'Nếu con tiếp tục thế này thì sẽ chẳng thi nổi vào đại học', 'con sẽ hối không kịp'..., những lời khuyên này chỉ khiến trẻ tuổi teen nổi loạn.
Với một đứa trẻ bước qua tuổi thứ 10, thế giới quan về đạo đức đã hình thành khá rõ rệt. Chính vì thế khi nói bất kỳ điều gì với những đứa trẻ ở lứa tuổi này, cha mẹ cần phải suy nghĩ kỹ càng, bởi nếu không lại chỉ khiến chúng nổi loạn:
Những lời khuyên mang tính tiêu cực
"Sắp có kết quả thi rồi, đến lúc đấy con hối cũng không kịp nữa"
Bạn đang muốn nhắc nhở con mình rằng thế giới sẽ tàn khốc như thế nào với những người không chăm chỉ. Rằng chính vì lười biếng sẽ khiến chúng trở nên nghèo đói, vô gia cư và luôn chịu thiệt thòi hơn so với người khác. Chính xác là bạn đang muốn truyền cảm hứng chiến đấu cho tinh thần học tập của con mình.
Và thực tế là...
Không có chuyện đứa trẻ sẽ bỏ dở việc chơi điện thoại hay máy tính sau câu nói này của bạn. Chúng sẽ tiếp tục công việc của mình mà chẳng cần quan tâm bạn sẽ nói câu gì tiếp theo. Khi nói câu này bạn đã hoàn toàn thất bại trong việc răn dạy con, bởi chúng hiểu mình đã là kẻ thua cuộc ngay trong suy nghĩ của bố mẹ.
Những cảnh báo vô trách nhiệm
"Nếu con tiếp tục thế này thì sẽ chẳng thi nổi vào đại học"
Đối với một số trẻ, việc cảnh báo đôi khi sẽ có tác dụng tích cực. Tuy nhiên với đa số trẻ thì việc đưa ra lời cảnh báo chung chung như trên sẽ chẳng có tác dụng gì, bởi chúng hiểu tấm bằng đại học không quyết định sự thành công trong tương lai.
Cựu Thủ tướng Anh John Major đã nghỉ học sau khi học hết cấp 2, nhưng sau này ông vẫn là nhà lãnh đạo của một cường quốc. Ông trùm kinh doanh nổi tiếng của Virgin Group - Richard Branson từng là học sinh kém của lớp, nhưng giờ đây ông là một trong những vị tỷ phú có sức ảnh hưởng nhất thế giới. Hay như cựu Bộ trưởng Giáo dục Anh - bà Estelle Morris đã thất bại trong kỳ thi đại học cách đây nhiều năm.
Lũ trẻ vẫn luôn biết điều đó. Vì thế đừng đánh giá năng lực của con chỉ thông qua điểm số hay việc đỗ đại học. Quan trọng là thái độ ghi nhận của bạn với sự nỗ lực của trẻ như thế nào mà thôi.
Những câu đánh giá cực đoan
"Con quá lười biếng"
Nếu như con bạn tuyên bố "Con chỉ có hứng thú với bóng đá", vậy bạn có dám đứng trước vị huấn luyện viên nổi tiếng Alex Ferguson mà khẳng định "Ông là một kẻ lười biếng" hay không?
Vậy đấy, mỗi người có một năng khiếu nhất định, con bạn có thể thích những việc mà bạn không hề mong muốn. Đừng vì con không giải quyết được nguyện vọng của bố mẹ mà gắn cho con những câu đánh giá cực đoan. Bọn trẻ sẽ dễ nổi khùng và nổi loạn bởi những nhận xét phiến diện đó.
Những câu nói sáo rỗng với trẻ
"Con không hiểu chăm chỉ nghĩa là gì sao"
Với đứa trẻ bắt đầu trưởng thành, chúng có thể hiểu được ý nghĩa câu nói này. Nhưng thử nghĩ xem, nếu với một đứa trẻ mới 10 tuổi, liệu chúng có thể "giác ngộ" được không?
Nhiệm vụ của bạn với một đứa trẻ là đi tìm cặn kẽ nguyên nhân của mọi sự việc, thay vì nói những câu sáo rỗng. Ví dụ như bạn hãy yêu cầu con trai giải thích hành động đóng sầm cửa trước mặt người lớn, hay yêu cầu con gái dọn dẹp phòng ốc bữa bãi. Hãy có hành động và thái độ trực tiếp để thay đổi hành vi của con.
So sánh với những đứa trẻ khác
"Em họ giỏi hơn con rất nhiều"
Mỗi một đứa trẻ sinh ra đã có tố chất riêng. Có thể cháu gái bạn rất giỏi trong học tập lẫn các hoạt động ngoại khóa nhưng đó là thế giới của cháu gái, không liên quan gì đến đứa trẻ nhà mình. Nhiệm vụ của bạn chính là giúp đỡ con cái luôn tự tin vào bản thân.
Nếu bọn trẻ hiểu được rằng tình yêu mà bạn dành cho chúng là vô điều kiện và không bao giờ đánh giá chúng qua điểm số thì chúng sẽ tự tin và tập trung hơn vào những gì chúng muốn làm.
Phần thưởng và hình phạt
"Nếu con vượt qua được kỳ thi/ không vượt qua được kỳ thi, mẹ sẽ thưởng/ trừng phạt con..."
Phần thưởng hay hình phạt với một đứa trẻ luôn là gánh nặng lớn mỗi khi kỳ thi đến. Một khi lời hứa của cha mẹ được thực hiện thì chủ nghĩa thực dụng sẽ lên ngôi. Đứa trẻ hiểu rằng, học tập là dành cho bố mẹ, điểm cao sẽ được thưởng, điểm thấp sẽ bị phạt. Mục đích học tập vì thế sẽ bị biến tướng.
Cha mẹ có thể kỳ vọng ở trẻ nhưng đồng thời phải biết hài lòng với những cố gắng của chúng. Hãy lắng nghe, quan sát để hiểu được mong muốn, sở thích của con để khích lệ trẻ phát triển.
Mặc cả với cảm xúc
"Mẹ chỉ vui khi con chăm chỉ học tập"
Rất không hợp lý khi bạn mang cảm xúc, sự hài lòng của bản thân để "ra giá" cho thành tích học tập của con mình. Hành động này sẽ gây ra gánh nặng tâm lý cho trẻ nhỏ, đặc biệt là trong việc học.
Trẻ em vốn rất nhạy cảm, vì thế nếu cha mẹ quá quan trọng đến điểm số, chúng sẽ phản ứng nhạy cảm hơn với điểm số. Nếu cha mẹ còn la mắng, giận dữ sẽ làm tổn thương đến lòng tự trọng của các con, ảnh hưởng tới sự tự tin và lòng nhiệt tình đối với việc học tập của trẻ.
Tước đi quyền được nghỉ ngơi
"Tại sao giờ này vẫn chưa đi học bài"
Nhiều bậc phụ huynh thấy con nghỉ ngơi giữa giờ học thường áp dụng câu nói này. Nhớ rằng trẻ em cần có thời gian thư giãn, vui chơi sau những giờ học tập căng thẳng. Điều đó sẽ giúp các em lấy lại năng lượng và tiếp thu kiến thức hiệu quả hơn.
Trẻ em đa phần không thích học. Điều mà các bậc phụ huynh cần làm thay vì trách mắng, la hét trẻ, là tìm ra các cách để khuyến khích trẻ trở nên ham thích học hơn.
Cha mẹ nên làm thế nào?
Nên nhớ rằng một thái độ tích cực từ bố mẹ sẽ khiến con bạn được thư giãn và thể hiện tốt nhất những thế mạnh của chúng.
Đừng để con bạn mặc định bố mẹ luôn hiện diện trong mọi kết quả học tập. Nếu chúng không đạt điểm A ngày hôm nay, không có nghĩa chúng không thể trở thành ngôi sao hay một kẻ thua cuộc của ngày mai.
Nếu bạn ngày càng hoài nghi về tương lai tươi sáng mà bạn đang cố gây dựng cho con, hãy dừng lại và suy nghĩ về tài năng thực sự của con bạn. Suy nghĩ cách giáo dục của mình như thế đã đúng chưa? Hãy để trẻ học tập theo nhiều cách khác nhau để tìm ra cách mà chúng cho là hiệu quả nhất. Trong giáo dục, không có phương pháp nào được gọi là tốt nhất cho đại đa số cả.
Luôn khuyến khích trẻ. Đừng bao giờ áp đặt với trẻ rằng học tập là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Giúp trẻ hiểu được rằng chúng sẽ đạt được mục tiêu bằng việc từng bước nỗ lực.