Người xưa thường bảo “thương cho roi cho vọt” dạy trẻ luôn đòi hỏi sự nghiêm khắc và tận tâm của cha mẹ để bé lớn lên tự lập và ngoan ngoãn. Muốn vậy bạn hãy thuộc lòng những nguyên tắc sau đây:
“Chiều con là hại con”
Bất cứ thứ gì con cần mẹ đều đáp ứng. Mới nghe qua có thể thấy đây chính là một người mẹ vô cùng tuyệt vời, tuy nhiên trong nhiều trường hợp, quá nuông chiều con lại là một trong những con đường khiến con trở nên xấu tính nhanh nhất. Trẻ muốn gì mẹ đều đáp ứng, qua nhiều lần như thế, bé sẽ nhận thấy mình đúng là trung tâm của mọi thứ và mọi nhu cầu của mình đều phải được thực hiện một cách dễ dàng. Nếu tiếp tục kéo dài tình trạng này, trẻ sẽ càng ngày càng đòi hỏi nhiều thứ hơn, trở nên lãng phí, kiêu ngạo, không biết nhẫn nhịn, chịu khó. Bên cạnh đó, cách dạy con sai lầm này còn tạo nên thói hay khóc lóc ăn vạ và làm phiền người khác của bé kéo dài cho đến khi lớn lên.
Không được mủi lòng
Xót con là tâm lý thường gặp phải ở những người mẹ trẻ. Chỉ cần nhìn thấy bé khóc nức nở hoặc một vết trầy bé tí, nhiều chị em đã bắt đầu mủi lòng và bỏ qua hết mọi “tội lỗi” của con. Một số trẻ rất biết nắm bắt tâm lý này của mẹ mình và luôn đem nước mắt ra để “đe dọa” mẹ, bắt mẹ xí xóa hết mọi sai trái. Khi con mắc lỗi, điều người mẹ cần làm nhất đó chính là giải thích cho con hiểu mức độ nghiêm trọng của vấn đề đồng thời yêu cầu bé không được lặp lại điều đó nữa. Trong trường hợp con quá cứng đầu hoặc vi phạm quá nhiều lần, mẹ cần đưa ra những hình phạt nghiêm túc để bé có thể sửa sai. Nếu cứ nhìn thấy con khóc lóc, mẹ lại mủi lòng bỏ qua thì trẻ sẽ không còn ý thức được hậu quả của những việc làm sai trái của mình, từ đó không biết tự nhận lỗi cũng như sửa đổi.
Đừng lo lắng thái quá
“Con còn quá bé, con sợ nước lắm, bụi bẩn không tốt cho con, loại động vật này sẽ gây hại cho trẻ” và hàng nghìn những nỗi lo khác luôn xuất hiện trong trí não của các bà mẹ. Lo lắng cho con là điều hiển nhiên đối với các bậc phụ huynh, tuy nhiên lo lắng thái quá lại không tốt cho con một chút nào. Chỉ cần bé té ngã, mẹ đã vội vàng đến đỡ ngay, chỉ cần con đi chân đất, mẹ vội vàng giúp con đeo dép, con thích mèo, chưa kịp lại gần mẹ đã nhanh chóng bế con ra xa vì sợ lông mèo gây hại,…
Chính những điều này, sự chăm sóc quá kỹ lưỡng và nỗi lo sợ bất an từng giờ của mẹ đã khiến con ngày càng nhút nhát, yếu đuối hơn. Bé sẽ quen với sự bảo bọc, chăm sóc của mẹ và từ đó luôn có tâm thế dựa vào người khác. Đương nhiên là khi lớn lên, những em bé này sẽ không thể tự lập tốt và biết cách vượt qua hoàn cảnh khó khăn như những bạn cùng trang lứa rồi.
Không khẩn cầu, năn nỉ con cái
Ví như một mặt dụ dỗ, một mặt năn nỉ con chịu ăn cơm hoặc đi ngủ, hứa hẹn sẽ cho cái này cái kia thì con trẻ mới chịu ăn hết cơm. Tâm lý của trẻ con là càng năn nỉ thì chúng càng ưỡn ẹo, càng đề cao đòi hỏi, như vậy không những làm cho con không phân biệt được đúng sai, mà làm cho con trở thành người không có trách nhiệm, tính cách không tự nhiên phóng khoáng, hơn nữa trong mắt trẻ sự uy nghiêm của cha mẹ cũng không còn, như vậy giáo dục con lại càng gặp khó khăn.
Không làm việc thay con
Cổ nhân có câu: “Tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”. Nhưng làm cha mẹ bởi vì yêu thương, cưng chiều, không đành lòng đối với con cái mà bỏ qua việc dạy dỗ con biết lao động, biết thế nào là cảm giác sung sướng, tự hào khi thấy được thành quả lao động của chính mình. Nhiều bậc cha mẹ cho rằng: “Ta nào có thể nhẫn tâm để cho con làm việc chứ?” hay “Bảo chúng làm việc càng thêm phiền, còn không bằng ta đây làm luôn đi cho nhanh”.
Cho nên có nhiều đứa trẻ đến 3 – 4 tuổi rồi còn cần cha mẹ đút cơm, chưa tự biết mặc quần áo, 5 – 6 tuổi còn không biết làm việc nhẹ trong nhà giúp ba mẹ. Nếu cứ như vậy mãi sẽ làm mai một đi tính chăm chỉ, thiện lương trong tính cách đứa trẻ, khi trưởng thành đứa trẻ trở nên lười biếng, vô trách nhiệm, không biết chia sẻ với mọi người.