"Nếu nhìn qua điện thoại của tôi, bạn có thể sẽ tìm thấy cả đống ảnh chụp thằng bé ở tư thế ngủ giống hệt như vậy".
Ba tuần sau khi chào đời, cậu bé Michael Stepplings bé nhỏ đang biết cách tận hưởng cuộc sống của mình. Bằng chứng là cậu bé nằm ngủ giống hệt như tư thế ở trong bụng mẹ. Mẹ cậu bé thực sự kinh ngạc trước tình huống hài hước này.
Cậu bé ngủ với tư thế y hệt lúc nằm trong bụng mẹ
Sarah Kelleher Stepplings, mẹ bé Michael, đến từ bang South Carolina, Hoa Kỳ đã chia sẻ hình ảnh thú vị của con trai lúc siêu âm và sau khi chào đời. Khi mang thai hơn 38 tuần, mẹ và bà của Sarah đã khuyến khích cô đi siêu âm. Nhưng Sarah không thực sự tin tưởng vào kết quả siêu âm bởi trong lần siêu âm đầu tiên, cô đã mang về một bức ảnh bị vỡ hình. Và đó là lý do cô không có ý định siêu âm một lần nào nữa trong thai kì. Nhưng mẹ và bà cô đều muốn có một bức hình về em bé sắp chào đời.
Đồng ý đi siêu âm, Sarah thực sự ấn tượng với những lợi ích mà siêu âm mang lại trong suốt thai kỳ. Cô không chỉ biết được đứa con chưa chào đời của cô đang phát triển khỏe mạnh thế nào mà còn nhận ra cậu bé đang thoải mái ra sao khi nằm trong bụng mẹ. Khuôn mặt đáng yêu và cảm giác thoải mái của cậu bé, với hai tay bên đầu, thực sự đã khiến trái tim cô tan chảy.
Nhưng với Sarah, điều đáng yêu nhất cô nhận được từ lần siêu âm đó là sau khi cậu bé chào đời. Đó là khi cô phát hiện ra Michael đã ngủ với tư thế giống hệt như khi còn trong bụng mẹ - với hai tay đặt bên đầu.
Cậu bé Michael ngủ với tư thế giống hệt như trong bụng mẹ.
Cô chia sẻ: “Ngay từ ngày đầu tiên, thằng bé đã biết cách thư giãn rồi. Thằng bé ngủ với hai tay hướng lên trên như thế. Nếu nhìn qua điện thoại của tôi, bạn có thể sẽ tìm thấy cả đống ảnh chụp thằng bé ở tư thế ngủ giống hệt như vậy. Một ngày nọ, tôi nghĩ đến việc xem lại mấy bức hình siêu âm của con. Tôi nhìn bức hình đó và phải thốt lên ‘Trời đất ạ! Thằng bé ngủ đúng y như trong bụng mẹ!’”.
Sarah đã chia sẻ bức hình siêu âm trước khi chào đời 3 tuần của Michael kèm theo bức ảnh cậu bé được 3 tuần tuổi. Và cư dân mạng thực sự phấn khích vì cậu bé.
Cô càng cảm động hơn khi nhiều ông bố bà mẹ đã liên lạc với cô để giúp đỡ và cho cô lời khuyên khi họ nhìn thấy bức Michael ngủ cùng ánh đèn xanh. Cô cho biết: “Thằng bé bị chứng thiếu máu tán huyết khó hiểu và bệnh vàng da nghiêm trọng trong vài tháng đầu, đó là lý do vì sao con nằm ngủ dưới ánh đèn màu xanh như trong bức ảnh”.
Cả Sarah và chồng cô là Ross Stepplings đều có khả năng sáng tạo và có năng khiếu >âm nhạc, vậy nên Sarah cảm giác có thể Michael sẽ thừa hưởng điều đó từ bố mẹ. Nhưng hiện tại, cô đang mong mỏi được nghe thấy cậu con trai cất tiếng gọi mẹ đầu tiên.
Những lợi ích của siêu âm trong thai kỳ
Nhiều người lo lắng tác hại của sóng siêu âm ảnh hưởng đến em bé trong bụng mẹ. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra siêu âm là an toàn với cả mẹ và bé. Phương pháp siêu âm sử dụng các sóng âm thanh tần suất cao để tạo ra hình ảnh của thai nhi. Các bác sỹ thường đề xuất thực hiện siêu âm để kiểm tra tình trạng phát triển của trẻ, đồng thời cảnh báo cho các mẹ về bất kỳ nguy cơ tiềm ẩn nào có thể xảy ra.
Siêu âm trong kỳ mang thai đầu tiên nhằm mục đích:
- Xác nhận người mẹ mang bầu.
- Kiểm tra nhịp tim của thai nhi.
- Xác định thời gian thụ thai và ngày dự sinh.
- Đánh giá khả năng mang thai đôi trở lên.
- Kiểm tra các cơ quan của người mẹ như nhau thai, tử cung, buồng trứng và cổ tử cung.
- Chẩn đoán các biến chứng như chửa ngoài dạ con.
- Kiểm tra khả năng sảy thai.
- Tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu phát triển bất thường nào của thai nhi.
Trong kỳ mang thai thứ hai và thứ ba, siêu âm được thực hiện với các mục đích sau:
- Kiểm tra tình trạng phát triển và vị trí của thai nhi.
- Xác định giới tính của thai nhi.
- Xác nhận khả năng mang thai đôi trở lên.
- Kiểm tra các vấn đề về nhau thai.
- Đánh giá khả năng thai nhi mắc hội chứng đao ở tuần 13-14.
- Kiểm tra các khuyết tật bẩm sinh của thai nhi.
- Kiểm tra các vấn đề về cấu trúc xương và lưu thông máu ở thai nhi.
- Đo lường lượng nước ối.
- Xác định lượng ôxy thai nhi được cung cấp.
- Chẩn đoán các vấn đề về buồng trứng và tử cung, như u khi mang thai.
- Xác định chiều dài cổ tử cung.
- Chỉ dẫn cho các kiểm tra khác.
- Xác nhận khả năng thai chết lưu.