Rất nhiều biểu hiện của một đứa trẻ hư xuất phát từ chính thói quen sai lầm của cha mẹ trong cách nuôi dạy con.

05:30 09/06/2019

Cãi nhau trước mặt con

Đây là việc làm hoàn toàn sai lầm của các bậc phụ huynh. Việc cha mẹ to tiếng trước mặt con sẽ gây ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng cho con trẻ. Nếu hành động này diễn ra liên tiếp sẽ vô tình hướng con bạn tới nhận định cách giải quyết vấn đề tốt nhất đó là hãy to tiếng với nhau.

Thậm chí, đối với những đứa trẻ yếu ớt, hành động cãi nhau thường xuyên của cha mẹ có thể gây sang chấn tâm lý, ảnh hưởng lâu dài tới tới trẻ.

Ảnh minh họa: Internet

Dè bỉu người khác và chính mình

Thói quen này với ai cũng rất khó sửa. Chúng ta dễ dàng chỉ trích một người mẹ quát mắng con cái ầm ĩ ở quầy thanh toán siêu thị hay bĩu môi trước một ông bố cho con thức khuya quá 11h mà quên mất rằng con mình đang chứng kiến hành động đó.

Nhiều lần như thế, trẻ con cũng sẽ nhanh chóng học theo hành động này, cho rằng mình luôn đúng và được quyền phán xét người khác. Vì vậy thay vì tập trung năng lượng vào việc mắng mỏ cái sai của người khác, hãy chỉ cho con mình thấy những điều đáng học hỏi ngay xung quanh trẻ.

Không chỉ chỉ trích người khác, nhiều bố mẹ còn có thói quen tự khiển trách bản thân mình bằng những ngôn từ không lấy gì làm dễ nghe. "Trời ơi, mình ngu quá!" là một thí dụ. Ai cũng có những lúc sai lầm nhưng hãy cân nhắc khi bạn tự mắng mỏ, trách móc mình quá tiêu cực, nhất là khi bọn trẻ đang ở gần đó và có thể nghe được.

Trẻ con luôn tin rằng bố mẹ chúng là những người tuyệt vời nhất và tìm kiếm sự an toàn, thoải mái từ bố mẹ. Vì vậy, chúng sẽ cảm thấy ra sao nếu biết bố hoặc mẹ chúng cảm thấy tự ti về mình dù chỉ là trong một tích tắc?

Và nếu như chúng phải nghe những lời tự ti đó một cách thường xuyên, đừng bất ngờ nếu bạn thấy chúng cũng bắt đầu nói những lời tương tự về bản thân. Vì vậy các ông bố bà mẹ hãy trân trọng bản thân mình và bỏ thói quen này ngay nhé!

Cho trẻ những gợi ý tiêu cực

Nhiều bậc cha mẹ thường đưa ra cho con vài gợi ý tiêu cực khi giáo dục chúng. Ví dụ, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ nói: "Con thật ngốc" hoặc: "Thế không tốt đâu, sau này con còn có thể làm được điều gì?". Thường xuyên nói như vậy bạn sẽ khiến bé nghĩ rằng mình không thể làm được gì cả. Càng để lâu, đứa trẻ sẽ ngày càng trở nên trì độn hơn.

Do vậy, cha mẹ không nên đưa ra gợi ý tiêu cực cho con cái của mình. Hãy mua một các đồ chơi xếp hình cho con, ở một mức độ nhất định, sẽ cải thiện IQ của trẻ.

Dung túng cho hành vi xấu

Hãy tưởng tượng bạn dẫn con đi ăn quán, con đã ăn hết đồ tráng miệng nhưng lại đòi ăn kem nữa, bạn thì không muốn cho con ăn tiếp vì con đã ăn quá nhiều. Tuy nhiên, con không nghe lời và bắt đầu khóc lóc ăn vạ, la hét ầm ĩ khiến mọi người xung quanh liếc nhìn khó chịu, khi đó không ít cha mẹ sẽ xuống nước và cho con ăn kem như ý để con không quấy nữa. Bạn đã nhận ra sai lầm ở đây chưa? Chiều theo yêu cầu của con khi con ăn vạ sẽ dạy cho con thói quen xấu là chỉ cần khóc lóc, la hét thì sẽ được đáp ứng mọi đòi hỏi. Trẻ nhỏ học rất nhanh, chúng sẽ hình thành phản xạ có điều kiện và cứ ăn vạ đến khi nào bố mẹ chịu chiều theo mới thôi, vì vậy đừng nuông chiều thói quen xấu này dù chỉ một lần.

Đổ lỗi cho người khác

Mỗi khi con làm điều gì sai, cha mẹ lại tìm lí do để biện minh cho hành vi đó thay vì nhận lỗi về phía con mình. Nếu cô giáo nói con không chú ý trong giờ, bạn ngay lập tức nghĩ do bài giảng của cô quá nhàm chán. Hoặc nếu con chơi ở công viên trò chơi và giành đồ với bạn, bạn sẽ mắng đứa bé kia không biết nhường. Đây là một sai lầm nghiêm trọng, bởi như vậy con bạn sẽ không nhận thức được hậu quả những hành vi của mình gây ra và không biết chịu trách nhiệm. Khi lớn lên, con sẽ đổ lỗi cho người khác khi việc không như ý mà không nhận ra lỗi của mình.

Theo Phương Nghi/ Gia đình & Xã hội