Vị hiệu trưởng già nói, giáo dục gia đình và giáo dục tại nhà trường giống như hai cái bánh xe, một bánh có vấn đề sẽ khiến cả chiếc xe nghiêng ngả.

13:00 30/10/2018

Giáo dục trong nhà trường và giáo dục tại gia đình có thể coi là hai chiếc bánh của một chiếc xe, chỉ cần xem nhẹ một bên, chiếc xe sẽ mất cân bằng hay cụ thể hơn, sẽ ảnh hưởng đến sự trưởng thành của con cái.

Và trong bất cứ hình mẫu gia đình nào, thì vai trò của một người mẹ cũng được xem là quan trọng nhất, có thể quyết định đến tính cách con cái nhiều nhất.

Một người mẹ nhân từ, dịu dàng, kiên quyết, lý tính hầu như đều có những đứa con sở hữu những phẩm chất tương tự. Trái lại, phần lớn con cái sẽ ham hư vinh, nhỏ nhen hẹp hòi… nếu chúng có một người mẹ có tính cách này.

Có một vị hiệu trưởng già, trong một buổi họp phụ huynh toàn trường đã kể một câu chuyện về sự trưởng thành của một doanh nhân người Nhật Bản.

Câu chuyện xảy ra sau những năm Thế chiến thứ hai. Đó là câu chuyện nói về cách giáo dục con cái của một gia đình truyền thống ở Nhật Bản trước đây.

 

Ảnh minh họa: Internet

Người mẹ trong câu chuyện này là một phụ nữ nhân từ, dịu dàng nhưng cũng hết sức kiên quyết và lý tính. Hình ảnh bà xốc vác mọi trách nhiệm trong gia đình không một lời kêu ca, phàn nàn đã khiến biết bao phụ huynh cảm động.

Vị hiệu trưởng già kể rằng, sau Thế chiến thứ hai, nước Nhật đối mặt với một tình hình kinh tế vô cùng khó khăn, phần lớn các gia đình Nhật Bản khi đó đều rất nghèo, có cơm để ăn no đã được xem là rất khá giả. Nếu không phải là dịp lễ tết, trên mâm cơm của họ hầu như chẳng bao giờ có thịt.

Gia đình Kadokura Kiyojiro – người sau này trở thành giám đốc một công ty tư vấn được hầu hết người Nhật Bản biết đến cũng sống trong hoàn cảnh đó. Những ngày thơ ấu của ông đã trải qua một chuyện mà về sau, hành động của mẹ ông đã ảnh hưởng đến suốt cuộc đời ông.

Con trai nằng nặc đòi mua bánh nhân thịt

Đó là một ngày hè năm Kadokura Kiyojiro học lớp 4, người mẹ đưa cậu con trai ra phố mua đồ. Trên đường về, Kadokura Kiyojiro nghe thấy tiếng rao bán bánh nhân thịt của một cửa hàng, mùi bánh thơm phức hết sức hấp dẫn.

Không kìm được sự hấp dẫn ấy, cậu bé dừng bước chân. Trên lớp, cậu đã nghe bạn bè kể rằng trên phố có bán bánh nhân thịt, có vẻ như bạn nào cũng đã được ăn rồi, chỉ có mình chưa được nếm thử lần nào, thật xấu hổ.

Nghĩ vậy, cậu nói với mẹ thật to, rằng mình muốn ăn bánh nhân thịt một lần và bắt mẹ mua cho bằng được.

Người mẹ nhẹ nhàng giải thích, rằng gia đình không có điều kiện mua bánh, nếu mua mang về, bố sẽ rất giận và sẽ mắng mọi người.

Vậy nhưng lúc đó, cậu bé lại trách móc mẹ, nói rằng các bạn trên lớp ai cũng được ăn rồi, chỉ có mình là chưa được ăn bao giờ rồi năn nỉ mẹ cho ăn dù một lần thôi cũng được, nhất định mẹ phải mua.

Vào thời điểm sau chiến tranh, bánh nhân thịt là một món đồ ăn vô cùng xa xỉ. Những gia đình bình thường hầu như không có đủ khả năng mua nên tự nhiên, sẽ chẳng có ai dám mua bánh về ăn.

Nhưng người mẹ sau khi nghe con trai trách móc thì nhìn con một cái thật lâu rồi như hạ quyết tâm, cô kiên định nói: "Con thực sự muốn ăn bánh phải không, thôi được rồi."

Và cô không do dự, vào thẳng tiệm bánh mua 6 chiếc mang về.

 

Ảnh minh họa: Internet

 

Bố mắng, mẹ chịu trách nhiệm

Quả nhiên, khi bố về nhà và phát hiện trên bàn, ngoài món rau mặn như thường ngày còn có thêm một đĩa bánh nhân thịt, anh đã lập tức nổi trận lôi đình với vợ: "Tại sao lại có thể tiêu tiền như vậy, không màng gì tới hậu quả…"

Lúc này, cậu bé mới biết sự việc thực sự đáng sợ cỡ nào và lo lắng rằng mẹ sẽ nói ra mọi chuyện. Như thế, cơn giận dữ của bố sẽ trút xuống người cậu cho mà xem.

Nhưng nằm ngoài suy nghĩ của Kadokura Kiyojiro, sự việc như cậu nghĩ đã không xảy ra. Mẹ cậu bé chỉ lặng lẽ nhận lấy lời trách mắng từ bố mà không phản bác lại dù chỉ một câu, bà cũng không có vẻ gì cho thấy mình bị oan, chỉ lặng lẽ lắng nghe, mắt cúi xuống nhìn đầu gối.

Có lẽ lúc quyết định mua bánh, mẹ cậu đã liệu được sự việc sẽ thế nào và cũng sớm cho rằng đó là quyết định của mình, chưa bàn với chồng đã tự quyết định, bị mắng cũng là đáng, không có gì phải biện hộ.

Tự ra quyết định thì sẽ phải tự trách nhiệm với việc mình làm, không trách được ai, có lẽ đó là lý do mà người mẹ đưa ra để tự nhận lời mắng mỏ về mình mà không trách con một lời.

7 người tại sao chỉ mua 6 cái bánh?

Nhưng câu chuyện chưa dừng lại ở đó và diễn biến đằng sau mới là điều khiến chúng ta cảm động đến rơi nước mắt và nó cũng chứng minh một chân lý ở đời, đó là tình mẹ bao la, nó cảm hóa được cả cơn thịnh nộ của người chồng.

Thì ra, khi người chồng đang quát mắng vợ thì bất ngờ phát hiện trên đĩa chỉ có 6 cái bánh. Nhà có 5 đứa con và hai vợ chồng, tất cả là 7 người, vậy mà chỉ có 6 cái bánh, điều đó cho thấy người mẹ đã không mua bánh cho mình mà chỉ mua cho chồng và các con.

 

Ảnh minh họa: Internet

 

Anh lập tức nín lặng, không nói thêm điều gì, lặng lẽ cắt đôi một cái bánh, gắp một nửa vào bát vợ, một nửa còn lại đưa lên miệng.

Điều này có nghĩa là, bố đã đồng ý ăn, không giận nữa. Thời đó, chỉ khi bố ăn, cả nhà mới được động đũa. Việc bố ăn bánh như thế đồng nghĩa với việc bố đã cho phép cả nhà cùng ăn.

Các thành viên khác trong gia đình trút hơi thở nhẹ nhõm, vui vẻ ăn bữa tối có thể ngon chưa từng thấy.

Sau bữa cơm, mẹ vẫn dành cho Kadokura Kiyojiro nụ cười ấm áp. Bà nói với con bánh ngon thật và không trách một câu nào.

Kể từ sau lần đó, cậu học sinh lớp 4 luôn khắc ghi tình yêu thương vô hạn của mẹ. Việc mẹ bị bố mắng mà không than vãn trách móc mình một lời nào đã cho cậu bé một bài học sâu sắc.

Thần thái của mẹ khi chịu trách nhiệm về việc mình là cứ thế hằn sâu trong tâm trí Kadokura Kiyojiro. Mẹ đã cho cậu một tình yêu thương đầy ắp và một bài học không cần nói thành lời.

Cũng kể từ đó, cậu hiểu rằng mình không thể tùy tiện, không thể bất chấp hậu quả, một khi đã quyết định, mình phải dũng cảm đối mặt gánh vác trách nhiệm đối với những gì đã làm, không được trốn tránh, cũng không được tìm cớ để thoái thác trách nhiệm hay đổ vấy cho người khác.

Cả đời cậu bé về sau cũng biết yêu thương một cách vô tư, biết chấp nhận và gánh vác trách nhiệm mà không oán trách người khác.

Câu chuyện này cho chúng ta hiểu rằng, trong cuộc sống hằng ngày, những bài học được hình thành từ chính bố mẹ chính là nhân tố quan trọng có tính chất quyết định tới thành bại của con cái về sau.

Vị hiệu trưởng già nói, giáo dục gia đình và giáo dục tại nhà trường giống như hai cái bánh xe, một bánh có vấn đề sẽ khiến cả chiếc xe nghiêng ngả.

Con đường mà chiếc xe đó đi cũng như đường đời mà chúng ta đi, sự trưởng thành của con nhỏ cần có gia đình và nhà trường cùng hợp sức giáo dục. Chỉ có như vậy, chiếc xe cuộc đời mới có thể vững vàng trên mọi lẻo đường. Nếu không, nó sẽ gặp sự cố và có thể bị lật bất cứ lúc nào.

Theo Nguyễn Nhung/ Trí Thức Trẻ