Sự tự ti trở thành chướng ngại tâm lý thường thấy ở trẻ. Do tự ti nên trẻ hay sợ sệt, nhạy cảm, thiếu tự tin, khiếm khuyết về tính cách. Thế nhưng, nguyên nhân trẻ tự ti thông thường lại là do cha mẹ gây nên.
Lời nói của cha mẹ là sự tổn thương trực tiếp nhất với trẻ
“Sao con ngốc vậy?
Dạy bao nhiêu lần rồi mà cũng không nhớ!”
“Chưa có thấy đứa trẻ nào không biết nghe lời như con!”
“Sao con làm việc gì cũng không nên hồn thế?”
“Nhìn bạn bè con kia kìa, các bạn học giỏi thế, sao con lại kém thông minh vậy?”
“Con chậm hiểu quá, hết cách với con rồi”
“Con thật là phiền quá đi! Có thể yên lặng được không vậy?” v.v…
Đôi khi cha mẹ không hề nghĩ đến hậu quả mà nói những lời nặng nề với trẻ, cũng không hề biết được một lời nói ra sẽ gây tổn thương cho trẻ đến nhường nào. Nội tâm của trẻ rất yếu mềm, non nớt – khi mà trẻ vẫn chưa có khả năng đối mặt với “giông bão cuộc đời” mà trong gia đình đã phải chịu sự đả kích – thì sẽ bị tổn thương đến chừng nào.
Con trẻ không biết mỗi ngày cha mẹ đều bận rộn nhiều công việc, trẻ chỉ biết rằng cha mẹ trông thật chán nản, thất vọng khi nói mình phiền, mình không giỏi mà thôi. Từ đó về sau, trẻ sẽ cảm thấy bản thân thật sự rất ngốc, là một đứa trẻ chuyên gây phiền phức, bởi vì cha mẹ đã nói như thế. Cha mẹ là người mà con cái tin tưởng, trẻ sẽ tiếp nhận tất cả thông tin từ cha mẹ một cách vô điều kiện, bao gồm cả mặt tiêu cực. Những đứa trẻ thường phải chịu những lời nói thô bạo sẽ nghi ngờ khả năng và giá trị của bản thân chúng, sẽ không ngừng phủ định chính mình, “Cha mẹ đều cảm thấy mình không ra gì, sao mình có thể làm tốt được đây?”. Lâu dần trẻ sẽ không còn tự tin nữa, giống như một con chim bị hoảng sợ, bồn chồn lo lắng, trở nên vô cùng tự ti. Có nhiều khi lời nói thô bạo của cha mẹ còn gây tổn thương nặng nề cho trẻ hơn là đánh trẻ.
Luôn muốn con phải được lòng tất cả mọi người
Nhiều bậc cha mẹ luôn mong muốn con mình sống hòa bình với tất cả mọi người, điều đó có nghĩa là họ không muốn con có những tranh cãi hay có những mâu thuẫn với bạn bè hay gia đình. Nhưng thật ra điều này lại không hề tốt cho con. Làm vừa lòng tất cả mọi người đồng nghĩa đôi khi con phải đánh đổi chính những lợi ích của bản thân. Hãy dạy con cách tôn trọng và giúp đỡ người khác, chứ không phải làm hài lòng tất cả mọi người.
Chính bản thân con sẽ luôn bị áp lực khi cố gắng phải làm bố mẹ hài lòng và bản thân luôn bị áp lực. Vì thế hãy động viên con khi con làm mọi việc, hãy trấn an con bằng cách nói: “Mẹ biết là khó, nhưng mẹ tin là con sẽ làm được”.
Luôn chú ý đến nhược điểm của trẻ
“Cu Bo nhà mình nhút nhát lắm!” hay “Con bé vụng về lắm, làm gì cũng hỏng cả!”... những câu nói vô tình, nhắc đi nhắc lại khuyết điểm của con ấy tưởng như không có ý nghĩa gì lại có tác động rất lớn đến tâm lý của trẻ.
Khi cha mẹ luôn chú ý đến những nhược điểm ấy, dần dần trẻ sẽ hình thành tâm lý mình thật nhút nhát hay thật vụng về và sự tự tin về bản thân sẽ dần biến mất.
Khắc phục: Khi sự tự tin của trẻ suy giảm vì bất cứ lý do gì thì cha mẹ nên khuyến khích con hướng tới những điều tích cực, tuyệt đối đừng nhắc tới những nhược điểm của trẻ mà phải chú ý đến những điểm mạnh như khả năng sáng tạo hoặc óc hài hước của trẻ, hướng con đến những điều tích cực.
Cha mẹ quá yêu chiều, bao bọc
Cuộc sống hiện đại, mỗi gia đình chỉ có từ một đến hai con nên việc cha mẹ chăm lo, bao bọc quá kỹ là điều dễ thấy. Trong cuộc sống cũng như trong học tập, cha mẹ đều lo cho trẻ từng chút một. Sự bảo vệ này khiến cho trẻ không có cơ hội được tự lập bằng chính khả năng của mình, hình thành tâm lý ỷ lại, dựa dẫm, từ đó thiếu kinh nghiệm sống, trẻ trở lên nhút nhát, sỡ hãi với mọi việc.