Xác định được kiểu nuôi dạy con, bạn có thể tìm cách điều chỉnh để mang lại kết quả tốt nhất.
Cách nuôi dạy của phụ huynh có thể ảnh hưởng rất lớn đến trẻ về mọi mặt, từ cân nặng đến cảm xúc về bản thân. Các nhà nghiên cứu đã xác định bốn kiểu >nuôi dạy con phổ biến: Độc tài (Authoritarian parenting); uy quyền nhưng thấu hiểu (Authoritative parenting); dễ dãi, nuông chiều (Permissive parenting); không để tâm (Uninvolved parenting).
1. Độc tài
Bạn có thấy câu nào dưới đây giống mình không?
- Bạn tin rằng trẻ cần được trông nom nhưng không được lên tiếng.
- Khi nói đến quy tắc, bạn chỉ chấp nhận quy tắc do mình đặt ra.
- Bạn không xem xét cảm xúc của con.
Nếu bất kỳ câu nào trên đây đúng, bạn có thể là một phụ huynh độc tài. Bạn muốn trẻ tuân thủ các quy tắc mà không hề có ngoại lệ.
Cha mẹ độc tài thường nói "Bởi vì bố/mẹ bảo thế" khi đứa trẻ hỏi lý do đằng sau một quy tắc. Họ không quan tâm đến việc đàm phán, thương lượng với trẻ. Họ cũng không cho phép trẻ tham gia vào việc giải quyết một vấn đề nào đó.
Cha mẹ độc tài thường trừng phạt thay vì tìm cách khác để uốn nắn con vào kỷ luật. Vì vậy, họ không tập trung dạy trẻ cách đưa ra lựa chọn tốt hơn mà muốn khiến trẻ cảm thấy có lỗi vì những sai lầm của chúng.
Trẻ em được nuôi dạy bởi kiểu cha mẹ này có xu hướng tuân theo quy tắc trong xã hội. Tuy nhiên, sự vâng lời được rèn giũa từ nhỏ đồng nghĩa với việc chúng nghĩ rằng ý kiến của mình không có giá trị, do đó lòng tự trọng không cao.
Mặt khác, chúng cũng có thể trở nên thiếu thân thiện và hung hăng. Chúng không nghĩ về cách thay đổi để trở nên tốt hơn trong tương lai mà bị dồn nén bởi cảm xúc tiêu cực với cha mẹ. Vì cha mẹ độc tài thường quá nghiêm khắc, con cái của họ có thể trở thành kẻ nói dối sành sỏi do muốn tránh bị trừng phạt.
2. Uy quyền nhưng thấu hiểu
Những đặc điểm của kiểu cha mẹ này được mô tả như sau:
- Bạn đặt rất nhiều nỗ lực vào việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ tích cực với con.
- Bạn giải thích lý do đằng sau các quy tắc.
- Bạn thực thi các quy tắc và đưa ra hậu quả, nhưng cân nhắc về cảm xúc của con.
Cha mẹ uy quyền nhưng thấu hiểu đầu tư thời gian và tâm sức vào việc ngăn chặn các vấn đề về hành vi trước khi bột phát. Họ cũng sử dụng các chiến lược kỷ luật tích cực để củng cố hành vi tốt, chẳng hạn khen ngợi và treo thưởng.
Các nhà nghiên cứu phát hiện những đứa trẻ có cha mẹ uy quyền thường trở thành người có trách nhiệm khi lớn lên và cảm thấy thoải mái khi bày tỏ ý kiến của mình. Do đó, chúng có xu hướng sống hạnh phúc và thành công, có khả năng đánh giá rủi ro và đưa ra quyết định đúng đắn.
3. Nuông chiều
- Bạn thiết lập các quy tắc nhưng hiếm khi thực thi.
- Bạn không thường xuyên đặt ra hậu quả.
- Bạn nghĩ rằng con sẽ học tốt nhất khi bố mẹ ít can thiệp.
Nếu những câu nói đó nghe khá quen thuộc, bạn có thể là một phụ huynh nuông chiều con. Kiểu phụ huynh này khá dễ tha thứ và chấp nhận nhiều thái độ chưa đúng mực với cách nghĩ "trẻ con ấy mà". Dù đã đề ra hình phạt, nhưng khi phạt con, họ có thể mềm lòng khi trẻ năn nỉ hoặc chỉ phạt "phiên phiến" vì trẻ hứa sẽ không tái phạm.
Cha mẹ nuông chiều thường đảm nhiệm vai trò bạn bè nhiều hơn vai trò phụ huynh. Họ khuyến khích con chia sẻ về các vấn đề của mình, nhưng không cố gắng nhiều trong việc ngăn cản những lựa chọn chưa tốt hoặc hành vi xấu.
Trẻ em được nuông chiều từ bé có thể gặp nhiều khó khăn trong việc học, không coi trọng quy tắc và thể hiện nhiều vấn đề về hành vi. Chúng thường có lòng tự trọng thấp và dễ cảm thấy buồn bã.
Vấn đề về >sức khỏe cũng có thể là hậu quả của kiểu nuôi dạy này. Bố mẹ không hạn chế lượng thức ăn vặt dẫn đến việc trẻ bị béo phì. Bố mẹ không uốn nắn trẻ thực hiện các thói quen tốt như đánh răng mỗi ngày dẫn đến việc trẻ bị sâu răng.
4. Không để tâm
Những câu dưới đây có phải đang mô tả bạn hay không:
- Bạn không hỏi con về trường học hoặc bài tập về nhà.
- Bạn hiếm khi biết con đang ở đâu hoặc cùng ai.
- Bạn không dành nhiều thời gian với con.
Nếu đúng, bạn có thể là một phụ huynh ít để tâm đến con. Kiểu cha mẹ này có khuynh hướng không nắm được những gì con họ đang làm, ít đặt ra quy tắc. Trẻ có thể không nhận được nhiều sự chú ý và hướng dẫn từ cha mẹ.
Thông thường, cha mẹ không để tâm mong đợi trẻ tự phát triển. Họ không dành nhiều thời gian hoặc tâm sức để đáp ứng nhu cầu cơ bản của trẻ.
Họ bỏ bê con cái nhưng không phải lúc nào cũng do có chủ ý. Ví dụ, một phụ huynh có vấn đề về sức khỏe tâm thần có thể không có khả năng chăm sóc nhu cầu thể chất hoặc tinh thần của trẻ trên cơ sở nhất quán. Đôi khi, họ thiếu hiểu biết về >sự phát triển của trẻ hoặc đơn giản là quá bận rộn với việc kiếm tiền hoặc quán xuyến gia đình.
Trẻ em được nuôi dạy theo cách này thường phải vật lộn với các vấn đề về lòng tự trọng. Chúng có xu hướng học kém ở trường, thường xuyên gặp vấn đề về hành vi và xếp hạng thấp về hạnh phúc.