Có những thứ đồ dùng cứ tưởng là có lợi cho bé nhưng hóa ra lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ nhỏ mà bố mẹ cần phải biết.

13:17 12/01/2019

Làm cha mẹ, ai cũng mong muốn dành cho con những điều tốt nhất. Đó cũng chính là lí do mà hiện nay các ông bố bà mẹ không tiếc tiền bạc và công sức để mua sắm và trang bị cho con những vật dụng tốt nhất và tiện nghi nhất có thể. Trên thị trường hiện nay cũng có khá nhiều sản phẩm dành cho bé với tính năng và công dụng ưu việt, giúp cha mẹ đỡ vất vả hơn trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc các bé. Kiến thức của cha mẹ về những lợi ích và tác hại của sản phẩm cũng đã được nâng cao.

Tuy nhiên không phải món đồ nào cũng rõ ràng được xác định là tốt hoặc không tốt, mà có những thứ đồ dùng cứ tưởng là có lợi cho bé nhưng hóa ra lại tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng khôn lường đến >sức khỏe và sự phát triển hiện tại lẫn sau này của trẻ mà bố mẹ cần phải biết. Bố mẹ hãy đọc danh sách 8 món mua cho bé cứ tưởng là tốt này để biết được tác hại tiềm ẩn của chúng là gì.

1. Ghế tập ngồi

Ghế tập ngồi có thể khiến trẻ sơ sinh bị ngã ra khỏi ghế khi nghiêng người (Ảnh minh họa).

Chiếc ghế tập ngồi này khi ra mắt đã tạo thành trào lưu trong giới bỉm sữa. Các mẹ thi nhau mua cho bé ngồi vì màu sắc bắt mắt, hình thức lại gọn nhẹ, bé ngồi dễ dàng nhưng mấy ai biết rằng vào năm 2007, sản phẩm ghế tập ngồi này bắt đầu bị thu hồi sau khi Ủy ban An toàn Sản phẩm Tiêu dùng Hoa Kỳ (United States Consumer Product Safety Commission) nhận được báo cáo về các sự cố mất an toàn khiến trẻ sơ sinh bị ngã ra khỏi ghế khi nghiêng người, hoặc bé nhún nhảy khi ngồi ghế. Mặc dù được cải tiến thêm đai thắt và bánh xe xoay 360 độ, nhưng chiếc ghế tập ngồi này vẫn không đủ để giữ được bé an toàn, thậm chí các chuyên gia vật lý trị liệu phải lên tiếng cảnh báo vì nguy cơ mất cân bằng khi lưng bé bị gò bó vào chiếc ghế, phần đầu thì phải chúi về phía trước.

2. Xe tập đi

Nhiều trường hợp tai nạn đã xảy ra khi cho bé sử dụng xe tập đi (Ảnh minh họa).

Rất nhiều bậc cha mẹ cho rằng xe tập đi là món đồ giúp bé >giải trí, khuyến khích bé trong giai đoạn tập đi. Tuy nhiên, xe tập đi không thúc đẩy kỹ năng đi bộ như cha mẹ vẫn lầm tưởng và không mang lại lợi ích đáng kể nào cho trẻ và thậm chí còn gây nguy cơ thương tích đáng kể. Rất nhiều trường hợp tai nạn đã xảy ra khi bé sử dụng xe tập đi từ ngã cầu thang, lao dốc, cho đến ngã xuống hồ ao vì tốc độ lao đi của xe khá nhanh.

3. Phao đỡ cổ

Ảnh minh họa

Phao đỡ cổ được xem là "cứu cánh" của các bậc cha mẹ khi muốn cho bé học bơi ngay từ nhỏ. Chỉ cần cài chiếc phao vào cổ và đặt bé xuống nước, bố mẹ có thể an tâm rằng con không bị ngạt nước, không bị chìm mà tay chân và cơ thể phía dưới vẫn tha hồ vùng vẫy. Tuy nhiên, phó giáo sư nhi khoa Kyran Quinlan tại Trung tâm y tế Đại học Rush (Mỹ) lại cho biết những chiếc phao này khiến bà lo lắng cho sự an toàn của các bé bởi nó giống như những cái bẫy chết người tiềm ẩn. Các giáo viên dạy bơi kinh nghiệm cũng lưu ý rằng phao đỡ cổ không phải là cách tốt nhất để cho bé tiếp xúc với nước và tập bơi bởi nó không có lợi cho sự phát triển của cổ, vai, lưng, cơ bắp và ngăn cản các giác quan của bé khi khám phá thế giới dưới nước.

4. Đệm ngủ

Ảnh minh họa: Internet

Những chiếc đệm ngủ dành cho bé có ưu điểm là dễ di chuyển, bề mặt đệm mềm. Chiếc đệm này sẽ phát huy tác dụng nếu mẹ cho bé nằm để bú bình hoặc nằm chơi. Nhưng sản phẩm này lại phản tác dụng nếu mẹ lạm dụng và để bé nằm quá lâu. Bé có thể bị ngạt thở khi quay đầu và vùi mặt vào lớp đệm hay xoay đầu do nằm lâu khó chịu. Nếu mẹ đặt đệm ngủ của bé trên giường để ngủ cùng thì nguy cơ bé lăn ra khỏi đệm cũng khá cao.

5. Đồ địu em bé

8 vật dụng quen thuộc mẹ mua cho bé cứ tưởng là tốt, ai ngờ lại tiềm ẩn những nguy cơ khôn lường này - Ảnh 5.

Ảnh minh họa

Chiếc địu được xem là giải pháp giúp hỗ trợ cha mẹ trong việc bế ẵm bé, có thể tranh thủ vừa địu bé vừa hoàn thành việc nhà nhưng ít ai ngờ tới tác hại nếu dùng túi địu không đúng cách sẽ làm trẻ bị tổn thương, thậm chí tử vong đột ngột.

Đa phần địu được thiết kế dành cho các bé ở lứa tuổi tập đi chứ không dành cho các bé sơ sinh, với các bé sơ sinh thì chiếc địu không mấy tác dụng mà chỉ tạo thêm lực ép lên cơ thể bé tăng nguy cơ gây nghẹt thở, chấn thương sọ não và tổn thương vùng đầu.

6. Dây đai tập đi

 

Đây là loại dây được thiết kế với một chỗ ngồi ở dưới cùng với dây treo phía trên, dây treo này có thể buộc được vào một cái khung hoặc được người lớn cầm để hỗ trợ bé tập đi. Do đó chân của bé có thể được chống hoặc nhún nhảy dưới sàn nhà trông khá vui nhộn. Nhưng thực tế dụng cụ này lại tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sự phát triển của trẻ do dây đai có thể giúp bé nhún nhảy nên bé sẽ quen với việc chỉ dùng ngón chân để tạo đà nhún. Điều này làm chậm quá trình tập đi bằng cả bàn chân, khiến chân trẻ bị vòng kiềng. Ngoài ra, trục trặc với các thiết bị khung giá đỡ không chắc chắn hoặc chính cha mẹ sẽ làm cho trẻ bị ngã rơi ra ngoài gây nguy hiểm.

7. Ghế ngồi tắm

Ghế tắm em bé có thể là công cụ lý tưởng hỗ trợ em bé khi tắm, cho phép các mẹ thả cả hai tay không cần giữ con. Nhưng mối nguy hiểm lại tiềm ẩn cho trẻ sơ sinh vì bé có thể bị trượt hoặc ngã xuống nước, thậm chí bị chìm và mắc kẹt trong chậu nước tắm. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ, khi mẹ sử dụng sản phẩm này cho bé cần giám sát bé liên tục, tuyệt đối không được lơ là bởi mẹ chỉ cần quay đi một lúc cũng đủ khiến con gặp nguy hiểm. Trường hợp bé chết đuối chỉ với mực nước 2,5cm đã từng xảy ra.

8. Đệm nôi

Ảnh chú thích

Bộ đệm nôi giúp tạo ra một môi trường ấm cúng, mềm mại cho bé khi ngủ trong nôi, cũi. Tuy nhiên với các bé sơ sinh, các chuyên gia vẫn khuyên cha mẹ chỉ nên đặt bé nằm trong cũi và không để thêm chăn, gối, đệm hay đồ chơi để tránh các yếu tố gây nguy hiểm trong những tháng đầu đời.

Theo Thu Phương/ Helino