Mọc răng là một cột mốc quan trọng trong quá trình phát triển của bé. Phát hiện được các dấu hiệu trẻ mọc răng sẽ giúp mẹ chăm sóc răng miệng cho bé tốt hơn.
1. Thời điểm trẻ bắt đầu mọc răng
Mọc răng đánh dấu giai đoạn phát triển mới của bé. Hầu hết các bé bắt đầu mọc răng trong giai đoạn 5-7 tháng tuổi. Đến 3 tuổi bé sẽ có hàm răng hoàn chỉnh với 20 chiếc răng sữa xinh xắn. Cụ thể, răng bé sẽ mọc theo trình tự nhất định như sau:
- Răng cửa thứ nhất hàm dưới mọc lúc 6 tháng rưỡi. Răng cửa thứ nhất hàm trên mọc lúc 7 tháng rưỡi.
- Răng cửa thứ hai hàm dưới mọc lúc 7 tháng. Răng cửa thứ hai hàm trên mọc lúc 8 tháng.
- Răng hàm thứ nhất hàm dưới và hàm trên mọc khi bé được 12 đến 16 tháng.
- Răng nanh hàm dưới và hàm trên mọc trong giai đoạn từ 16 đến 20 tháng.
- Răng hàm thứ hai hàm dưới và hàm trên mọc khi bé được 20 đến 30 tháng.
2. Dấu hiệu >trẻ mọc răng
Dưới đây là những dấu hiệu trẻ mọc răng mà bố mẹ nào cũng cần biết.
2.1. Chảy nhiều nước dãi
Nước bọt được tiết ra là do sự điều khiển của hệ thống thần kinh trung ương. Khi bé 3-4 tháng tuổi, bé sẽ bắt đầu tiết nước bọt nhiều. Đến 6 tháng tuổi, lượng nước bọt của bé sẽ nhiều hơn hẳn. Khi răng bé mọc sẽ kích thích dây thần kinh thứ 5 khiến cho bé chảy nước dãi nhiều hơn. Đây chính là dấu hiệu trẻ mọc răng dễ nhận biết nhất. Do khoang miệng của bé nông, chức năng nuốt nước bọt chưa phát triển hoàn thiện nên nước dãi sẽ chảy ra ngoài nhiều. Khi bé lớn hơn, các răng mọc đầy đủ thì tình trạng này sẽ giảm dần.
2.2. Thường xuyên nhai cắn
Khi mầm răng nhú lên sẽ kích thích lợi khiến bé ngứa ngáy, khó chịu muốn gặm cắn mọi thứ xung quanh. Tại giai đoạn này, mẹ nên chuẩn bị cho bé đồ gặm nướu chuyên dụng để đảm bảo vệ sinh và không làm tổn thương lợi bé.
2.3. Sốt nhẹ
Khi bé mọc răng, hệ miễn dịch thay đổi nên các tác nhân gây sốt dễ xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy trong giai đoạn này mẹ cần thường xuyên theo dõi thân nhiệt bé để đảm bảo an toàn cho bé. Nếu bé sốt nhẹ mẹ có thể hạ sốt bằng cách chườm ấm, mặc quần áo thoáng mát, cho bú nhiều. Trong trường hợp bé sốt cao, mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ.
2.4. Bỏ bú
Khi mọc răng, bé sẽ cảm thấy khó chịu, đau nhức lợi. Vì vậy bé có thể bú kém, hoặc thậm chí bỏ bú. Lúc này mẹ nên kéo dài thời gian giữa các cữ bú để bé có cảm giác thèm ăn.
Trong trường hợp bé chán ăn kéo dài, sụt cân thì mẹ cần đưa bé đi khám bác sĩ để được điều trị kịp thời.
2.5. Thường xuyên quấy khóc
Mọc răng khiến bé cảm giác bứt rứt, khó chịu nên sẽ hay quấy khóc. Tuy nhiên, quá trình mọc răng của các bé khác nhau nên không phải bé nào cũng quấy khóc.
Khi bé khóc, mẹ nên dỗ dành, cho bé chơi đồ chơi để bé quên đi cảm giác khó chịu, ngứa ngáy.
2.6. Cằm và xung quanh miệng nổi mẩn
Cằm và xung quanh miệng nổi mẩn là dấu hiệu trẻ mọc răng khá rõ. Do nước dãi của bé chảy nhiều nên các vùng da khô có thể xuất hiện các nốt mẩn đỏ. Khi mẹ thấy bé bị nổi mẩn hãy kiểm tra lợi của bé xem có phải bé có mọc răng hay không để chăm sóc phù hợp.
2.7. Bé ho
Ho là một trong những dấu hiệu thường thấy khi bé mọc răng. Nguyên nhân bé ho là do nước dãi chảy nhiều. Nếu bé ho và không kèm theo sốt, khó thở hoặc các dấu hiệu bất thường khác thì mẹ không cần quá lo lắng. Tuy nhiên trong trường hợp bé ho nhiều, mẹ nên đưa bé đi khám.
2.8. Ngủ không ngon giấc
Khó ngủ cũng là một trong các dấu hiệu trẻ mọc răng. Do lợi bé ngứa ngáy, bứt rứt nên bé có thể ngủ không ngon giấc, hay giật mình, quấy khóc khi ngủ. Mẹ nên dỗ dành, an ủi để bé ngủ ngon hơn.
3. Cách >chăm sóc trẻ mọc răng
Trong giai đoạn mọc răng, bố mẹ cần chú ý chăm sóc răng miệng của bé cẩn thận để bé có hàm răng khỏe mạnh, trắng sáng.
- Nếu bạn không muốn trẻ cắn vào những đồ vật mất vệ sinh hoặc cắn vào chính bạn, bạn có thể dùng một chiếc khăn hoặc miếng vải ẩm và lạnh. Khăn lạnh sẽ làm tê nướu, giúp trẻ bớt đau.
- Không gì có tác dụng giảm đau tốt hơn việc massage. Hơn nữa, massage nướu còn khiến trẻ dễ chịu, thư giãn nên trẻ sẽ bớt quấy khóc.
Bạn có thể dùng đầu ngón tay nhẹ nhàng xoa nhẹ phần nướu nơi răng sắp mọc khoảng 2 phút nhưng cần chú ý giữ tay sạch sẽ tuyệt đối trước khi thực hiện.
- Khi răng bắt đầu mọc là lúc nướu của trẻ cũng dễ bị nhiễm vi khuẩn vì vậy việc làm vệ sinh nướu rất quan trọng. Cần sử dụng khăn ướt và sạch để làm vệ sinh nướu. Và khi răng mọc xong, bạn nên dùng bàn chải dành riêng cho em bé để vệ sinh răng.