ kỳ vọng quá lớn
Với những đứa trẻ thường xuyên phải sống trong sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ, khi lớn lên trẻ sẽ hiếu thắng, luôn muốn mình phải là người giỏi nhất. Nhưng khi thất bại, thì đau khổ tột cùng và rất khó để vực dậy tinh thần. Về các mối quan hệ tình cảm, họ cũng dễ bị tổn thương hơn ai hết.
6. Người bố không quan tâm đến con
Nếu bạn thường xuyên chỉ vào mặt trẻ và nói rằng “bố không quan tâm đến vấn đề của con” thì hãy dừng lại ngay, vì có thể sau này, trẻ sẽ lại nói lại chính những câu đó với bạn, hoặc trở thành "bản sao" của ông bố đó. Sự thiếu quan tâm của người bố ảnh hưởng nặng nề đến trẻ. Bé trai có những ông bố kiểu như vậy sẽ trở thành người vô tâm, ích kỷ. Trong khi đó, bé gái khi trưởng thành sẽ gặp khó khăn trong tình yêu.
7. Phủ nhận cảm xúc của trẻ
Khi trẻ nhỏ tức giận hoặc muốn khóc, thay vì công nhận cảm xúc này, bố mẹ thường có xu hướng phủ nhận và nói “không sao đâu, có mỗi thế mà phải khóc, con trai khóc thì xấu lắm, đừng khóc nữa, nín ngay”. Những trẻ này lớn lên sẽ dễ trở thành người không có khả năng kiểm soát cảm xúc của bản thân, dễ nóng giận, dễ bị “nổ tung”.