Trẻ em thường chưa có nhiều khái niệm về tiền. Nhưng cha mẹ nên dạy cho bé hiểu những điều cơ bản dưới đây để khi lớn lên bé sẽ biết cách kiếm tiền và chi tiêu những đồng tiền của mình hợp lý.
Tiền không mọc trên cây
Khi những đứa trẻ nhìn thấy tiền "chui ra" từ cây ATM lúc bạn rút bằng thẻ, chúng không nhận thức được rằng tiền là thứ tài nguyên hữu hạn và không phải tự nhiên mà có. Vì vậy, hãy giải thích để con hiểu bạn đã phải làm việc để kiếm ra tiền và ngân hàng chỉ là nơi cất giữ một cách an toàn.
Chi tiêu bằng số tiền con có
Cách tốt nhất để dạy trẻ quản lý tiền là cho chúng một chút. Nếu con dùng số tiền đó mua mô hình nhân vật siêu anh hùng mới và không còn đủ tiền cho một chú gấu bông hay quyển truyện yêu thích thì thực sự là điều tốt. "Khi đó, con sẽ nhận được bài học trực tiếp về hậu quả của việc chi tiêu quá mức", Pearl nói.
Lập kế hoạch chi tiêu cho con
Trẻ thường khó kiềm lòng khi có tiền. Trong đầu chúng sẽ nghĩ đến một món đồ chơi yêu thích nào đó. Tuy nhiên, bạn không thể ngay lập tức đưa con đến cửa hàng để đáp ứng mong muốn.
Hãy ngồi xuống cùng con, giải thích và phác thảo những thứ con muốn với số tiền hiện có, cùng thảo luận tầm quan trọng của từng món đồ và sắp xếp thứ hạng ưu tiên khi mua sắm, so sánh giá cả, tìm cửa hàng cần đến, phạm vi giá cho từng mặt hàng. Từ đó, trẻ sẽ dần hình thành thói quen lên kế hoạch trước khi mua sắm.
Tiết kiệm rất thú vị
Con gái muốn có búp bê mới mà không đủ tiền. Khi đó, bạn hãy đến và cho con biết cần tiết kiệm nhiều hơn. Khi con đã dành dụm đủ số tiền, hãy đưa cô bé đi mua sắm và để bé tự trả tiền cho nhân viên thu ngân. Chắc chắn con sẽ không bao giờ quên cảm giác tuyệt vời khi đạt được mục tiêu sau nhiều ngày nỗ lực.
Đôi khi bạn cũng có thể dạy con những cách để có thể kiếm lời từ số tiền tiết kiệm. Điều này giúp chúng cảm thấy thú vị và có động lực hơn.
Cho đi để yêu thương
Thói quen tài chính quan trọng nhất của tất cả mọi người có lẽ là cho đi. Do đó, có một cách để khích lệ trẻ hứng thú với công việc từ thiện - một khái niệm mà trẻ có thể hiểu ngay từ khi lên 4 tuổi.
Hãy bắt đầu dạy con bằng việc trò chuyện với trẻ về lý do tại sao tất cả chúng ta nên cho đi; về việc chỉ vài đồng tiền nhỏ cũng có thể tạo nên sự khác biệt lớn lao tới mức nào đối với một người đang cần nó. Sau đó, đề nghị trẻ về phần đóng góp của bạn: Cứ mỗi 1/4 số tiền tiết kiệm trẻ dành cho công việc từ thiện, bạn cũng sẽ góp thêm 1/4 của chính mình.