Cách giáo dục trẻ của bố mẹ quả thật đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách của mỗi bé.
Cuối tuần, tôi có một cuộc hẹn với cô bạn thân. Khi tôi lái xe đến đón cô ấy, tôi đã nhìn thấy bé trai đang hôn tạm biệt mẹ. Cậu bé chỉ mới 4 tuổi, cậu bé ôm cổ mẹ nhẹ nhàng đặt nụ hôn lên má mẹ và thỏ thẻ: "Mẹ ơi, con yêu mẹ".
Tôi thầm ganh tỵ và ngưỡng mộ tình cảm mẹ con của người bạn thân. Nhà tôi cũng có trẻ nhỏ, nhưng con của tôi không biểu đạt tình cảm dạt dào như con trai của người bạn. Mỗi lần tôi bước chân ra cửa, con của tôi sẽ lèm bèm căn dặn: "Mẹ ơi, khi mẹ trở về, mẹ nhớ mua đồ ăn cho con nhé". Tại sao có sự khác biệt "một trời một vực" như vậy? Cách giáo dục của gia đình quả thật đóng vai trò rất lớn trong việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ.
Các chuyên gia tâm lý và thực tế đã chứng minh, nếu đứa trẻ nào thường xuyên nói với mẹ những câu sau, chứng tỏ trẻ đã được giáo dục rất tốt và trong tương lai, bé sẽ trở thành người con hiếu thảo, biết yêu thương, chăm lo cho cha mẹ.
1. "Mẹ ơi, con yêu mẹ"
Bạn thân tôi kể, con trai cô ấy thích nhất là nói câu: "Mẹ ơi, con yêu mẹ". Bất kể mọi thời điểm, khi cô ấy bước chân ra cửa hoặc khi cô ấy tan sở về nhà, con trai của cô ấy luôn biết cách thể hiện tình yêu với mẹ. Người lớn chúng ta có thói quen thể hiện tình yêu một cách kín đáo, còn trẻ con thường bộc lộ cảm xúc trực tiếp. Tuy nhiên, không phải mọi đứa trẻ đều biết cách thể hiện tình yêu với mẹ.
Nếu một đứa trẻ biết nói những lời ngọt ngào với mẹ, chứng tỏ người mẹ đã giáo dục trẻ rất tốt khi tạo môi trường tràn ngập tình yêu cho trẻ trưởng thành. Và khi đứa trẻ trưởng thành, trẻ nhất định sẽ trở thành một đứa con hiếu thảo, đây là thói quen mà bố mẹ phải dạy dỗ trẻ ngay từ thuở nhỏ, giúp trẻ nhận ra yêu thương người thân trở thành bản năng của trẻ.
2. "Sau này con lớn, con sẽ nuôi mẹ"
"Sau này con lớn, con sẽ nuôi mẹ" là câu nói của con gái khiến tôi vô cùng cảm động. Tôi nhớ khi ấy, tôi và chồng vừa cãi nhau một trận, con gái chỉ hơn 3 tuổi chạy lon ton đến bên cạnh tôi.
Bé hỏi tôi: "Mẹ ơi, tại sao mẹ không vui?". Tôi trả lời: "Mẹ mệt vì mẹ đi làm đấy". Con gái của tôi đã có một hành động khiến tôi bật cười, bé vỗ ngực và bảo đảm với tôi: "Sau này con lớn, con sẽ nuôi mẹ, mẹ không cần phải đi làm nữa". Trẻ con vốn rất đơn thuần, khi trẻ nói ra những điều ấy chứng tỏ trẻ muốn chăm lo cho mẹ. Chỉ cần trẻ có suy nghĩ đúng đắn và định hướng tốt sẽ dẫn lối cho hành động sau này, khi trẻ lớn lên nhất định người hưởng phúc sẽ là mẹ.
3. "Mẹ ơi, con có thể giúp mẹ việc gì?"
Khi trẻ nói: "Mẹ ơi, con có thể giúp mẹ việc gì?", chứng tỏ trẻ không muốn thấy mẹ chịu cảnh vất vả nên chủ động giúp mẹ. Độ tuổi của trẻ còn nhỏ, có nhiều việc trẻ không thể phụ giúp mẹ, nhưng tấm lòng của trẻ đủ để an ủi nỗi lòng của người làm mẹ. Khi trẻ có suy nghĩ đỡ đần, phụ giúp nghĩa là trẻ thấu hiểu nỗi khổ và muốn dùng hành động san sẻ với người thân trong gia đình.
Nếu con của bạn thường xuyên biểu đạt tình cảm với bố mẹ, đó chính là phúc phần của gia đình, cũng chứng tỏ bạn đã >nuôi dạy con rất tốt. Nếu trẻ không thể hiện tình yêu với mẹ, không có nghĩa là trẻ không yêu mẹ, có lẽ trẻ ngại ngùng và không khéo trong việc biểu đạt tình yêu với mẹ.
Điều các mẹ cần làm là hãy thể hiện tình yêu với con mỗi ngày, cho trẻ làm quen với những lời nói tràn đầy tình yêu thương, khi đó trẻ sẽ mạnh dạn bộc lộ tình cảm với mẹ. Nếu mẹ không bộc lộ tình yêu với trẻ, thì mẹ không thể mong đợi trẻ thể hiện tình yêu với mẹ. Những điều trẻ làm là học từ mẹ, trước tiên mẹ hãy là tấm gương sáng để trẻ noi theo.