Theo các chuyên gia, bố mẹ cần tránh 10 sai lầm sau đây nếu muốn nuôi dạy thành công những đứa con khỏe mạnh, hạnh phúc, và điềm tĩnh.

05:30 19/10/2018

Nuôi dạy trẻ là một quá trình liên tục, và bất cứ khi nào bạn nghĩ bạn đã tìm thấy phương pháp đúng, bạn sẽ gặp phải một chuyện khiến bạn nhận ra rằng mình vẫn còn phải học rất nhiều.

Tuy nhiên, có những quy tắc nuôi dạy trẻ quan trọng mà bất kì ai cũng phải tuân thủ. Không phải chỉ có những việc cần làm, mà còn có nhiều việc các bậc cha mẹ làm sai mà thậm chí không hề nhận thức được rằng mình sai. Để >nuôi dạy con khỏe mạnh và hạnh phúc, hãy bỏ ngay những thói quen dưới đây.

1. Quát con nơi công cộng

Bọn trẻ thỉnh thoảng vẫn mè nheo, khóc lóc, vòi vĩnh nơi công cộng hoặc làm một việc gì đó nguy hiểm, ví dụ như chạy ào sang đường mà không chờ bố mẹ. Bản năng lo lắng và sợ hãi của bố mẹ sẽ dẫn tới việc quát tháo nhằm răn đe lũ trẻ ngay tại lúc đó. Tuy nhiên, hãy cố gắng tránh việc trách mắng trẻ trước mặt những người khác vì chúng sẽ chú ý vào việc có quá nhiều người đang xem chúng bị mắng hơn là nhận ra sai lầm của mình là ở đâu.

Theo tiến sĩ Erica Reischer, nhà tâm lý học, cho biết rằng, thay vì mắng mỏ con ngay tại chỗ, hãy dẫn bọn trẻ đến một góc vắng để nói chuyện và giải thích cho con biết tại sao hành động của con là không chấp nhận được. Khi không có những đôi mắt tò mò xung quanh, bọn trẻ có thể tập trung dễ dàng hơn vào những gì bố mẹ nói.

2. Đưa ra các chỉ dẫn không cụ thể

Nhiều cha mẹ thường đưa ra một hướng dẫn chung cho nhiều tình huống khác nhau. Ví dụ, khi bạn sẽ nói “Con hãy cư xử tử tế hơn đi”, bạn có ý bảo con chia sẻ đồ chơi khi con đang giành đồ chơi của bạn hay bạn đang có ý bảo con không được gào thét ầm ĩ khi con đang ở chỗ đông người. Không phải lúc nào con bạn cũng hiểu được bạn đang muốn yêu cầu gì ở chúng vì thế không phải lúc nào bọn trẻ cũng thực hiện đúng theo những gì bạn muốn.

Để tránh xảy ra điều này, bạn nên đưa ra các lời hướng dẫn cụ thể, và nên nói con cần làm gì thay vì con không được làm gì. Ví dụ, khi thấy con thay áo và vứt luôn trên sàn, nếu bạn nói “Đừng quăng áo xuống đất”, con sẽ hiểu không được làm gì, nhưng lại không rõ bạn muốn chúng làm gì. Vì vậy, hãy nói “Khi con thay đồ, hãy treo nó lên móc quần áo”. Bằng cách này, bạn làm rõ những gì bạn muốn con thực hiện và tránh những bực mình không đáng có giữa bố mẹ và con.

3. “Hối lộ” con để đạt được mục đích

Khi bạn trở về nhà mệt mỏi sau ngày làm việc, bạn chỉ muốn lũ trẻ yên lặng để mình được nghỉ ngơi. Vì thế, bạn sẵn sàng nhân nhượng, hối lộ chúng vài viên kẹo, hay một chiếc kem khi chúng bắt đầu ỉ ôi một việc gì đó. Điều này cũng xảy ra tại các siêu thị, khi lũ trẻ bắt đầu hành vi ăn vạ, nhiều bố mẹ sẵn sàng làm mọi việc để không bị xấu hổ nơi công cộng. Việc làm này có hiệu quả nhanh chóng, nhưng bọn trẻ sẽ nhận thấy chúng đang được “thưởng” cho một hành vi không tốt, và chúng biết rằng, nếu chúng mè nheo đủ lâu, chúng sẽ có cái chúng muốn. Hãy cho con biết rằng một hành vi xấu là không chấp nhận được dù trong bất kì tình huống nào. Nếu tiếp tục, chúng sẽ bị phạt.

4. Làm ngơ với cơn đói hoặc mệt của con

Chúng ta thường khó tập trung khi đói hoặc mệt. Điều này cũng xảy đến tương tự với trẻ nhỏ. Vì thế, nếu bạn thấy con đang cư xử không giống như tính cách thường ngày, có thể con đang cảm thấy không được thoải mái hay khỏe mạnh. Ví dụ, khi con bạn bỗng nhiên đánh em gái mình, bạn nên nhắc đến việc làm sai của con “Mẹ thấy con vừa đá vào chân em”, và hứa sẽ nói chuyện sau đó “Con thấy đói đúng không? Mình sẽ ăn gì rồi nói chuyện sau khi ăn nhé”.

Cách tiếp cận này gọi là “kỉ luật trì hoãn” cho phép bạn nói chuyện với con khi chúng vừa ăn no xong hoặc được nghỉ ngơi, là lúc chúng dễ dàng tập trung nhất.

5. Nói quá dài

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có khoảng chú ý ngắn hơn người lớn vì thế chúng sẽ không thể nghe được hết cả một bài giảng dài của bố mẹ về hành vi ứng xử thế nào là phù hợp. Hãy nói ngắn gọn và đúng mục đích. Ví dụ con bạn luôn trêu chọc con chó nhà hàng xóm, giải thích cho con tại sao việc đó không nên, nói rõ rằng con không được tiếp tục làm vậy và dừng bài thuyết giảng tại đây.

6. Mất kiềm chế

 

Chắc chắn bạn đã nhiều lần không thể kiềm chế nổi trước sự bướng bỉnh của cậu con trai. Tuy nhiên la hét không giúp ích gì cho việc dạy dỗ con, hoặc chúng sẽ không nghe nổi hết những lời nói ầm ĩ của bố mẹ, hoặc chúng cũng nổi giận và phản ứng lại. Để con hiểu được rằng mình đang làm sai, bạn không cần cao giọng mà chỉ cần nói một cách điềm tĩnh nhưng có quyền lực. Nếu bạn thấy mình sắp nổi cáu, hãy đi ra ngoài và hít thở sâu một lúc để bình tĩnh lại trước khi nói chuyện với con. Điều này có thể không giải quyết mọi việc một cách nhanh chóng, nhưng theo thời gian, bạn sẽ thấy rõ sự khác biệt.

7. So sánh chúng với những đứa trẻ khác

Đôi khi bố mẹ muốn cho con cái một ví dụ về việc chúng nên cư xử như thế nào, vì thế bố mẹ tìm ra một đứa trẻ khác để so sánh với con. Nói cho trẻ biết những gì bạn mong đợi của chúng là một điều tốt, nhưng bạn cần làm điều đó với sự tôn trọng con chứ không phải bằng cách so sánh con với người khác.

Khi cha mẹ so sánh hành vi của con cái với những đứa trẻ khác, bọn trẻ có thể cảm thấy xấu hổ, và tức giận. Cha mẹ chỉ nên giải thích cho con bạn những gì mình muốn, và khi nào con thành công, hãy khen ngợi để con có thể phát triển sự tự tin mà không cảm thấy rằng bố mẹ mong muốn có một đứa con khác chứ không phải là chúng.

8. Hình phạt quá nặng

Nhiều người trong cơn bực tức trước cách cư xử không đúng mực của con đã đưa ra các quyết định phạt bọn trẻ. Tuy nhiên, đa phần những quyết định nói ra khi thiếu kiềm chế trở thành nghiêm khắc quá mức, và không tương xứng với lỗi lầm của bọn trẻ. Vì vậy, bạn không nên áp dụng sự trừng phạt khi đang tức giận.

Thay vào đó, bạn nên viết rõ các quy tắc cư xử và các hậu quả đi kèm nếu lũ trẻ vi phạm. Như vậy bọn trẻ sẽ biết điều gì sẽ xảy ra, đồng thời, giúp điều chỉnh hành vi tiêu cực dẫn tới các hình phạt quá nặng nề.

9. Không nhất quán

Một trong những điều quan trọng nhất trong nuôi dạy con cái là sự nhất quán. Khi sự nhất quán bị phá vỡ, bọn trẻ không biết điều gì sẽ xảy ra và chúng có thể nghĩ rằng sẽ không có hậu quả tiêu cực nào.

Khi bạn phạt con vì một việc làm sai. Sau đó con bạn lại lặp lại chính hành vi sai lầm đó, hãy tiếp tục phạt chứ đừng bỏ qua. Kỷ luật không nhất quán gây nhầm lẫn cho trẻ và gửi một thông điệp sai về quyền của bố mẹ khiến chúng cho rằng mình có thể tiếp tục phạm lỗi lầm mà không gặp phải bất kì một rắc rối nào nữa.

Theo Thảo Nguyên/ Dân Trí