Hành trình làm cha mẹ không phải lúc nào cũng toàn là niềm vui, có những khi cha mẹ phải đau đầu khi con có những biểu hiện tiêu cực như ganh ghét, đố kỵ. Vậy cha mẹ nên tránh những sai lầm nào khi dạy con và xử trí ra sao khi con lỡ có hành vi như vậy?
Ghen tị là một cảm xúc có thể dễ dàng len lỏi vào cuộc sống của một đứa trẻ. Cảm xúc này có thể phát sinh khi trẻ so sánh mình với anh chị em hoặc bạn bè. Đơn giản ví dụ như bạn của trẻ được mua xe đạp cũng có thể khơi dậy cảm xúc đố kị ở trẻ. Hãy làm tất cả những gì có thể để loại bỏ cảm xúc tiêu cực này trước khi nó có những ảnh hưởng lớn ghê gớm hơn nữa, và đây những điều ba mẹ nên làm.
Những sai lầm của ba mẹ khiến trẻ hay đố kị
Tính đố kỵ hình thành từ khi trẻ còn nhỏ do một số hành vi của cha mẹ châm ngòi cho cuộc đua tranh giữa các con của mình. Dưới đây là những sai lầm nghiêm trọng trong quá trình dạy con của cha mẹ biến trẻ thành người hay ghen tị với người khác.
1. Chiều hư trẻ
Nếu bạn chiều hư con bằng việc luôn đáp ứng mọi yêu cầu thì con sẽ cảm thấy mình không cần nghe lời ai ở nhà hết. Khi con có em hoặc khi con gặp một bạn mà khỏe hơn con, con sẽ thấy bất an và tự ti. Con sẽ coi em mình/người bạn đó là nguyên nhân khiến con cảm thấy như vậy. Con thậm chí sẽ bị trầm cảm khi không đạt được điều mình muốn và cảm thấy kém cỏi khi lớn lên.
2. Bảo bọc thái quá
Khi bố mẹ bảo bọc con thái quá và rồi buông tay để con ra ngoài thế giới có nghĩa là đột nhiên bạn đẩy con đến một nơi mà con hoàn toàn lạ lẫm. Con cảm thấy nghi ngại, rụt rè, xấu hổ, dẫn đến ghen tị khi trẻ thấy một bạn nhỏ tự tin hơn.
3. Dạy con kiểu chuyên quyền, độc đoán
Kiểm soát thái quá là một lỗi mà nhiều bậc cha mẹ mắc phải khiến trẻ trở nên đố kị. Đặt ra các quy định khắt khe mà không giải thích nguyên nhân sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến con. Con sẽ lớn lên với sự thiếu tự tin vào bản thân và thấy mình kém cỏi hơn các bạn đồng trang lứa.
4. So sánh với người khác
Một sai lầm nguy hại nữa mà các bậc cha mẹ mắc phải đó là so sánh các con mình với nhau. So sánh sẽ chỉ dẫn đến ghen tị, đối đầu và thiếu tự tin mà thôi.
5. Tạo ra cạnh tranh không lành mạnh
Bắt trẻ thực hiện cùng một hoạt động và so sánh kết quả sẽ tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các trẻ. Một đứa trẻ tài năng hơn trẻ khác là chuyện hết sức bình thường, tuy nhiên yêu cầu trẻ cùng thực hiện một hoạt động và yêu cầu sự chính xác như nhau là không đúng và dễ dẫn đến sự đố kỵ.
Những biện pháp đối phó với tính đố kỵ ở trẻ nhỏ.
Trước khi đối phó với tính đố kỵ ở trẻ, hãy đảm bảo rằng bạn cũng không đố kỵ anh chị, bạn bè hàng xóm hay những người khác. Nếu bạn không thể loại bỏ tính đố kỵ thì bạn không thể xử lí tình huống này hiệu quả với con bạn.
1. Biến ganh tị thành động lực
Hãy biến cảm xúc tiêu cực thành nguồn năng lượng để đạt được những mục tiêu tích cực. Ví dụ, nếu con bạn buồn bởi vì bạn của con được điểm tốt, hãy động viên con học chăm chỉ hơn để đạt được thành tích như vậy. Một khi con bạn vào guồng học hành, con sẽ không tập trung vào việc con phải vượt qua bạn nào. Con sẽ dành sự chú ý của mình về đúng hướng đó là phát triển bản thân.
2. Lắng nghe
Trong đa số các trường hợp, biểu hiện ghen tị và đố kỵ có nguồn gốc từ sâu thẳm bên trong. Trẻ thường lo âu hoặc có vấn đề ẩn sau nào đó sau hành vi ấy. Nói chuyện với con để tìm hiểu lí do tại sao con lại ghen tị với một người nhất định và lắng nghe con. Có đôi khi nguyên nhân là do con không tự tin vào bản thân. Hoặc có thể con không chắc chắn về những điểm mạnh của mình, khiến trẻ thể hiện sự đố kỵ với người khác.
3. Đọc truyện cho trẻ nghe
Những truyện kinh điển có nhiều bài học đạo đức ẩn giấu bên trong, và kể cả nếu bạn không nhấn mạnh vào những bài học này thì con cũng sẽ học được thông qua những giai đoạn phát triển quan trọng. Biến việc đọc truyện trước khi đi ngủ thành một thói quen. Mua cho trẻ những cuốn sách có nhiều bài học đạo đức về những phẩm chất như giúp đỡ người khác, quan tâm và có thành ý. Điều này sẽ giúp trẻ hiểu được việc mình đang làm là đúng hay sai.
4. Làm gương cho trẻ
Một cách khác để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc suy nghĩ tích cực về người khác đó là biến mình thành tấm gương thực hiện việc này. Hãy khen ngợi người khác vì họ có khiếu hài hước, có hành vi ứng xử tốt hoặc có bất cứ phẩm chất tốt đẹp nào. Hãy hào phóng với những lời khen của mình để con học tập.
5. Dạy cho con tầm quan trọng của việc chia sẻ
Trẻ nhỏ thường thù dai những trẻ khác mà không có nguyên nhân cụ thể nào. Nếu đó là trường hợp của con bạn, hãy dạy con tầm quan trọng của việc quan tâm và chia sẻ. Điều này sẽ giúp trẻ loại bỏ cảm giác bất an và thiếu tự tin. Chẳng bao lâu sau bạn sẽ thấy con thích chơi với người bạn mà con từng đố kỵ.
6. Yêu thương con
Điều này không có nghĩa rằng là bạn không thương con, nhưng điều này là để nhấn mạnh rằng trẻ cần được yêu thương và quan tâm thật nhiều trong giai đoạn đầu đời này. Dù nguyên nhân là gì chăng nữa thì sự chỉ bảo của cha mẹ cùng với tình yêu thương chăm sóc có thể uốn nắn mọi sai lầm.
7. Không so sánh
Đừng so sánh thành tích của con với trẻ khác vì như vậy là bạn đang làm giảm giá trị của con và gây ra những hậu quả lâu dài. Những so sánh này khiến trẻ đưa đến kết luận rằng: "Mẹ nghĩ anh giỏi hơn", "Bố thương anh nhiều hơn".
8. Nuôi dưỡng điểm mạnh của mỗi trẻ
Mỗi trẻ đều thích nghe cha mẹ nói về điểm mạnh của mình. Nói về một điểm mạnh cụ thể làm tăng sự tự tin của trẻ. Nếu trẻ có sở thích hoặc có một đặc điểm tính cách tích cực nào thì hãy cố gắng nuôi dưỡng phẩm chất đó cho con.
9. Củng cố hành vi hợp tác
Đây là một trong những cách đơn giản nhất để loại bỏ sự đố kỵ ở trẻ. Hãy hướng dẫn để trẻ giúp đỡ lẫn nhau. Dành thời gian để trẻ chia sẻ, hợp tác và trân trọng những nỗ lực của nhau. Các con sẽ lặp lại những hành vi này khi con nhận nhận ra bạn muốn con làm vậy.
Nếu bạn thấy con ghen tị với các bạn có điểm cao hay ghen tị vì em trai có xe đạp mới, hãy nói chuyện với con và nhắc nhở con về những khi con đạt được những thành tích và được thưởng. Sự quan tâm sâu sát của ba mẹ sẽ có ảnh hưởng lớn đến trẻ.