Thay vì chỉ dùng câu ra lệnh, những cuộc trò chuyện qua lại với trẻ ở 4-6 tuổi có ích rất lớn đến kỹ năng giao tiếp của trẻ.
Năm 2018, một nhóm các nhà nghiên cứu tại MIT, Harvard và Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã phát hiện ra rằng điều tốt nhất mà các bậc cha mẹ có thể làm cho trẻ, đó là thường xuyên trao đổi qua lại với con.
Các phát hiện cho thấy việc trò chuyện với trẻ khi còn nhỏ (nhất là giai đoạn 4 - 6 tuổi) sẽ giúp phát triển, bồi dưỡng và cải thiện một trong những kỹ năng quan trọng nhất góp phần đem đến thành công trong cuộc sống: là giao tiếp.
Hơn thế nữa, một số nghiên cứu đã ủng hộ quan điểm trẻ có kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ sẽ có được những mối quan hệ lành mạnh hơn, hôn nhân bền vững hơn, lòng tự tôn cao hơn và sự hài lòng với cuộc sống.
Một nghiên cứu từ Harvard thậm chí nhấn mạnh rằng người giao tiếp tốt đều là những người đàm phán tuyệt vời, vừa mang lại giá trị cho người khác, vừa tăng nguồn lợi cho mình.
Sức mạnh của những cuộc trò chuyện qua lại
Chúng ta nói với con mọi lúc, kể cả trực tiếp lẫn gián tiếp: "Ngồi đây", "Nhanh lên, nếu không ta sẽ bị muộn", "Làm tốt lắm", "Đừng làm thế", "Đọc truyện cho ba/mẹ nghe trước khi đi ngủ nào"... Tuy nhiên, bí mật chính là những cuộc trò chuyện qua lại.
Các nhà nghiên cứu đã chụp cộng hưởng từ chức năng để đánh giá 36 trẻ, nhận dạng sự khác biệt trong cách não bộ phản ứng với những kiểu trò chuyện khác nhau. Họ nhận ra rằng ở nhóm trẻ có trò chuyện qua lại, khu vực Broca (não tập trung sản xuất lời nói và xử lý ngôn ngữ) hoạt động nhiều hơn. Trẻ được kích hoạt nhiều hơn ở vùng não bộ này thường được điểm cao hơn trong các bài kiểm tra ngôn ngữ, lý luận.
"Đây là bằng chứng đầu tiên rằng các cuộc trò chuyện tại nhà có liên quan đến sự phát triển não bộ của trẻ nhỏ", John Gabrieli, trưởng nhóm nghiên cứu, nói với MIT News. Theo ông, thật kỳ diệu khi cuộc trò chuyện của cha mẹ lại có ảnh hưởng đến sự phát triển sinh học của não.
Trở lại năm 1995, một nghiên cứu mang tính bước ngoặt chỉ ra rằng trẻ xuất thân từ gia đình thu nhập cao có khả năng giao tiếp và ngôn ngữ tốt hơn nhiều. Đó là do những đứa trẻ đó được tiếp xúc nhiều hơn khoảng 30 triệu từ so với con cái của gia đình thu nhập thấp.
Nhưng những phát hiện từ nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, khoảng cách 30 triệu từ không phải là tất cả. Theo Gabrielli: "Việc trò chuyện qua lại tạo ra sự khác biệt, bất kể tình trạng kinh tế".
Điểm cốt yếu không phải có những cuộc trò chuyện triết học, sâu sắc với con, mà là những cuộc trò chuyện mang tính đối thoại, tương tác. Không khó để thực hiện bước nhảy vọt này, và trẻ sẽ hưởng lợi đáng kể về lâu dài, bởi các cuộc trò chuyện tương tác giúp cải thiện toàn bộ các kỹ năng giao tiếp, và điều đó là cần thiết cho bất kỳ sự nghiệp nào trong tương lai.