Đôi khi, cha mẹ đến phát điên với những hành động nghịch ngợm của con. Nhưng có đôi khi những hành động đó không tồi tệ như cha mẹ nghĩ. Vì nó có thể là biểu hiện của sự phát triển hết sức tự nhiên của con mình.
Ném đồ đạc
Trẻ từ độ tuổi 18 tháng đến 3 tuổi thường có xu hướng vận động nhiều hơn là ngồi im một chỗ. Do vậy, trẻ sẽ thường tiện tay ném vất đồ đạc lung tung.
Hành động này có thể khiến cho các bà mẹ phát điên nhưng các chuyên gia tâm lý trẻ em cho rằng, điều này hoàn toàn bình thường. Khi dùng tay ném một vật ra xa, trẻ sẽ phải sử dụng các ngón tay nhiều hơn, phối hợp linh hoạt giữa cánh tay - cổ tay - ngón tay, giữa tay và mắt...
Thậm chí, khi những đồ vật này bị vỡ thì trẻ càng thấy thích thú hơn và muốn khám phá những âm thanh đó. Hành động này còn được xem là cơ sở cho sự phát triển não bộ về sau.
Để trẻ không quá phấn khích, cha mẹ hoàn toàn có thể kích thích khả năng khám phá của con qua hành động ném đồ đạc.
Mẹ có thể chọn những đồ chơi mềm, không dễ vỡ hoặc có thể cùng chơi những trò chơi ném trúng đích để tăng khả năng linh hoạt não bộ và tự tin cho bé.
Khi trẻ ném đồ vật, mẹ cũng nên giải thích cho bé hiểu những gì con có thể ném và những gì không. Ví dụ, đồ ăn dùng để ăn không phải để ném, sách vở dùng để học ném đi sẽ không có để học bài,… Bằng cách đưa ra hậu quả của sự việc như vậy thì sau vài lần, có thể con sẽ hiểu rồi thay đổi hành vi tốt hơn.
Lặp đi lặp lại câu hỏi
Hầu như đứa trẻ nào cũng có thói quen này khiến cha mẹ đôi khi ngán ngẩm phải trả lời đi trả lời lại hàng chục lần. Tuy vậy, đây thực sự là cách trẻ có thể tự luyện ngôn ngữ cho chính mình.
Càng hỏi nhiều, thắc mắc nhiều thì trẻ càng nhớ được từ và ý nghĩa của từ theo tình huống dễ dàng hơn. Đó cũng là cách não bộ ghi nhớ âm và ngữ điệu của người lớn và đồng thời khám phá được thế giới xung quanh.
Do đó, cha mẹ muốn con có kỹ năng ngôn ngữ thì hãy khuyến khích con đặt câu hỏi, trả lời cẩn thận những câu hỏi của con. Đừng phản ứng tiêu cực, trẻ là tờ giấy trắng, sẽ rất dễ dàng học theo ngữ điệu và thái độ của cha mẹ.
Xé giấy
Nhiều bà mẹ đã phát điên vì con cứ vơ được giấy là lại xé, dù là giấy gì, bao gồm tập sách, tranh ảnh hay thậm chí là giấy vệ sinh rồi bày bừa ra nhà.
Nhưng các nhà khoa học lại cho rằng, khi bàn tay thực hiện hoạt động xé giấy thì não bộ cũng sẽ có hoạt động phân tích tích cực. Ngoài ra, đây còn là cách “học tập” khả năng phối hợp động tác tay và mắt ở trẻ khoảng dưới tuổi, khá tương tự với hành vi ném đồ vật.
Khi cầm tờ giấy trong tay, trẻ sẽ hiểu thêm về cách cầm nắm, đồng thời phát triển não bộ khi nhìn hình dạng tờ giấy thay đổi. Sau đó là tiếng xé giấy soàn soạt kích động tai nghe và trí não.
Chính vì vậy mẹ không cần phải khó chịu khi con xé giấy. Chỉ cần mẹ chuẩn bị những tờ giấy sạch sẽ, có màu sắc khác nhau để trẻ thỏa mãn trí tưởng tượng của con. Tuy nhiên, khi trẻ chơi đùa với giấy, người lớn vẫn nên chú ý để bé không cho giấy vào miệng .
Khư khư ôm đồ chơi của mình
Nhiều bà mẹ phát xấu hổ vì con khư khư giữ đồ và không chia sẻ cho bất cứ ai. Mẹ sợ rằng người ngoài sẽ đánh giá con tham lam, ích kỷ và sẽ nghĩ cha mẹ không giáo dục đàng hoàng.
Tuy vậy, đừng can thiệp vào quyền sở hữu những đồ vật đầu tiên của trẻ vì đó thực ra là nhận thức đầu tiên của con bạn về quyền sở hữu. Trẻ không chia sẻ đồ chơi với bạn không phải là ích kỷ mà đơn giản là cái tôi của con đang được hình thành và phát triển.
Tiến sĩ Laura Markham, tác giả của cuốn sách vừa ra mắt mang tên “Phụ huynh an lòng, anh chị em hòa thuận“, cho biết “Việc ép buộc các bé chia sẻ với nhau không dạy cho trẻ những bài học mong muốn”. Vì vậy ông hoàn toàn phản đối việc bắt buộc con phải thế này phải thế kia.
Nếu muốn dạy con cách chia sẻ thì cha mẹ không nên quát tháo giận giữ khi con không chịu chia đồ chơi với bạn. Bạn chỉ cần nói cho bé hiểu rằng chia sẻ không có nghĩa là mất đồ hoàn toàn mà chỉ là cho mượn. Dần dần, khi lớn lên trẻ sẽ hiểu về khái niệm sẻ chia.
Thường xuyên lơ đễnh
Nếu bắt gặp con đang để tâm hồn treo ngược cành cây thì cũng đừng lo lắng nhiều bởi rất có thể con là một đứa trẻ có tiềm năng trí tuệ. Những đứa trẻ thông minh thường khá bận rộn với những suy nghĩ trong đầu của mình và không tập trung chú ý lắng nghe lời của bố mẹ hoặc thầy cô.
Trẻ cũng có trí tưởng tượng phong phú và sống động, trẻ quên mất xung quanh đang diễn ra điều gì vì bận theo đuổi dòng suy nghĩ, tưởng tượng của chính mình.
Nếu như con lơ đễnh cha mẹ nhưng lại thường có những thú vui >giải trí tự chế tự mày mò thì chắc hẳn con bạn sẽ là một thiên tài tương lai rồi đấy.
Gặm tay gặm chân
Với những trẻ khoảng 3-4 tháng tuổi trở lên thì thói quen yêu thích là đưa ngón tay lên ngậm, có khi cho cả ngón chân vào miệng mút chùn chụt. Mẹ không cần lo lắng quá về vấn đề vệ sinh của trẻ.
Mút tay là biểu hiện bình thường trong sự phát triển tâm lý của con. Năm đầu tiên sau khi trẻ chào đời được gọi là “thời kỳ khẩu dục” (giai đoạn trẻ có sự ham gặm cắn), đây là giai đoạn cơ sở đầu tiên trong quá trình phát triển nhận thức và khám phá thế giới, học kiểm soát những hành động của cơ thể.
Nói chung, mút tay là phản xạ tự nhiên để trẻ tự làm dễ chịu bản thân cho nên mẹ hoàn toàn không nên lo lắng quá. Chỉ cần luôn lau rửa tay bé thật sạch, gọt dũa móng tay con cẩn thận tránh bé làm tổn thương chính mình là được.
Trẻ thích đi chân đất
Việc đi chân đất không những không có hại cho con mà còn tốt cho tâm trí và >sức khỏe của cả trẻ em lẫn người lớn.
Một nghiên cứu khoa học đã chứng minh, đi chân trần có thể kích thích các dây thần kinh ở lòng bàn chân tiếp xúc trực tiếp với mặt đất để tạo sự cân bằng trong cơ thể. Trẻ đi chân đất sẽ học được cách điều chỉnh tốc độ theo trạng thái mặt đất, nhờ đó mà tư thế đi bộ đúng hơn.
Đối với các nhà thiết kế, họ tin rằng lòng bàn chân trẻ 0 - 10 tuổi vẫn chưa định hình, tốt nhất là đi chân trần để đôi chân được phát triển đúng cách. Nếu đi giày cả ngày, nhất là trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt sẽ gây tổn thương chân.
Nếu như trời quá lạnh hoặc quá nóng thì cha mẹ mới nên cho con đi giày dép. Còn nếu cha mẹ không muốn bàn chân con tiếp xúc với mặt sàn trơn nguy hiểm thì có thể đi tất chống trơn mỏng.
Quá nghịch ngợm không bao giờ ngồi im
Những đứa trẻ thông minh hơn người thường có cảm xúc mạnh và bộ não hoạt động căng hơn những đứa trẻ khác. Các nhà khoa học khẳng định trẻ thiên tài luôn muốn hoạt động, không thích ở yên. Đó là cách để trẻ khám phá thế giới.
Hoạt động không ngừng nghỉ sẽ khiến não bộ công suất hơn vì phải xử lý hàng tấn các thông tin mỗi ngày. Các kỹ năng vận động tinh góp phần phát triển trí thông minh vượt trội.
Hãy để trẻ được nghịch ngợm và khám phá thế giới xung quanh, miễn là những trò nghịch đó vô hại.