Bạn sẽ làm gì nếu bỗng một ngày bé nhà bạn cắn các bạn chơi cùng? Nếu bạn cũng là một bà mẹ trẻ chưa có kinh nghiệm thì hãy đọc bài này để hiểu nguyên nhân và cách xử trí nhé!
Đầu năm nay ở khu vui chơi mà tôi thường dẫn con đến nổi lên một hiện tượng đáng sợ, đó là các cháu bé bỗng nhiên lao vào cắn nhau. Mọi việc bắt đầu khi một cháu cắn vào tay một cháu khác. Sau đó, hầu như tất cả các cháu đều lao vào cắn nhau. May mà bé Tom con tôi chưa nhảy vào. Nhưng tôi lo rằng chẳng mấy nữa thì cháu sẽ nhập cuộc và nhe răng cắn các bạn khác mất thôi. Liệu đây có phải là một giai đoạn mà tất cả các trẻ đều sẽ trải qua hay không?
Với tâm lý hoang mang tột độ của người lần đầu làm mẹ, tôi mang thắc mắc này đến nhờ chị Lesley Pears, đồng sáng lập nhóm trung tâm chăm sóc trẻ với tên gọi Stay & Play by Mummy Made This (Đến và chơi: Do các mẹ chuẩn bị) giải đáp. Câu trả lời của chị là đây không phải là chuyện mà tất cả các bé đều trải qua.
Chị Lesley chia sẻ: "Một số trẻ có trải qua giai đoạn đó thật, nhưng không phải tất cả. Tôi có 2 con gái 4 tuổi và 2 tuổi, và hai cháu đều đã trải qua giai đoạn thích cắn bạn. Lời khuyên của tôi là cần đánh tình huống để hiểu tại sao trẻ lại cắn. Có thể ba mẹ sẽ phát hiện bé đang mọc răng nên bị đau và ngứa, thế nên trẻ sẽ cắn mọi thứ để làm giảm cơn đau, nhức lợi".
Là một giáo viên, đồng thời là một phụ huynh, chị Lesley chia sẻ chị đã phát hiện rằng trong những trường hợp như vậy thì đánh lạc hướng trẻ là một giải pháp rất hữu hiệu. Chị thường mang đồ chơi yêu thích của bé theo để bé quên đi cơn đau ngứa lợi. "Nếu không dùng đồ chơi thì thay bằng những đồ ăn mà bé thích cũng được. Là tôi thì tôi sẽ cho trẻ một quả táo để con gặm".
Một số trẻ nhỏ thì cắn khi các con cảm thấy khó chịu và dồn nén mà không thể diễn đạt cảm xúc của mình thành lời nói. Các con dùng hành động của mình để biểu lộ cảm xúc bức bối đó.
Khi con cắn bạn vì con khó chịu, chúng ta cần giải thích cho con hiểu hành vi đó là chưa đúng. Hãy đưa con sang một bên, nhìn vào mắt con và nói với con rằng con cắn rất đau và như thế là không ngoan và làm người khác tổn thương.
Khi con không nghe lời, chị Lesley thường áp dụng hình thức phạt time-out, tức là cho con ngồi một mình trong góc lớp, cách xa các bạn đang hoạt động để tự suy nghĩ về hành vi của mình. Chị đặt ra giới hạn thời gian phù hợp với độ tuổi, ví dụ với trẻ 2 tuổi sẽ là 2 phút.
Khi các mẹ áp dụng time-out và yêu cầu con ngồi yên, suy nghĩ về việc mình đã làm, có thể nói đây là hình phạt rất khó vì con còn bé nên con rất dễ mất tập trung. Trong trường hợp bé 2 tuổi, sau khi hết 2 phút, hãy hỏi con tại sao con bị phạt time-out và nhắc lại 1 lần nữa cắn bạn là hành động không thể chấp nhận.
"Khi trẻ chỉ nói xin lỗi mà không hiểu được mình sai ở đâu, thì trẻ sẽ có thói quen chỉ nói xin lỗi suông mà không thấy hối hận. Vậy nên tôi thường để con ngồi yên và suy nghĩ về mọi thứ. Rồi con sẽ quay lại nói chuyện với bạn con vừa cắn, nói xin lỗi và tại sao xin lỗi - thậm chí nếu câu nói chỉ có vài từ như: Xin lỗi vì cắn".
Chị Lesley cũng khuyên các bậc cha mẹ đặt ra các quy tắc ứng xử ở nhà, bao gồm không được cắn người khác. Thật may là phần lớn các trẻ sẽ không cắn bạn nữa khi lớn hơn.
"Tôi hiểu cảm giác xấu hổ khi con mình cắn bạn nhỏ khác, nhưng điều quan trọng là ba mẹ phải thật sự bình tĩnh và đừng vội nổi đóa".
Tương tự, nếu con bạn là bé bị cắn thì cũng rất khó xử. Chị Lesley khuyên khi chuyện xảy ra thì ba mẹ hãy ôm lấy con mình để con không cắn trả bạn nhằm trả đũa. Nên trấn an con rằng con vẫn ổn, sau đó ôm con và nói: "Không sao, con buồn cũng không sao. Mẹ biết con đau. Con cứ nói với bạn. Đừng cắn tớ, cắn người khác là hư lắm".