Vì thương con mà nhiều bậc làm cha mẹ đã áp dụng sai cách nuôi dạy. Họ thường nghĩ cách giáo dục của mình khiến con có thể lớn lên và trưởng thành, nhưng đôi khi lại gây ra những quả lâu dài, như trầm cảm, âu lo, ngang bướng hay thậm chí là mầm mống của căn bệnh ung thư.
Chính vì thế, để nuôi dạy một thế hệ tương lai khôn ngoan, giỏi giang và hạnh phúc thì bước đầu tiên là các bậc cha mẹ phải nhận thức được những gì mình đang làm sai.
10. “Cha mẹ trực thăng” có thể khiến cho trẻ không có bạn bè
“Cha mẹ trực thăng” là thuật ngữ nói về những bậc cha mẹ có xu hướng luôn giám sát, theo sát con như những chiếc trực thăng lượn trên đầu, họ luôn nói cho chúng biết nên làm gì và làm như thế nào. Các nhà khoa học thuộc Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ lưu ý rằng, sẽ là điều bình thường nếu cha mẹ cố gắng giữ con trong tầm mắt an toàn và khỏe mạnh. Tuy nhiên, con bạn sẽ không học được cách kiểm soát cảm giác và cảm xúc của mình vì chúng không có không gian riêng.
Phương pháp nuôi dạy của “cha mẹ trực thăng” cũng sẽ gây ra các vấn đề về hành vi xã hội, khó kết bạn, và khả năng phân tích hành vi kém. Để con không bỡ ngỡ với thế giới bên ngoài, cha mẹ cần quan tâm đến trẻ hơn để nhanh chóng hiểu được chúng cần gì. Khi bạn nhận thấy con có khả năng xử lý tình huống mà không cần sự giúp đỡ, hãy để cho chúng làm điều đó. Bạn có thể hướng dẫn chúng cách vượt qua những thời điểm khó khăn nhưng đừng nên áp đặt. Hãy nói chuyện về cảm xúc và cảm giác của con, đồng thời chia sẻ thêm những cách giải quyết tích cực hơn để con không bị rơi vào trạng thái căng thẳng.
9. Kỷ luật đòn roi có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp
Người xưa vẫn tin rằng kỷ luật bằng đòn roi sẽ giúp con cái trở nên nề nếp hơn. Không những tán thành, nhiều người thậm chí còn tích cực sử dụng phương pháp đó. Kết quả của một cuộc khảo sát năm 2012 cho thấy, 94% cha mẹ thường xuyên dùng đòn roi dạy con. Tuy nhiên, khoa học lại chứng minh ngược lại.
Các chuyên gia cho rằng lạm dụng thể chất có thể dẫn đến nhiều kết quả tiêu cực khác nhau mà ta không mong muốn. Các hành động chống đối xã hội, rối loạn tâm lý, nghiện ngập chỉ là một số ví dụ về các vấn đề có thể xảy ra từ phương pháp giáo dục này. Trên hết, nguy hiểm hơn là có thể dẫn đến nguy cơ mắc một số bệnh như ung thư, tim mạch và hen suyễn cao hơn những đứa trẻ khác. Nếu bạn muốn biết biện pháp răn đe nào hiệu quả mà vẫn giữ được lòng tự trọng của đứa trẻ thì hãy thử các phương pháp giao tiếp giáo hoá.
8. So sánh chính là nguyên nhân khiến trẻ tự ti
Cha mẹ của bạn đã bao giờ so sánh bạn với một ai đó chưa? Ví như “Bạn Jack vừa giỏi vừa ngoan, nhưng con thì không!” hay “Emily có thể đếm đến 100 trong khi con còn chẳng biết sau số 10 là số mấy”. Họ có thể nghĩ rằng những lời nói tương tự có thể khiến con mình trở nên tốt hơn, nhưng các chuyên gia thì không tin như vậy.
Các nhà tâm lý học cảnh báo cha mẹ không bao giờ nên mắc phải sai lầm này và cũng không quên giải thích tại sao nó vô cùng tệ hại. Họ chỉ ra rằng, đem so sánh một đứa trẻ với một người khác làm giảm lòng tự trọng và giá trị bản thân ở một đứa trẻ. Việc đó cũng sẽ tạo nên khoảng cách giữa bạn và con, làm cho chúng liên tục cảm thấy bất an và mất niềm tin vào bạn. Trẻ cần rất nhiều tình yêu và sự hỗ trợ tuyệt đối của cha mẹ trong mọi tình huống.
Vì vậy, tốt hơn hết là đừng thể hiện ra rằng con đang làm bạn thất vọng, thay vào đó hãy trao đổi thẳng thắn về vấn đề con chưa làm đúng.
7. Nuôi dạy con không nhất quán dễ khiến trẻ tổn thương
Một ngày nọ bạn yêu cầu con dọn dẹp đồ chơi của chúng, rồi ngày hôm sau bạn tự làm mà không nói một lời nào. Hôm qua tâm trạng bạn không tốt và trừng phạt đứa trẻ vì một trò đùa vô hại, nhưng hôm nay bạn cảm thấy vui và để chúng làm bất kỳ điều gì chúng muốn cả ngày, hay người mẹ thì cau mày nhưng người cha lại mỉm cười.
Đây chỉ là một số ví dụ về một môi trường thiếu ổn định, khiến trẻ tự hỏi liệu chúng có đang làm đúng những gì cha mẹ mong đợi hay không. Các nhà khoa học nói rằng sự thiếu nhất quán có thể tác động tiêu cực đến lòng tự trọng của trẻ, làm tăng nguy cơ trầm cảm, dễ tổn thương, lo lắng. Đó là lý do tại sao cha mẹ nên đặt ra những quy tắc và giới hạn. Trẻ sẽ hiểu được những gì có thể xảy ra và nên phản ứng như thế nào với nó.
6. Bạn càng la mắng, hành vi của trẻ càng tồi tệ
Hãy tưởng tượng thế này, con bạn đang cư xử hỗn láo, bạn yêu cần chúng bình tĩnh lại, một lần, hai lần, và đến lần thứ ba thì tức nước vỡ bờ và bạn bắt đầu là hét. La hét thực sự là một phương pháp hiệu quả giúp các bậc cha mẹ giải thoát những cảm xúc tiêu cực trong vài giây. Một số phụ huynh cũng tin rằng la mắng là một cách tốt để giải quyết vấn đề nhất thời.
Nhưng bạn đã bao giờ tự hỏi rằng hậu quả của việc >nuôi dạy con cái như vậy sẽ thế nào chưa? La hét hoàn toàn có thể làm cho hành vi của con bạn trở nên tồi tệ hơn. Nó còn dẫn đến rối loạn lo âu, trầm cảm và thậm chí là những cơn đau mãn tính. Chúng tôi tin rằng bạn sẽ không muốn những điều này xảy đến với con mình. Sẽ không bao giờ là quá muộn để áp dụng những phương pháp nuôi dạy con phù hợp, giúp con em chúng ta lớn lên và phát triển mạnh mẽ.
5. Kỳ vọng quá cao sẽ không bao giờ khiến trẻ hoàn hảo
Tất nhiên là không cha mẹ nào muốn con mình thất bại và việc giữ vững niềm hi vọng thực sự là đòn bẩy giúp trẻ trở nên tốt hơn, miễn là những kỳ vọng của cha mẹ không quá xa rời thực tế. Điều quan trọng là phải xác định được ranh giới này vì nó hoàn toàn có thể dẫn đến các bệnh và rối loạn như mất ngủ, giận dữ, mệt mỏi hoặc lo âu.
10 cach giao duc con tuong dung ma "sai bet", tre kho thanh cong trong tuong lai - 6
Ryan Hong, nhà khoa học tại Đại học Quốc gia Singapore giải thích rằng: Trẻ sẽ rất sợ mắc lỗi nếu cha mẹ quá kỳ vọng chúng phải hoàn hảo. Vì vậy, hãy dành chút thời gian để ngẫm lại xem mình có thúc ép con mình một cách quá đáng, hơn những gì mà chúng thực sự có thể làm.
4. Nếu tự hỏi tại sao con mình lại rất tệ? Hãy nhìn lại chính bản thân mình
“Gieo nhân nào, gặt quả ấy” - Câu thành ngữ này phản ánh rất rõ mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái. Các nghiên cứu đã xác nhận rằng trẻ em hấp thu toàn bộ giá trị từ cha mẹ chúng hơn bất kỳ ai khác. Và hiển nhiên tiếp thu cả những hành vi của họ.
Vì vậy, nếu trẻ dành phần lớn thời gian ở bên bạn, và bạn tự hỏi rằng chúng đã học được “những từ, tính xấu” đó ở đâu, thì hãy nhìn lại bản thân mình. Nếu bạn nghĩ rằng xã hội là nguồn tác động chính lên trẻ, thì các chuyên gia lại cho rằng ngược lại. Trường học, bạn bè và các hoạt động ngoại khóa khác mà trẻ tham gia có thể rất hữu ích trong quá trình phát triển bản thân, nhưng chức năng chính của chúng là bổ sung kiến thức và các giá trị trẻ nhận được là khi ở nhà.
3. Chiến thuật dọa nạt không hề có hiệu quả
Đôi khi cha mẹ dọa nạt con cái để khiến chúng ngoan hơn. “Nếu con không dừng lại, mẹ sẽ phải đưa con cho ông ba bị!”. Các nhà tâm lý học khuyên bạn không nên sử dụng phương pháp này.
Còn các nhà khoa học lại giải thích rằng, nỗi sợ hãi sử dụng cấp độ não bộ thấp hơn, vì vậy trẻ sẽ không thể suy nghĩ về hành vi của chúng khi sợ hãi. Chúng cũng sẽ trở nên lo sợ cảnh sát, bác sĩ,...và tất cả những nhân vật khác mà cha mẹ sử dụng cho mục đích dọa nạt trẻ. Tốt hơn hết là tìm những giải pháp khác mang lại kết quả có lợi hơn để kỷ luật con bạn.
2. Tránh bàn luận về những chủ đề nhạy cảm
Một số cha mẹ tránh thảo luận về các vấn đề liên quan đến tình dục với con cái họ. Họ lo ngại mình không có đủ kỹ năng cũng như từ vựng phù hợp để trao đổi về một chủ đề khó nói như vậy. Hay họ hy vọng rằng con cái sẽ tìm hiểu ở trường hoặc từ bạn bè. Tuy nhiên, khoa học đã xác nhận rằng đây là hành vi thiếu trách nhiệm của bậc làm cha làm mẹ.
Theo nhiều nghiên cứu, việc cha mẹ thảo luận về quan hệ tình dục với con cái là thực sự quan trọng. Ví dụ, thanh thiếu niên sẽ có nhiều kinh nghiệm sau này và biết sử dụng các biện pháp tránh thai nếu vấn đề này không bị bỏ qua trong các câu chuyện gia đình. Cả 2 bên đương nhiên sẽ đều lo lắng, hồi hộp, nhưng điều đó hoàn toàn bình thường.
1. Khen ngợi “Con giỏi nhất trong hàng triệu người” là nguyên nhân của sự kiêu ngạo
Bạn đã bao giờ nói với con rằng chúng đặc biệt, hay cả thế giới này là vì niềm vui của chúng? Bạn nghĩ rằng điều này sẽ nâng cao sự tự tin và lòng tự trọng của trẻ? Các chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể dẫn đến kết quả bất ngờ. Brad Bushman, đồng tác giả của nghiên cứu, nhấn mạnh rằng, việc bày tỏ tình yêu ấm áp đến con trẻ là điều rất quan trọng, vì điều đó có thể thúc đẩy lòng tự trọng, nhưng đánh giá chúng quá cao lại có thể làm gia tăng sự tự kiêu, lòng tự ái của trẻ. Vì vậy, cần phải tìm điểm cân bằng giữa những điều này.
Không chỉ 10 điều trên mà có những cách giáo dục cha mẹ cứ ngỡ làm đúng nhưng hoàn toàn sai. Ví dụ: Nếu con bạn nói dối, có thể bởi vì bạn đã phản ứng thái quá với những sai lầm của chúng trong quá khứ. Trẻ em có thể nói dối vì nhiều lý do. Chúng có thể đang tìm kiếm sự chú ý, hoặc chỉ muốn kiểm tra phản ứng của bạn với lời nói dối đó.
Các nhà tâm lý học xác minh rằng đây là một bước tự nhiên trong sự phát triển của chúng. Nhưng nếu bạn phản ứng thái quá với những sai lầm hay thất bại của con, chúng có thể sẽ sử dụng lời nói dối để không phải đối mặt với các rắc rối đó nữa. Hãy ghi nhớ những phản ứng của mình trong các trường hợp tương tự, sửa chữa hành vi của bạn và khuyến khích con mình nói ra sự thật. Giao tiếp cởi mở chính là chìa khoá cho một mối quan hệ lành mạnh giữa cha mẹ và con cái.