Nếu bạn có ý định quay lại cảnh kỷ luật con và đăng trên mạng xã hội thì cần phải dừng lại ngay nếu không muốn gây ra những nguy hại không đáng có.

13:00 27/09/2018

Xuất hiện rất nhiều video ghi lại cảnh con cái phạm lỗi, hư hỏng và bị bố mẹ kỷ luật

Trong thời đại số hiện nay, cái gì cũng có thể tìm thấy trên internet. Trong số đó, có rất nhiều cha mẹ đã phát trực tiếp các video về cách dạy dỗ của con mình hoặc đăng tải clip ghi lại cảnh con cái phạm lỗi, hư hỏng và bị bố mẹ kỷ luật. Một số người nghĩ rằng hình thức kỷ luật này sẽ hiệu quả tức thì bởi nó "đánh" vào sự xấu hổ của trẻ, mang lại hiệu quả răn đe, cảnh cáo cao hơn. Và số video kiểu này xuất hiện ngày càng nhiều trên các phương tiện truyền thông.

Với những người làm cha mẹ, để áp dụng hình thức kỷ luật con cái dựa trên độ tuổi, mức trưởng thành, hành vi sai trái, mức độ hối hận và các yếu tố khác có thể là một thách thức lớn. Và tất nhiên, luôn luôn có nhiều trường phái tư duy khác nhau xung quanh các chiến lược kỷ luật hiệu quả nhất. Nhưng có một xu hướng kỷ luật mới chắc chắn đều đáng lo ngại đối với các chuyên gia và phụ huynh: đó là khiến trẻ xấu hổ bằng cách phát trực tiếp hoặc quay lại clip phạt trẻ và đăng tải trên mạng. Một thông tin gần đây đăng tải trên tờ The Sun chỉ ra rằng có 30.000 clip về sự hư hỏng của trẻ tồn tại trên internet, trong đó bao gồm cả các hành động kinh khủng của cha mẹ như lái xe đè bẹp máy chơi game của trẻ, cạo đầu trẻ hoặc ném quà Giáng sinh của con vào lửa rồi đăng tải lên mạng.

 

Ảnh minh họa: Internet

 

Trong số đó, có một trường hợp đặc biệt nghiêm trọng từ năm 2015, một người mẹ tên là Jessica Beagley buộc con trai mình phải uống nước sốt nóng vì tội nói dối và sau đó hét lên với cậu bé trong khi bắt bé tắm nước đá lạnh. Vì hành động này, Beagley đã bị kết tội ngược đãi trẻ em và phạt tiền $2.500 (tương đương khoảng 56 triệu VNĐ).

Trường hợp khác, tờ The Sun ghi nhận một clip đã có 45 triệu lượt xem, trong đó có hình ảnh một ông bố phản ứng lại bài đăng trên Facebook của con gái mình bằng cách bắn vào máy tính xách tay của con như một hình phạt. Bên dưới clip, ông bố đó viết: "Có thể một vài đứa trẻ sẽ nhận ra điều gì đó từ việc này... Nếu bạn thiếu tôn trọng cha mẹ, thiếu tôn trọng bản thân mình mà đăng những điều không đáng lên Facebook, bạn xứng đáng bị trừng phạt theo một cách nào đó. Hôm nay, con gái tôi đang nhận sự trừng phạt".

Một clip gần đây cũng khuấy động cuộc tranh luận trực tuyến liên quan đến clip một người cha bắt con trai mình chạy trong mưa, phạt cậu bé do cậu ta bị đuổi khỏi xe buýt vì bắt nạt người khác.

Cha mẹ có cảm nhận được sự xấu hổ của trẻ khi các clip được tung lên mạng?

Nhiều bậc cha mẹ nhanh chóng lên án hình thức kỷ luật này: "Bôi xấu, bắt nạt và làm nhục một đứa trẻ không bao giờ là ổn. Là một người lớn, bạn sẽ cảm thấy thế nào nếu sếp của mình gào lên trước mặt với hơn 100 nhân viên và trách cứ về việc mình làm việc tệ đến mức nào?", Gabby Gamble, bà mẹ 2 con ở Champaign, Illinois (Mỹ) nói.

Danielle Joyce, bà mẹ 2 con ở Phoenix, bang Arizona bày tỏ: "Tôi không đồng ý làm nhục con một cách công khai như một hình thức kỷ luật có thể làm thay đổi hành vi của con tạm thời. Về lâu dài, tôi lo sợ chúng ta đang đi quá xa vì đưa hình ảnh của con lên mạng mà không có sự đồng ý của chúng, trong khi chúng ta luôn mong đợi con cái tôn trọng chúng ta với tư cách là cha mẹ. Chúng ta không phải là bạn của chúng, với tư cách là phụ huynh, chúng ta phải là những người dạy chúng có lựa chọn tốt".

Kỷ luật trẻ bằng cách phát video trực tuyến nó cho thấy cha mẹ không có khả năng truyền đạt cảm giác, mong muốn của họ với trẻ (Ảnh minh họa).

Cũng có những ý kiến trái chiều khác về việc này. Angela Hawkins, một người mẹ 3 con ở Houston, Texas, nói rằng cha mẹ có thể ghi lại hình phạt của trẻ và đăng trên mạng như một cách để kết nối cộng đồng và cảm thấy bớt cô đơn hơn. "Khi nói đến việc trừng phạt trẻ, nó gần giống như tiếng kêu của bố mẹ - như thể họ cần ai đó ôm động viên và nói với họ rằng họ không đơn độc, rằng quanh họ vẫn còn những người khác và họ đang làm một việc đúng đắn. Tôi không nghĩ rằng phần lớn các bậc cha mẹ quay clip con cái của họ để 'bôi xấu trẻ' mà tôi nghĩ rằng họ quay clip lại để mong muốn nhận được sự hỗ trợ, chia sẻ từ những người khác" - Angela Hawkins chia sẻ.

Đó là suy nghĩ mà Hawkins khi cô quay clip cơn giận dữ của con gái mình và đăng lên mạng. "Tôi đã tuyệt vọng và muốn kết nối với các bậc cha mẹ khác vì tôi nghĩ con tôi đang làm điều gì đó sai. Quay clip và đăng tải để cho các bậc phụ huynh khác đưa ra lời khuyên của họ về cách xử lý" – Hawkins bày tỏ. Cô cho biết thêm rằng trong những năm qua cô đã học cách tin tưởng bản năng >nuôi dạy con cái của riêng mình và ít dựa vào ý kiến người khác, vì vậy cô sẽ không đăng các loại video trực tuyến này một lần nữa.

Các chuyên gia nói về hình thức kỷ luật này?

Các nhà tâm lý học trẻ em và các chuyên gia nuôi dạy con cảnh báo không dùng sự xấu hổ hoặc sỉ nhục để >kỷ luật trẻ trong bất kể tình huống nào. Tiến sỹ tâm lý hôn nhân và gia đình Karyl McBride, cho rằng: "Những clip phạt trẻ được đăng tải trên mạng có thể khiến đứa trẻ ngày càng tự ti. Đứa trẻ dần không tin tưởng người khác và cảm thấy mình thất bại, mình là một người xấu".

Bela Sood, bác sỹ tâm thần tuổi vị thành niên tại Bệnh viện Richmond (Canada) chỉ ra: "Khi tôi nhìn thấy cha mẹ dùng >cách phạt con này, nó báo hiệu sự cố trong giao tiếp. Nói cách khác, nó cho thấy cha mẹ không có khả năng truyền đạt cảm giác, mong muốn của họ với trẻ. Làm cho trẻ cảm thấy xấu hổ có thể làm tổn hại thêm mối quan hệ và cản trở khả năng xây dựng sự tự tin của trẻ về lâu dài" - Tiến sĩ Sood lưu ý.

Không nên làm xấu hổ và làm nhục những đứa trẻ (Ảnh minh họa).

Cô cũng cho rằng khi trẻ có hành động sai trái, việc phạt trẻ bằng cách làm nhục trẻ là hành động sai lầm và cũng chẳng mang lại kết quả gì, nó chỉ "thể hiện cho cả thế giới thấy hành vi xấu của chính cha mẹ".

Doug Newton, bác sỹ tâm thần vị thành niên ở Colorado (Mỹ) cho biết: "Cách kỷ luật này còn dẫn đến một hệ lụy khác đó là trẻ em có thể học cách cha mẹ sử dụng phương tiện truyền thông xã hội để làm nhục bạn bè mình hoặc bạn cùng lớp".

Tiến sỹ McBride khuyến nghị các cha mẹ thay vì hình thức kỷ luật làm trẻ xấu hổ, hãy thể hiện sự đồng cảm với trẻ. "Nếu chúng ta muốn nuôi dưỡng đứa trẻ trở thành người tốt, chúng ta cần phải thể hiện sự đồng cảm với tư cách là cha mẹ. Trẻ em cần được nhìn thấy, được nghe thấy và được xác nhận. Khi chúng mắc lỗi, chúng cần phải được dạy rằng tất cả chúng ta đều mắc lỗi và chúng ta có thể học hỏi từ chính lỗi lầm đó" - cô giải thích.

Cuối cùng, Tiến sỹ McBride tin rằng: "Nuôi dạy con cái nên dạy bảo, hướng dẫn, yêu thương, làm gương và thể hiện sự thấu cảm đối với trẻ. Không nên làm xấu hổ và làm nhục những đứa trẻ. Xúc phạm, bắt nạt người khác - bất cứ hình thức kỷ luật nào phản tác dụng theo cách này tốt nhất nên tránh".

Theo Bảo Trâm/ Phunutoday/ Khỏe & Đẹp