Khi bị trừng phạt trước đông người, bé cảm thấy xấu hổ, kém cỏi, yếu đuối, và bị dồn nén quá, chúng có thể hành động tiêu cực.
Cha mẹ nhiều lúc bực mình vì hành vi sai trái của trẻ, dẫn đến việc đưa ra những hình phạt. Tuy nhiên, có những hình phạt quá mức, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Hãy tránh ba kiểu trừng phạt sau:
1. Chửi mắng, trừng phạt con ở nơi công cộng, nhất là nơi có bạn bè đồng trang lứa với con
Mỗi đứa trẻ đều có lòng tự trọng riêng. Trẻ càng lớn, lòng tự trọng càng cao. Vì thế, đừng bao giờ trừng phạt trẻ khi có những ánh mắt tò mò dõi theo, đặc biệt là những người mà trẻ thường tiếp cận, bởi điều đó có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến cảm xúc đứa trẻ. Khi bị trừng phạt trước đông người, bé cảm thấy xấu hổ, kém cỏi, yếu đuối, và khi một loạt cảm xúc tiêu cực nhất đạt đến đỉnh điểm, chúng có thể hành động tiêu cực mà bạn không nghĩ tới.
Trường hợp nếu trẻ đủ mạnh mẽ để vượt qua "sự trừng phạt" này của bố mẹ, thì hình phạt ấy cũng để lại cho con những ký ức, ấn tượng khó phai trong thời gian dài. Ở tuổi trưởng thành, khi cuộc sống gặp khó khăn, chúng sẽ rơi vào tâm lý tiêu cực bao gồm xấu hổ, thất bại... mà bạn từng tạo nên từ thời thơ ấu.
2. Trừng trị bằng cách "vứt bỏ" trẻ
Nhiều bậc cha mẹ, khi con hư, thường "đuổi" con ra khỏi nhà để trừng phạt trẻ. Bố mẹ đóng cửa và nhốt con ở ngoài, dọa dẫm rằng "nếu không ngoan ngoãn sẽ đuổi đi, không nuôi nữa". Đứa trẻ ở bên ngoài không ngừng mếu máo, gào khóc: "Đừng đuổi con đi".
Mặc dù trong suy nghĩ của các bậc cha mẹ, mục đích của việc này chỉ là để đe dọa và không có ý tưởng nào về sự ruồng bỏ, nhưng đối với đứa trẻ, đây thực sự là một hình phạt tàn khốc. Khi bị người mẹ - người trẻ yêu thương, tin cậy nhất trừng trị với hình phạt này, trẻ nghĩ rằng sai lầm của mình đã khiến mẹ "bỏ rơi", không yêu mình nữa. Điều này làm trẻ sợ hãi, hoảng loạn, hình thành tâm lý rằng mình làm gì sai cũng sẽ bị mẹ ghét bỏ, dần dẫn đến thái độ sợ hãi, thiếu tự tin trước mọi việc làm của bản thân. Khi trưởng thành, chúng thậm chí không đủ can đảm rời khỏi vòng tay mẹ để làm việc.
3. Dùng bạo lực để trừng phạt
Không ít cha mẹ có xu hướng bạo lực, dùng đòn roi, "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" với con cái. Với những bậc cha mẹ này, họ buộc phải kiểm soát tâm trạng của mình, nếu muốn >chăm sóc con cái và nuôi dạy trẻ thành người.
Bạn tuyệt đối không nên đánh khi con phạm lỗi. Mặc dù hiểu rằng hành vi của cha mẹ là một hình thức kỷ luật, trẻ không tránh khỏi tâm lý sợ hãi khi hứng đòn roi. Về lâu dài, trẻ luôn sống trong tâm lý rụt rè, sợ mắc sai lầm, thậm chí dần dần thừa hưởng xu hướng bạo lực của cha mẹ, luôn sử dụng vũ lực như một sự trừng phạt những người xung quanh mình.
Cha, mẹ cần hiểu rằng trẻ em không thể tránh khỏi sai lầm trong quá trình khôn lớn, cho đến khi trưởng thành. Dù trẻ mắc lỗi gì, trước tiên, người cha, mẹ cần phải tìm lý do từ chính mình, xem mình đã uốn nắn con phù hợp chưa, thay vì áp dụng ba loại hình phạt trên.