Đứa trẻ nào cũng thích chơi trốn tìm nhưng phải thừa nhận rằng chúng chơi trò này dở tệ.
Ngay từ khi còn là một em bé vài tháng tuổi, trẻ đã rất thích chơi ú òa cùng cha mẹ, và khi lớn lên, trẻ càng thích chơi trốn tìm. Phải nói là rất mừng khi trò chơi này mang lại rất nhiều lợi ích cho trẻ. Nó khuyến khích trẻ phát huy trí tưởng tượng, giúp trẻ học cách giải quyết vấn đề khi chúng cố gắng tìm ra nơi trốn tốt nhất hoặc tìm kiếm mục tiêu. Trẻ còn biết phải đi nhẹ, nói khẽ trong khi tìm chỗ trốn.
Ngoài ra, trốn tìm còn là cơ hội cho trẻ phát triển kỹ năng xã hội: chơi theo nhóm, thay phiên nhau và giải quyết xung đột. Bên cạnh đó, trò chơi này còn mang lại lợi ích giúp trẻ phát triển cơ bắp, nhanh nhẹn trong khi đi trốn và đi tìm.
Tuy nhiên, cha mẹ có để ý không, trẻ chơi trò này rất tệ vì luôn luôn "giấu đầu hở chân". Vì sao vậy?
Để lý giải vấn đề này, Giáo sư James Russell – giám đốc phòng thí nghiệm nhận thức phát triển tại Đại học Cambridge (Anh) đã thực hiện cuộc thí nghiệm với 37 trẻ khoảng từ 3 - 4 tuổi. Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho trẻ đeo mặt nạ và hỏi trẻ có thấy họ không và ngược lại. Câu trả lời khiến mọi người ngạc nhiên khi trẻ nói rằng trẻ cảm thấy bản thân mình đã biến mất và không ai có thể nhìn thấy chúng, cũng như khi người lớn đeo mặt nạ thì trẻ cũng không nhìn thấy họ.
Tiếp theo, giáo sư James cho trẻ đeo kính đen, tối tới mức trẻ không nhìn thấy gì, thì chỉ có 7 trong số 37 bé hiểu ra mục đích của thí nghiệm. Các bé trả lời rằng mình không nhìn thấy mọi người, và mọi người chỉ không nhìn thấy mắt trẻ mà thôi. 30 trẻ còn lại vẫn tin rằng mình hoàn toàn vô hình trước tất cả mọi người. Điều này cho thấy trẻ tin rằng khi đôi mắt của chúng được che đi thì cả người chúng cũng biến mất.
Henrike Moll, Trợ lý Giáo sư Tâm lý học Phát triển và Thạc sĩ tâm lý Allie Khalulyan, thuộc Đại học Nam California, Mỹ, giải thích điều này dưới góc nhìn của tâm lý học là do trẻ mẫu giáo có cách nhìn thế giới khác với người lớn. Trẻ cho rằng khi chúng không nhìn thấy mọi người, nghĩa là mọi người cũng không nhìn thấy chúng.
"Có vẻ như đối với trẻ nhỏ, giao tiếp bằng mắt là điều kiện để một người nhìn thấy một người", Henrike Moll nói. "Suy nghĩ của trẻ dường như chạy theo chiều dọc. Nghĩa là tôi chỉ có thể nhìn thấy bạn khi bạn nhìn thấy tôi và ngược lại. Và trẻ nghĩ rằng người lớn cũng có cách nhìn giống trẻ. Thế nên đây là lý do vì sao cha mẹ thường thấy trẻ đi trốn bằng cách đắp chăn lên đầu".