Trong quá trình luyện bé ngồi bô, có một mẹo nhỏ được các mẹ truyền tai nhau: Đó là hãy để bé không mặc gì – nghe có vẻ kỳ cục nhưng nó đã được chứng minh là cực kỳ hiệu quả.
Luyện bé ngồi bô có thể là một trong những giai đoạn dễ khiến bạn nản lòng thoái chí nhất khi làm cha mẹ. Tất cả chúng ta đều muốn con từ bỏ tã bỉm nhưng con đường dẫn tới thiên đường ấy lại rất khác với từng đứa trẻ. Với một số bé, đó là quá trình dễ dàng, tràn ngập phần thưởng, lời khen ngợi và thái độ tích cực. Với số khác, hẳn nhiều phụ huynh phải tức tưởi kêu trời. Nhưng bất kể bạn theo đuổi cách luyện cho con ngồi bô nào, hay con bạn thuộc tuýp hào hứng hay dửng dưng với chuyện này, những bước đơn giản dưới đây cũng sẽ giúp bạn đi tới đích.
1. Quan sát các dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng
Cố gắng luyện bé ngồi bô khi trẻ chưa sẵn sàng hoặc không hứng thú chỉ gây ra nhiều phiền muộn mà thôi. Thay vào đó, hãy tìm kiếm dấu hiệu bé đã sẵn sàng học ngồi bô (và chính bản cũng cần chuẩn bị tinh thần nữa). Nếu con bạn tỏ vẻ khó chịu và phàn nàn về việc bỉm ướt, dính bẩn, trốn vào đâu đó để từ hoặc ị hay nói với bạn rằng con muốn đi vệ sinh/vừa đi xong, đã đến lúc bạn dạy con ngồi bô. Những dấu hiệu khác có thể bao gồm trẻ hứng thú với cách dùng bô của bạn khác hay cố gắng bắt chước hành động đó và không tè/ị ra bỉm trong một khoảng thời gian dài, nhất là khi tỉnh dậy sau một giấc ngủ ngắn.
2. Trò chuyện với bé về việc ngồi bô
Bước đầu tiên để giúp con làm quen với ý nghĩ về việc tự đi vệ sinh, thay vì đóng bỉm là trò chuyện về nó thật nhiều. Hãy đọc cho con nghe những cuốn sách chủ đề luyện ngồi bô, để trẻ quan sát cách bạn sử dụng nhà vệ sinh và nói về các bạn nhỏ khác đã biết cách tè/ị độc lập. Mưa dần thấm lâu, trẻ sẽ dần quan với ý tưởng bỏ bỉm trước khi chuyện này thực sự diễn ra.
3. Chuẩn bị sẵn sàng mọi dụng cụ cần thiết
Không cần phải mua thật nhiều, chỉ cần sắm một vài vật dụng cần thiết là đủ. Bô tất nhiên là thứ không thể thiếu. Một số cha mẹ thích chọn loại bô thông thường hoặc có khay đựng nước tè/phân, sau đó, có thể rút ra để đi đổ. Một số khác lại chọn luôn loại ghế ngồi gắn lên trên bồn vệ sinh trong nhà.
Một số vật dụng cần thiết khác: chiếc ghế nhỏ để trẻ kê chân trong trường hợp bạn dùng ghế ngồi đặt trực tiếp lên toilet. Giấy vệ sinh hoặc khăn ướt để bạn nhanh chóng xử lý mớ hỗn độn nếu có. Cũng là ý tưởng hay nếu chuẩn bị thêm vài cuốn sách ở bên để trẻ >giải trí trong quá trình luyện ngồi bô có thể kéo dài hơn dự kiến.
4. Chuẩn bị tinh thần phải nghỉ một số ngày ở nhà
Ở giai đoạn đầu luyện bé ngồi bô, bạn sẽ muốn lên lịch cho vài ngày dư dả thời gian để ở nhà và tập trung vào công cuộc có thể gian khó này. Trong những ngày này, lên kế hoạch hỏi trẻ xem con có cần đi vệ sinh không và sẵn sàng cho rất nhiều trường hợp báo động giả, sự cố (có thể bạn phải gấp gọn tấm thảm trải nhà yêu thích hoặc dùng khăn khổ to che bàn ghế đi). Những ngày đầu tiên có thể khá bực bội và bừa bộn nhưng rồi mọi thứ rốt cuộc sẽ đâu vào đó.
5. Để con cởi truồng
Kinh nghiệm của một số mẹ đã luyện trẻ ngồi bô thành công là "đừng có mặc quần áo gì cho con". Để con không mặc quần áo hoặc không đóng bỉm là dấu hiệu cho trẻ thấy trẻ phải đi tè/ị ngay tại trận hoặc vào nhà vệ sinh. Rất hi vọng, trẻ sẽ chọn vế thứ hai.
6. Trao cho bé những phần thưởng và biện pháp củng cố hành vi tích cực
Miếng dán hình, một ít kẹo hay một ngôi sao trên bảng ghi thưởng là cách tuyệt vời để tạo động lực cho bé và chúc mừng nỗ lực nếu bé thành công. Bạn cũng có thể nghĩ đến việc bổ sung những phần thưởng lớn hơn như một chuyến đi tới tiệm kem/cửa hàng đồ chơi yêu thích của trẻ sau một cuối tuần vệ sinh đúng cách.
7. Tìm kiếm sự trợ giúp của cô giáo mầm non
Phần lớn các cô đều sẽ vui vẻ hỗ trợ bạn trong quá trình luyện con ngồi bô. Nhưng bạn cần thông báo cho họ về tiến bộ cũng như điểm chưa được của con để sự trợ giúp hiệu quả hơn. Nếu trẻ cần được nhắc nhở để đi vệ sinh, hãy đề nghị cô giáo giúp đỡ. Ngoài ra, bạn hãy đưa con vào nhà vệ sinh trong trường để con quen và cảm thấy thoải mái với không gian khác ngoài nhà mình.
8. Cân nhắc các giấc ngủ ngắn và giấc ngủ đêm của con
Một số phụ huynh muốn lập tức đoạn tuyệt với tã bỉm ngay khi con bắt đầu dùng bô. Một số khác không thấy phiền nếu vẫn đóng bỉm cho trẻ vào các giấc ngủ ngắn và giấc ngủ đêm. Trường hợp bạn muốn con từ bỏ bỉm càng sớm càng tốt, hãy đảm bảo rằng, bạn đã có sẵn vài chiếc ga trải giường và ga chống thấm. Trường hợp bạn thấy chưa cần phải hoàn toàn nói "không" với bỉm, hãy để ý các dấu hiệu bé sẵn sàng ngồi bô (bỉm khô sau các giấc ngủ ngắn, nhất là giấc ngủ đêm của bé). Đặc biệt, cần lưu ý hạn chế lượng chất lỏng bé hấp thụ trước giờ đi ngủ và nhắc bé đi vệ sinh trước khi lên giường.
9. Chấp nhận mọi rủi ro và sự cố
Chỉ một số ít trẻ, việc luyện ngồi chỉ diễn ra trong vài ngày và tỷ lệ thành công là 100%. Với phần lớn trẻ, quá trình đó kéo dài hơn và không thể tránh khỏi một số giai đoạn thụt lùi. Đừng vội nản lòng nếu con gặp phải vài sự cố, dù bạn đã nghĩ con ngồi bô thành thục rồi. Ốm bệnh và thay đổi trong lịch sinh hoạt hay thời tiết, môi trường xung quanh cũng có thể tác động tới việc ngồi bô của trẻ. Luôn nhìn nhận sự việc một cách tích cực, đừng quát mắng, chê bai con và bạn chớ quên nhẹ nhàng chỉ dẫn trẻ trở lại đúng hướng.