Không chỉ dạy con phương pháp học tập mà mẹ cũng cần chú trọng dạy con cách cư xử sao cho thật thông minh và đúng mực, có như vậy bé sẽ gặp thuận lợi hơn trong cuộc sống sau này.
Uốn nắn trẻ từ nhỏ là một biện pháp đúng đắn giúp bé nhận ra những việc nên làm, không nên làm đồng thời đây cũng là cách để các bậc cha mẹ hình thành nhân cách tốt cho trẻ, giúp bé cư xử đúng mực với tất cả mọi người xung quanh. Nhưng khi bé còn nhỏ, dạy con cách ứng xử trong cuộc sống không thực sự đơn giản, mẹ cũng cần có phương pháp và cách truyền đạt khéo léo để bé dễ hiểu và tiếp thu được lời mẹ.
Dưới đây là 8 gợi ý "nhỏ nhưng có võ" giúp mẹ dạy bé cách cư xử đúng mực ngay từ nhỏ, góp phần hình thành tính cách, nhân cách tốt cho trẻ sau này.
1. Dạy con nói năng lễ phép
Trẻ học hỏi được nhiều điều thông qua các trò chơi, mẹ có thể tạo các trò chơi nhỏ, ví dụ chơi đồ chơi, búp bê cùng con và luôn sử dụng các từ ngữ thể hiện sự lễ phép, tôn trọng để bé bắt chước như: Vâng, dạ, con cảm ơn, con xin phép… Mẹ hãy kiên trì và liên tục áp dụng từ khi bé tròn 18 tháng cho đến 3 tuổi để bé thấm nhuần những câu nói lịch sự này.
2. Dạy con thể hiện sự hối lỗi
Cảm giác tội lỗi và xấu hổ có lẽ là hai trong số những cảm xúc mạnh mẽ nhất khiến trẻ không dám thừa nhận sai lầm của mình. Mẹ hãy trấn an con rằng việc phạm sai lầm là hoàn toàn có thể chấp nhận được, nhưng điều quan trọng hơn là nhận ra cái sai và biết thể hiện sự hối lỗi. Mẹ hãy dạy bé nói "xin lỗi" khi vô tình va phải người khác hoặc mắc sai lầm, có hành vi lời nói chưa đúng đắn.
3. Hướng dẫn để con không tái phạm mắc sai lầm
Lời xin lỗi có thể nói ra dễ dàng và khiến cho người nghe tin cậy, nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi mẹ dạy bé không được lặp lại sai phạm đó và có suy nghĩ mọi lỗi lầm đều có thể xí xóa bằng câu "xin lỗi" là xong. Lời xin lỗi sẽ trở nên vô giá trị nếu con tái phạm và nói quá nhiều.
4. Đề nghị con dọn bàn sau khi ăn
Sau mỗi bữa ăn, thay vì dọn dẹp cho con thì mẹ nên để bé cùng tham gia cất dọn bát đĩa, thìa đũa của mình. Ngoài ra, sau khi chơi đồ chơi, bé cũng cần tự thu xếp đồ cất vào đúng vị trí. Những kĩ năng sẽ giúp bé hoàn thiện nhân cách và có hành vi, cách ứng xử phù hợp sau này.
5. Dạy con biết chia sẻ và sự công bằng
Khi chơi cùng bạn, con cần học cách chia sẻ đồ chơi và thay phiên nhau chơi. Điều này sẽ giúp bé nhận ra rằng sự chia sẻ và công bằng sẽ giúp cả nhóm cùng vui chơi mà không có bất cứ ai phải chịu thiệt.
6. Cảnh báo về sự xâm phạm thể chất
Nếu mẹ biết con là đứa trẻ có tính hung hăng, thích sử dụng bạo lực thì phải luôn luôn cảnh báo trẻ trước bất cứ hoạt động tập thể nào. Sẽ không có bất cứ sự tha thứ nào dành cho những ai sử dụng sức mạnh để chèn ép người khác. Nếu xảy ra tình huống như đánh nhau thì con sẽ phải về nhà và mọi hoạt động sẽ kết thúc. Ngoài ra, mẹ cần dạy trẻ cách kiểm soát cơn giận theo cách tích cực hơn như bỏ đi chỗ khác hoặc nhờ người lớn giúp nếu gặp phải bạn bè có ứng xử không tốt.
7. Rèn luyện kĩ năng lắng nghe và thấu hiểu
Trẻ nhỏ vốn dĩ khá ồn ào, năng động và hoạt bát, chính vì vậy trẻ không mấy khi có đủ kiên nhẫn để lắng nghe người khác. Mẹ hãy giúp bé rèn luyện kĩ năng bằng chính sự lắng nghe, giao tiếp bằng mắt với con mỗi khi nói chuyện, để cho bé có thời gian để bày tỏ suy nghĩ của mình. Mẹ hãy kiên nhẫn để nghe con nói chứ không nên ngắt lời con, bởi vốn từ của con còn hạn chế. Việc ngắt lời người khác cũng là bất lịch sự và không được ủng hộ.
8. Giúp bé làm quen với việc tự giới thiệu bản thân
Đây có thể là thử thách cho những bé hay ngại ngùng và xấu hổ trước mặt người lạ. Mẹ hãy giúp bé làm quen với ý tưởng tự giới thiệu bản thân thông qua việc tạo lập niềm tin. Để bắt đầu, hãy để trẻ nói chuyện với thú nhồi bông yêu thích của mình. Giải thích cho con hiểu những thông tin cần cung cấp trong bài giới thiệu, chẳng hạn như: tên, tuổi, sở thích của bản thân. Từ đó bé sẽ tự tin và có cách giao tiếp, ứng xử khéo léo, thông minh hơn khi lớn lên.