Khi cha mẹ sẻ chia và thấu hiểu con cái, chúng sẽ tôn trọng cha mẹ hơn và muốn làm mọi việc tốt hơn.
Thật khó khăn để bạn có thể ôm con vào lòng khi chúng phạm lỗi. Bạn sợ nếu làm vậy thì bạn đã vô tình cổ xúy cho việc làm không đúng của con nên thay vào đó, bạn nhìn con với một khuôn mặt nghiêm nghị và đưa ra những hình phạt.
Nhưng hãy nghĩ tới những ngày tồi tệ bạn đã từng trải qua. Những ngày đó, bạn càu nhàu với nửa kia của bạn về những thứ chẳng đâu vào đâu và thứ bạn cần chỉ là một cái ôm hay một chút thoải mái để giảm bớt căng thẳng.
Liệu bạn đã từng yêu cầu một cái ôm chưa? Nếu đã từng thì bạn và bạn đời là những người cởi mở trong giao tiếp. Nếu bạn chưa từng, hãy nghĩ xem tại sao. Có thể là do lý trí bạn quá mạnh mẽ. Cũng có thể là bạn đã quá tức giận và vẫn đang dè chừng, đề phòng.
Những người làm cha mẹ cần hiểu rằng, trẻ nhỏ - nhóm đối tượng có thùy trán trước (bộ phận có chức năng lớn trong việc lập kế hoạch và đưa ra quyết định) vẫn đang phát triển thường gặp khó khăn trong việc giữ bình tĩnh khi căng thẳng.
Do đó, cha mẹ hay người chăm sóc hãy giúp trẻ bắt đầu hình thành những cách ứng phó tích cực để kiểm soát cảm xúc hiệu quả hơn.
Đề nghị ôm hay đưa ra sự cam đoan bằng lời nói không đồng nghĩa với việc bạn cổ xúy cho hành vi của con mà chỉ là bạn đang giúp chúng bình tĩnh lại để có thể lắng nghe bạn tốt hơn.
Từ một cái ôm nho nhỏ của bạn, đứa trẻ có thể cảm nhận được rất nhiều thông điệp:
"Con là cả thế giới đối với cha mẹ."
"Dù có bất cứ chuyện gì xảy ra, cha mẹ vẫn yêu con."
"Cha mẹ biết con đang học hỏi và vì thế nên cha mẹ ở đây để giúp con."
"Con không hề cô đơn."
"Cha mẹ biết hiện tại việc này đối với con khó khăn tới nhường nào."
"Cha mẹ hiểu cảm nhận của con."
"Cảm xúc không quyết định con là ai."
"Lỗi lầm cũng không quyết định bản thân con là người thế nào."
"Cha mẹ muốn giúp con học những điều mới mẻ."
"Con hãy tin cha mẹ."
Khi bạn tiếp tục cho con thấy rằng chúng không hề "xấu" ngay cả khi chúng làm sai, nhận thức của chúng sẽ thay đổi.
Chúng sẽ không cảm thấy rối loạn, bế tắc hay hành động theo một cách tồi tệ nào đó và có thể tự trấn tĩnh mình tốt hơn khi nhận ra "Mình vẫn rất đáng yêu và mình có thể làm tốt".
Khi chúng đang ở trong trạng thái bình tĩnh và sẵn sàng sẻ chia, chúng sẽ dễ tiếp nhận và xử lý thông tin chúng ta cung cấp, đồng thời học cách cư xử mới một cách hiệu quả hơn.
Ngoài ra, nếu giữa chúng ta và con cái có sự chia sẻ, thấu hiểu, con cái sẽ tôn trọng chúng ta hơn và muốn làm mọi việc tốt hơn.
Trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã được truyền thụ kinh nghiệm rằng phải nghiêm khắc, phải phạt khi con mắc lỗi nên việc thay đổi cách >nuôi dạy con cái có thể rất khó khăn.
Tuy nhiên, việc này là cả một quá trình lâu dài chứ không phải ngày một, ngày hai mà thành. Cũng cần phải lưu ý rằng cách chúng ta nhìn nhận hành động của con sẽ tác động tới việc chúng ta sẽ phản ứng thế nào.
Vì thế, khi tức giận với con, hãy nghỉ ngơi một chút, chia sẻ cảm xúc của bạn với người bạn tin tưởng và đừng quên tự ôm chính mình. Nuôi dạy con cái là cả một cuộc hành trình, và tất cả chúng ta sẽ đồng hành cùng nhau trong chuyến hành trình ấy.