Cho trẻ về quê dịp nghỉ hè, nhất là với những đứa trẻ ở thành phố là một trải nghiệm thú vị. Vậy nhưng, để trẻ an toàn và có kỳ nghỉ ý nghĩa trong những ngày hè ở quê, cha mẹ cũng cần phải chuẩn bị cho con những kỹ năng cần thiết.
Để trẻ hứng thú khi về quê
Khi con gái nghỉ hè, cuộc sống của vợ chồng chị Trần Thị Duyên (ở Nam Định) gần như đảo lộn. Vợ chồng chị tính gửi con về quê cho ông bà trông giúp tới khi trường tập trung mới đón con lên. Tính là vậy nhưng vợ chồng không khỏi lo lắng vì con về quê suốt ngày khóc vì không quen. Nơm nớp lo nên thường xuyên chị phải gọi điện về. Hơn tuần nay thấy con vui vẻ hơn, chị mới thở phào nhẹ nhõm.
Vợ chồng chị Hoài (ở Hà Nội) cũng vậy, đến hẹn lại lên cứ nghỉ hè là cho hai con về quê ở Nghệ An với ông bà nội. Cho con về quê, anh chị mong mình được xả hơi còn các con phần được gần gũi ông bà, phần được hòa mình với thiên nhiên tránh xa điện thoại, tivi… Thế nhưng năm nay, khi được bố mẹ thông báo về kế hoạch này, cô con gái 6 tuổi của chị phụng phịu nhất định không chịu về quê mà đòi ở cùng bố mẹ. Khi hỏi thì con bảo về quê ông bà vắng vẻ không có ai chơi cùng nên không thích. Dù cố ép con về nhưng chỉ được 1 tuần, anh chị đành phải đưa con ra.
Chuyên gia tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, với trẻ nhỏ, cho trẻ về quê là một trải nghiệm cực kỳ thú vị. Thế nhưng cha mẹ cần phải có kế hoạch. Có nhiều trẻ vừa mới nghỉ hè, cha mẹ đã đẩy con về quê mà không tính toán trước mọi thứ khiến trẻ bị “sốc” khi về quê. Bắt con thay đổi ngay thói quen ở thành phố để thích ứng với cuộc sống ở quê không phải dễ và nhanh chóng.
Trẻ nhỏ đang sống cùng bố mẹ ở thành phố khi cho về quê là một môi trường sống hoàn toàn khác, có nhiều bỡ ngỡ. Có những trẻ sẽ có tâm lý thu mình, khó hòa đồng. Do vậy cần phải tạo cho trẻ hứng thú về môi trường mới này.
Để trẻ không cảm thấy xa lạ, trước khi về quê, cha mẹ đừng thả con một cách thụ động mà cần chuẩn bị kỹ tâm lý cho con bằng cách chia sẻ cho con quê ở đâu, có những thứ gì đẹp, được chơi với ai, những gì…? Cha mẹ cũng có thể kể cho trẻ nghe những điều thú vị ở quê như con trâu, con bò… hay các trò chơi mà con rất yêu quý để tăng niềm háo hức cho chúng. Từ những câu chuyện của bố mẹ, trẻ sẽ thấy quê hương không còn xa lạ. Đừng nhồi vào đầu trẻ ở quê là bẩn, lạc hậu, nhàm chán sẽ giúp trẻ hòa nhập, cảm nhận được cuộc sống ở quê.
Một khi trẻ chán về quê là dấu hiệu ở quê không còn điều gì mới mẻ cho các em tìm hiểu nữa. Khi để trẻ ở quê quá lâu mà không có kế hoạch cụ thể hoạt động hè của con sẽ khiến trẻ dễ nhàm chán, điều này khiến chúng sẽ không thích về quê. Trẻ nhỏ thường ưa khám phá, bởi vậy cha mẹ và người thân cần lên kế hoạch cho trẻ làm gì và tham gia những gì khi trẻ ở quê giúp trẻ có những khám phá, trải nghiệm.
Những điều cần làm trước khi đưa con về quê
Điều quan trọng để trẻ có được kỳ nghỉ hè an toàn là dạy trẻ con kỹ năng sống. Dù ở quê hay thành phố nếu cha mẹ không để tâm thì con cũng có thể gặp phải những rủi ro. Trước khi quyết định cho trẻ về quê, bố mẹ cần phải nghiên cứu xem hoàn cảnh gia đình có đủ điều kiện đảm bảo để trẻ có một mùa hè an toàn, bổ ích hay không.
Chẳng hạn là:
Ở quê ông bà, chú bác hay người thân có >sức khỏe, có thời gian để trông giữ trẻ an toàn hay không. Họ phải là những người vui vẻ, hồn hậu và yêu trẻ.
Có người chơi cùng: Trẻ nhỏ cần có người chơi, có thể là trẻ hàng xóm. Tốt nhất là nhà có anh chị em cùng trang lứa… để trẻ bớt xa lạ và mau quen với môi trường mới. Nếu không trẻ sẽ rất nhanh chán.
Không gian cần rộng rãi, thoáng đãng, có cây xanh, vườn tược, có bãi cỏ để trẻ đá bóng, thả diều… Trẻ về quê được tham gia các trò chơi dân gian, hát đồng dao, hò vè… sẽ là môi trường tuyệt vời giúp trẻ có kỳ nghỉ hè thú vị mà bổ ích.
Các điều kiện cần thiết như quạt, điều hòa… cần đảm bảo vì hiện giờ thời tiết những ngày hè rất nóng, khi thiếu thốn quá cũng có thể thành trở ngại cho sức khỏe của trẻ.
Dù gửi trẻ về quê cho ông bà, người thân, các bậc cha mẹ cũng không thể “phó mặc”. Cần thường xuyên gọi điện hỏi thăm con, nhắc người thân ở quê để mắt tới trẻ. Để đảm bảo cho trẻ không bị thay đổi sinh hoạt, cần cho người thân ở quê biết những thói quen ăn uống, vệ sinh cá nhân, ý thích... của trẻ.
Thời gian nghỉ hè các tai nạn đuối nước thương tâm xảy ra nhiều. Ông Nguyễn Trọng An - nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐ,TB&XH khuyến cáo, khi cha mẹ gửi con về quê cần trang bị cho trẻ kỹ năng phòng chống đuối nước. Với trẻ dưới 6 tuổi cần căn dặn người thân luôn chú ý. Với trẻ lớn hơn căn dặn trẻ tránh xa những nơi sông nước nguy hiểm, tuyệt đối không rủ nhau đi tắm ao, hồ, sông suối khi không biết bơi hoặc không có người lớn đi cùng. Ngoài ra, cần >luyện tập cho trẻ kỹ năng sơ cấp cứu, bơi tự cứu, bơi cứu đuối. Khi có bạn ngã xuống nước phải hô hoán kêu gọi mọi người quăng dây, quăng phao, cành cây, khúc gỗ… để cứu chứ không được ào ào nhảy xuống.
Bên cạnh đó, cũng cần giúp trẻ những kỹ năng xử lý tình huống như: Tránh xe máy, ô tô trên đường làng, đau bụng, bị lạc, bỏng lửa, có người lạ rủ đi chơi, đứt tay, khi bị côn trùng đốt… để trẻ có một kỳ nghỉ hè ở quê an toàn.
Một số giải pháp khác trông trẻ ngày hè
Cho trẻ tham gia sinh hoạt trong những câu lạc bộ hoặc các lớp năng khiếu như tiếng Anh, múa, võ thuật, đọc sách, vẽ... Khi lựa chọn lớp cần tìm hiểu kỹ càng và phải hỏi ý kiến của trẻ.
Tìm người trông trẻ: Những gia đình có trẻ còn bé có thể gửi con đến các trường mầm non dân lập gần nhà hay gửi nhờ hàng xóm trông giúp.
Trẻ lớn hơn có thể cho tham gia các khóa tu ngày hè. Đây là giải pháp mà nhiều gia đình ở Hà Nội đang cho trẻ tham gia với hy vọng giúp con tĩnh tâm, biết nghe lời, tiếp thu điều tốt đẹp.