Cha mẹ hay đổ lỗi cho nhau, con cái sẽ trở nên bướng bỉnh, luôn tìm cớ bào chữa.
Đứa trẻ mặc dù là một cá thể độc lập, nhưng dưới một mái nhà, cha mẹ không thể tách rời khỏi con cái. Mối quan hệ vợ chồng tốt hay xấu có ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của con cái, cũng như cách con đối xử với bản thân và mọi người. Dưới đây là 6 kiểu mối quan hệ vợ chồng, dẫn đến 6 đứa trẻ có tính cách khác biệt:
1. Bố mẹ yêu thương nhau, con cái vui vẻ, khỏe mạnh
Trẻ sinh trưởng trong gia đình cha mẹ yêu thương nhau sẽ tạo cho con môi trường sống tốt, tính cách bé vì thế vui vẻ, ôn hòa, vững vàng. Cha mẹ có quan hệ tốt, con cũng có cái nhìn tích cực về >đời sống hôn nhân, gia đình và luôn có thiện ý vun vén cho mối quan hệ tốt đẹp của bản thân mình trong tương lai.
2. Bố mẹ tình cảm sơ sài, con cái tính tình ích kỷ
Trong nhiều gia đình, người bố và người mẹ có mối quan hệ không hài hòa, ít trao đổi tình cảm, thậm chí dựa vào con cái như một sợi dây liên hệ trong gia đình. Những gia đình này lấy con cái làm trung tâm, và vô hình chung, điều này khiến đứa trẻ trở thành trọng tâm sự chú ý, thậm chí trẻ bị quan tâm thái quá đến mức bị can thiệp. Tính cách của trẻ vì thế ích kỷ, thiếu tự lập.
3. Bố yếu đuối, con trai cũng yếu đuối
Trong gia đình, khi người cha trở nên yếu đuối, quyền lực được dành cho người mẹ. Dần dần, địa vị, vai trò của người cha trở nên thứ yếu, trong khi người mẹ trở nên vô cùng mạnh mẽ, coi mình là số một.
Một cách rất tự nhiên, trong gia đình, đứa trẻ luôn có xu hướng học theo tính cách người đồng giới tính với mình, ví dụ con gái học mẹ, con trai học bố. Vì thế, bé gái đồng nhất với mẹ và trở thành một phụ nữ mạnh mẽ, trong khi bé trai yếu đuối, nhút nhát, do ảnh hưởng của chính bố mình.
4. Bố mẹ ly hôn quá sớm, con cái thờ ơ, bất an
Nhiều cặp đôi lựa chọn ly dị để thoát khỏi hôn nhân bất hạnh, nhưng họ bỏ qua một điểm quan trọng: con cái không thể thoát ra khỏi điều đó. Vết thương lòng cha mẹ không hạnh phúc sẽ mãi mãi tồn tại trong lòng đứa trẻ, khiến bé luôn sợ hãi, bất an, và đây thực sự là vết thương khó chữa lành. Nhiều nghiên cứu đã khẳng định rằng trẻ em sinh ra trong các gia đình bố mẹ ly dị sẽ dễ gặp các vấn đề về tâm lý, trẻ hay lo lắng, trầm cảm, có thái độ thù địch...
5. Cha mẹ hay đổ lỗi cho nhau, con cái trở nên bướng bỉnh, luôn tìm cớ bào chữa
Trong gia đình có cha mẹ hay cãi vã và đổ lỗi cho nhau, môi trường như vậy sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống của con cái. Nhiều cặp còn sử dụng con cái như vũ khí để làm tổn thương nửa kia, thông qua việc nói xấu đối phương với con cái. Đứa trẻ chính là đối tượng bị tổn thương nhiều nhất, thậm chí con không tôn trọng bố mẹ.
6. Cha mẹ đánh nhau, con cái thích bạo lực, nóng nảy
Mâu thuẫn vợ chồng là điều dễ hiểu trong cuộc sống thường ngày, nhưng cãi vã của cha mẹ trong mắt đứa trẻ lại là điều rất đáng sợ. Trẻ có thể cảm thấy mọi thứ sụp đổ, mất đi cảm giác an toàn, tâm lý trẻ bị ảnh hưởng. Thậm chí, con trở nên hung bạo, nóng nảy, la hét, cáu kỉnh, gào thét giống bố mẹ.
Sự phát triển tâm lý của một đứa trẻ là kết quả của di truyền sinh học và môi trường. Môi trường kém có thể gây chấn thương tâm lý cho trẻ, có những chấn thương cả đời khó lành. Muốn con cái phát triển đầy đủ, trước hết, bố mẹ cần là những tấm gương sáng cho con noi theo trong cuộc sống.