Gần đây, câu chuyện cậu bé 9 tuổi người Indonesia mất tích 3 ngày mới tìm thấy một lần nữa nhắc nhở phụ huynh luôn phải dạy con những nguyên tắc để tránh rơi vào "bẫy" của những kẻ có ý đồ xấu.
Bé trai 9 tuổi bị bắt cóc sau 1 lời dụ dỗ
Nạn nhân là cậu bé người Indonesia, 9 tuổi, tên là AL (tên đã được viết tắt), bị bắt cóc vào đầu tháng 10 năm 2018. Mẹ của bé - Enok - đã đi tìm kiếm điên cuồng đứa con của mình trước khi chấp nhận thực tế khắc nghiệt: con trai đã bị bắt cóc.
Những nghi ngờ này nảy sinh khi bố mẹ của W, bạn của AL, thông báo cho Enok về những gì đã xảy ra vào ngày AL bị mất tích. Ngày hôm đó, AL và W đang chơi game tại một quán cà phê internet ở Cicaheum, thành phố Bandung, Tây Java, Indonesia. Sau đó, một người lạ tiếp cận 2 bé. Hắn dụ dỗ 2 bé đi theo hắn. W và AL được đưa đến một khu nghĩa trang ở Cikadut. W, lúc bấy giờ sợ hãi, từ chối không đi theo người đàn ông nữa. Kẻ bắt cóc đánh W cho đến khi cậu bé bất tỉnh. Sau đó, người đàn ông để W lại trong khu phức hợp nghĩa trang và mang AL đi để thay thế.
Khi biết AL là nạn nhân của vụ bắt cóc, Enok ngay lập tức báo cáo những thông tin cô có được cho Trụ sở Cảnh sát Bandung cùng bức ảnh của AL. Trong khi điều tra sự biến mất của AL, cảnh sát đã nhận được một báo cáo về một đứa trẻ được tìm thấy ở Sumedang, một thành phố khác cách xa thành phố Bandung, cũng thuộc tỉnh Tây Java.
Cảnh sát ở Bandung phối hợp với đồn cảnh sát của Sumedang thấy thông tin của AL phù hợp với đứa trẻ mà họ tìm thấy. Họ đã tìm ra sự kết nối: hóa ra đứa trẻ ở Sumedang chính là AL. AL đã xoay xở để trốn thoát khỏi kẻ bắt cóc mình.
Sau khi trở về vòng tay của mẹ, AL kể lại rằng kẻ bắt cóc đã bắt cậu bé phải đi bộ xuyên qua khu rừng giữa Bandung đến Sumedang. Trong suốt 3 ngày, AL không được cho ăn uống. Cậu bé buộc phải ngủ ở những khu vực ngoài trời như vỉa hè và trong nghĩa trang.
AL kể rằng sau khi đến Sumedang, lợi dụng lúc kẻ bắt cóc đang ngủ, cậu bé đã bỏ chạy. Người dân địa phương đã tìm thấy bé và đưa AL đến đồn cảnh sát Sumedang. Có được thông tin của AL, cảnh sát ngay lập tức bắt đầu tìm kiếm kẻ bắt cóc.
Ngay khi biết cảnh sát đang theo đuổi mình, kẻ bắt cóc đã trốn sang thành phố Cirebon. Cuối cùng hắn đã bị bắt vào ngày 12 tháng 10 tại Cirebon. Theo Cao ủy Irman Sugema, Cảnh sát trưởng Bandung, kẻ bắt cóc, với tên viết tắt FZ, là một người nhặt rác. Hắn ta bắt cóc trẻ em để bắt chúng tham gia thu gom rác, kiếm tiền cho hắn.
Kỹ năng cha mẹ nên dạy trẻ để tránh bị bắt cóc
1. Không tiết lộ tên của trẻ:
Cha mẹ không nên ghi tên trẻ nhỏ vào đồ dùng cá nhân như cặp sách, giày dép hay hộp cơm…. Việc này sẽ khiến người lạ dễ dàng tiếp cận được thông tin cá nhân của bé. Theo các nghiên cứu, người lạ sẽ dễ dàng chiếm được sự tin tưởng của trẻ khi trò chuyện mà gọi tên của chúng, song điều này có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Do vậy, bạn nên viết số điện thoại của gia đình đề phòng trường hợp đồ đạc bị thất lạc hoặc khi con em bạn đi lạc.
2. Thiết lập "mật khẩu gia đình":
Lợi dụng lòng tin của trẻ, kẻ xấu thường tự nhận là người quen của bố mẹ. Các vị phụ huynh nên dạy trẻ các câu hỏi: “Tên bố mẹ cháu là gì, mật khẩu gia đình cháu là gì?", để đáp lại những lời "mời gọi" như: "Đi thôi. Cô/chú sẽ đưa cháu tới chỗ bố mẹ". Hãy thiết lập một mật khẩu chung của gia đình và dạy trẻ sử dụng mật mã trong tình huống khẩn cấp (chẳng hạn khi bạn cần ai đón con ở trường, người đó cần phải biết câu mật mã của gia đình). Chúng tôi khuyên bạn nên đặt một mật khẩu khó đoán và dễ nhớ với trẻ, ví dụ như “quả cam chín”.
3. Cài đặt ứng dụng theo dõi:
Nhờ chức năng GPS, bố mẹ có thể dễ dàng theo dõi vị trí chính xác của con. Việc này sẽ giúp cảnh sát tìm kiếm trẻ trong trường hợp xấu nhất xảy ra.
4. Chạy ngược chiều với những xe đến gần:
Cha mẹ luôn nhắc nhở con cái không được bước lên ôtô của người lạ. Bên cạnh đó, bạn nên lưu ý trẻ thêm một điều: Nếu một chiếc ôtô cứ tiến gần về phía con và những người trong xe cố gắng thu hút sự chú ý, bé hãy chạy ngược lại với hướng di chuyển của xe. Điều này sẽ giúp trẻ có nhiều thời gian tìm kiếm sự giúp đỡ.