Những ngày tháng đó Yu Yan đã có cảm giác bị bỏ rơi, lạ lẫm với thế giới xa lạ. Và rồi cô bé dần dần sinh ra chứng trầm cảm.
Yu Yan, 9 tuổi người Hàng Châu, Trung Quốc là một cô bé trầm tính, ít nói. Cô bé im lặng, không thích chơi với bạn bè, ngoan ngoãn nhưng… học kém. Vì những kết quả bài kiểm tra quá tệ hại nên giáo viên chủ nhiệm đã đề nghị đưa bé đi kiểm tra. Kết quả là cô bé bị trầm cảm.
Bố mẹ của Yu Yan đã vô cùng choáng váng khi nghe kết luận về con mình. Họ đã nhờ người tư vấn giúp về nguyên nhân khiến con bị như vậy. Gia đình của Yu Yan giàu có, che mẹ đều yêu thương cô bé. Mẹ và bà của bé còn luôn gần gũi, bên con cháu của mình.
Qua trò chuyện, bác sĩ và mẹ của bé biết rằng Yu Yan trở nên lặng lẽ kể từ khi bé bắt đầu đi học mẫu giáo. Sau khi phân tích, Yu Yan lúc 3 tuổi bắt đầu được bà và mẹ cho đi học. Những tiếng khóc của bé trong ngày đầu nhập trường chính là dấu hiệu cảnh báo cho việc bé có thể rơi vào trạng thái hoảng loạn, cô đơn, sợ hãi… Nhưng bà và mẹ của Yu Yan thì không hề biết điều đó.
Mẹ và bà của Yu Yan cho rằng đi học là việc bắt buộc đứa trẻ nào cũng phải trải qua, việc khóc cũng là bình thường. Họ nghĩ rằng chỉ vài ngày sau con sẽ quen và mọi chuyện sẽ ổn hết. Vậy là bất chấp sự hoang mang của con, bất chấp việc con chưa quen, chưa thích nghi cần sự vỗ về, chia sẻ từ người thân, gia đình bé Yu Yan đã kiên quyết đưa con đến trường mỗi ngày và để mặc con tự vật lộn với những cảm xúc lạ lẫm khi rời xa vòng tay bố mẹ. Thậm chí khi con khóc nói không muốn đi học, mẹ còn dọa dẫm rằng nếu còn hư đốn sẽ gửi tới trường để các cô “trị”.
Mẹ của Yu Yan tâm sự: "Tôi đã không nhận ra hành động của mình là vô tình, tàn nhẫn. Tôi đã không chuẩn bị cho con một tâm lí đủ tốt để bắt đầu đi học. Con tôi đã có cảm giác bị bỏ rơi và dần dần thấy cô độc, tách biệt với thế giới bên ngoài. Tôi hối hận suốt đời vì sai lầm này của mình".
Những ngày tháng đó Yu Yan đã có cảm giác bị bỏ rơi, lạ lẫm với thế giới xa lạ. Và rồi cô bé dần dần sinh ra chứng trầm cảm.
Giai đoạn trẻ bắt đầu đi học, rời xa môi trường quen thuộc với bố mẹ, ông bà là một thời điểm cực kì quan trọng mà gia đình nên chuẩn bị tốt tâm lí cho bé. Đừng quá lo lắng về việc tới trường con có được ăn ngon không, có được học nhiều thứ không, hãy quan tâm tới cảm xúc của con nhiều hơn là những yếu tố vật lí như vậy. Vậy làm thế nào để giảm bớt những hoảng sợ cho trẻ khi bắt đầu đi học:
Nói chuyện về những lợi ích khi đi học thay vì dọa con phải tới trường
Trẻ em như tờ giấy trắng, việc bạn xây dựng hình ảnh về một môi trường học gần gũi, thích thú hay đáng sợ sẽ ảnh hưởng tới tâm lí của trẻ. Cha mẹ nên chú ý tới lời lẽ khi truyền đạt cho con ở nhà. Cần truyền đạt lợi ích của trườn học cho trẻ, để trẻ cảm nhận rằng đến trường là một điều thật tuyệt vời, thật hạnh phúc, được gặp các bạn bè đồng trang lứa, nghe cô giáo kể chuyện, học hát, học múa, tập thể dục, khám phá nhiều điều mới mẻ…
Đừng bao giờ dọa con rằng “Nếu con không nghe lời, mẹ sẽ đưa con đến trường để cô giáo giáo dục con”; “Mẹ sẽ bảo cô giáo mắng cho con một trận”… Những lời nói này khiến trường học và cô giáo trong tâm trí trẻ là một điều thật đáng sợ, như một sự tra tấn về tinh thần, một hình phạt mà trẻ phải đón nhận.
Trước khi cho con đi học, cha mẹ cần dạy con cách tự chăm sóc bản thân
Trước hết, bạn nên chọn những đôi giày dễ đi, dễ cởi, những bộ quần áo có khóa kéo thay vì nhiều cúc hoặc chui đầu, tập cho trẻ đội mũ, khoác áo… để trẻ tự thao tác làm được những việc đơn giản đó cho mình, tránh khiến bé có cảm giác không theo kịp các bạn hoặc bị bỏ rơi.
Trường hợp trẻ vẫn khóc và sợ đi học
Trong trường hợp trẻ vẫn khóc và sợ đi học dù đã có thời gian làm quen trước đó. Mẹ tìm hiểu xem lý do. Hãy trò chuyện với con, hỏi con về những vấn đề ở trường để lắng nghe con nói. Cha mẹ phải kiên trì và tinh tế khi nói với con để con có thể bộc bạch hết suy nghĩ của mình. Nếu nguyên nhân không phải đến từ nhà trường mà chỉ do con chưa quen thì cần động viên, phân tích để con hiểu hơn, không sợ hãi đi học.