Không chỉ hướng dẫn cách ngâm đào, Phạm Oanh còn giúp chị em phân biệt và chọn loại đào ngon để ngâm.
Dù đào đang bước vào cuối mùa nhưng cách làm đào ngâm luôn là từ khóa hot mà nhiều chị em muốn săn lùng. Ở các hội nhóm trên mạng xã hội, kinh nghiệm ngâm đào vẫn được nhiều người đặt câu hỏi, xin công thức. Do đó, cô nàng Phạm Oanh đã hướng dẫn rất chi tiết và cụ thể cách ngâm đào, từ việc chọn đào, ngâm, rồi pha trà đào như thế nào mới ngon. Với kinh nghiệm dày đặc như thế, nhiều chị em cũng phải thán phục khả năng đảm đang, chịu khó tìm tòi của Phạm Oanh.
Trong phần chia sẻ của mình, Phạm Oanh có nhắc đến cách phân biệt đào rất chi tiết. Cô cho biết:
- Có hai loại đào của Trung Quốc: Loại 1 là đào thịt vàng mà người Việt hay gọi là xuân đào, còn người Trung Quốc gọi là đào vỏ mỡ (Nectarines). Loại 2 là giống đào thịt trắng hay bị trà trộn dưới cái tên đào lông Sapa, thực tế là đào Thủy mật của Trung Quốc (meltingfleshed peach).
- Còn đào mỏ quạ của Việt Nam là loại quả bé, khoằm ở đáy quả, cũng là đào thịt trắng. Để có được những kiến thức về các loại đào, Oanh đã phải đọc nhiều tài liệu tiếng Trung và tiếng Anh.
Trong các loại đào quen thuộc này, Oanh chia sẻ kinh nghiệm của bản thân, xuân đào thịt vàng cho màu sắc đẹp và đậm vị hơn hai loại đào thịt trắng còn lại, vỏ mỏng, có thể để cả vỏ được. Đào thủy mật có lông cũng để cả vỏ được, nhạt hơn xuân đào một chút nhưng bù lại lát đào to như đào hộp. Đào mỏ quạ vỏ dầy phải gọt hết, thịt nhạt nhất trong 3 loại.
Còn dưới đây là kinh nghiệm ngâm đào, pha trà đào cam sả của Phạm Oanh, chị em có thể tham khảo:
1. CÁCH NGÂM ĐÀO
- Đào chọn quả còn xanh, cứng đẫy, đem rửa sạch, để ráo khô vỏ nơi thoáng mát. Ước tính cứ 5kg đào thì được gần 4kg thịt đào đã bỏ vỏ, hạt.
- Chuẩn bị một âu nước muối loãng (với xuân đào và đào mật không cần vắt chanh, với đào mỏ quạ dễ thâm cần vắt chanh thêm vào nước ngâm).
- Gọt vỏ, tách toàn bộ thành lát, gọt đến đâu thả vào âu nước muối đến đấy.
Lưu ý: Tách đào là công đoạn vất vả, các bạn có thể chỉ cần tách múi đầu và khía toàn bộ phần còn lại, dùng đầu dao nhọn bỏ phần cuống đào đi, sau khi nấu với nước đường đeo găng tay tách nốt sẽ dễ hơn. (Về việc để vỏ hay không, Oanh đã thử để vỏ cả 3 loại nhưng khi nấu xong vỏ không tách khỏi múi nên từ sau lần thử đó Oanh gọt vỏ toàn bộ. Nếu gọt tách hết thì nên tách trước, gọt vỏ sau cho đỡ bị trơn quả, khó tách).
Gọt xong toàn bộ đào, vớt tất cả đào và rửa qua một lần nước thật nhẹ nhàng (nhúng nước và nhấc lên thôi), để ráo nước chờ thắng đường.
- Cân đường: Tỷ lệ dùng thịt đào - đường – nước là 100g - 70g - 40ml. Trong 70g đường thì tỷ lệ đường trắng : đường nâu Hàn Quốc là 3:2 (cụ thể 100g thịt đào thì 42g đường trắng, 28g đường nâu).
Nếu dùng đào thịt trắng sẽ thắng ½ chỗ đường trắng cho hơi ngả màu hơn 1 xíu hoặc tăng đường nâu nhiều hơn một chút để bù cho màu trắng của đào.
Nếu dùng hoàn toàn đường nâu Hàn Quốc thì hơi khó cho món này vì đường nâu ngọt ít hơn, mà nếu dùng nhiều màu lại đậm quá.
- Cách thắng đường nếu dùng đường trắng: Cứ 100g đường trắng cho vào thắng thì dùng 10ml nước để hòa tan. Giả sử có 1kg thịt đào, bạn sẽ cân 7 lạng đường (giảm một chút đỡ ngọt vẫn được nha), trong 7 lạng này chỉ chưng 1/10 tức khoảng 70g, như vậy cần châm 7ml nước vào để thắng đường. Nước với đường lắc qua lắc lại cho tan bớt. Bật bếp, đứng đợi cho đến khi sủi bọt, chuyển nâu thì tắt bếp, tuyệt đối không dùng đũa đảo. Cho toàn bộ số nước và đường còn lại trong công thức vào chảo, đun thật sôi.
- Thả đào vào chảo. Thời gian nấu tính từ lúc sôi lăn tăn lại là 3 - 5 – 10 – 15 phút tùy theo các điều kiện sau: loại đào (xuân đào nhanh, đào mật và đào mỏ quạ lâu hơn), ít hay nhiều đào, cắt mỏng hay dầy, khi làm đào còn xanh hay đã chín. Ít/nhiều khó phân biệt nên căn cả thời gian và sắc độ chuyển trong của miếng đào.
Làm một mẻ nhỏ khoảng 1kg thì xuân đào 3 phút, đào mật lông 5 phút, đào mỏ quạ 3 phút, nấu nhiều gần 2kg thịt thì để thêm 2 đến 3 phút, mẻ to hơn nữa thì lâu sôi hơn. Làm một vài lần các bạn sẽ biết chính xác lúc nào nhấc ra. Thường cứ trong trong là nhấc ra luôn.
- Vớt đào: Đào vớt ra cho vào bát, rồi để vào trong âu nước đá, sau đó cho cả âu này vào ngăn mát tủ lạnh (để cả âu nước đá bao quanh), thỉnh thoảng cho đũa vào đảo cho nguội.
Tuy nhiên, chỉ cần chần nhanh, khéo quan sát một chút, rồi để nước đường nguội, đào nguội hẳn mới ngâm vào nhau, đào cũng đã giòn.
- Nước đường để thật nguội, cho vào lọ thủy tinh khô sạch, đợi đào cũng nguội, đổ vào ngâm. Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh thì lâu hỏng hơn.
- Muốn để được lâu hơn nữa và vận chuyển xa, thì nước đường sau khi vớt đào ra, đun sôi lại, để nguội rồi cho thêm nước cốt chanh vào. Tỷ lệ cứ 2kg thịt đào thì vắt 1 quả chanh cốm. Nước cốt đào sẽ hơi chua một chút.
Lưu ý: nếu làm nhiều không cần tách đào trước, mà chỉ gọt vỏ, bỏ phần đầu cuống, tách 1 lát, khía cạnh sâu vào thân quả nhưng không tách phần còn lại. Qua các công đoạn y hệt bên trên nhưng tăng lượng nước thành 100g:50ml vì nấu thêm 3 – 5 phút cần 10ml mỗi 100g này để bốc hơi. Sau khi vớt thì đeo găng tay tách đào.
2. CÁCH PHA 1 CỐC TRÀ ĐÀO CAM SẢ
- Một củ sả, bóc vỏ xấu bẩn ở ngoài, rửa sạch, cắt làm 3, đập dập phần củ, cho vào 100ml nước sôi đun lên còn tầm 80ml, gắp bỏ phần củ sả, giữ phần cuống bé ở trên, dùng nước sả này pha trà.
- Ngâm túi trà 5 - 7 phút và bỏ ra ngay, tránh bị chát quá (mình dùng ahmah chanh leo – đào).
- Vắt cam sành xanh lấy 15-20ml nước cốt hoặc nước cốt cam vàng 30ml (có thể thay bằng quất xanh ương).
- Làm lạnh cốc: Đổ đầy đá vào cốc thuỷ tinh định dùng uống để lạnh cốc khoảng 1 phút.
- Lên thành phẩm:
+ Nếu có dụng cụ lắc: 80ml trà sả vừa pha, 15 – 20ml cam/quất vừa vắt, 45 – 50ml nước cốt đào ngâm, cho đá vào 2/3 bình. Lắc đều tay đến độ tạo bọt, thử độ ngọt, chưa được thì cho thêm 5ml nước đường đã tan hoàn toàn hoặc thêm 5ml nước cốt đào ngâm. Bỏ phần nước đá trong cốc vừa ướp lạnh đi, giữ lại đá (hoặc thay hoàn toàn đá mới). Xếp vài miếng đào ở đáy cốc. Đổ trà vào cốc, trang trí và thưởng thức.
*Nước đường đã tan hoàn toàn: đun sôi 1kg đường + 650ml nước sau đó để nguội bảo quản lạnh hoặc cho 1kg đường và 650ml nước sôi vào máy xay, để nguội, bảo quản lạnh. Cứ pha gì lại mang ra dùng rất tiện.
+ Nếu không có dụng cụ lắc: Cho vào cốc theo thứ tự lát đào, 50ml nước cốt đào, đá viên ½ cốc, trà sả, nước cốt cam/quất. Trang trí và thưởng thức. Bằng cách này thì khi uống mới khuấy lên.
Các lưu ý khác:
- Làm nước cốt sả tươi để tiện hơn: Nếu bạn không phải lúc nào cũng có thời gian đun nước sả mà lại không thích dùng syrup sả (ngoài hàng hay dùng monin hay torani) thì nên tự làm nước cốt sả tươi. Cách làm rất dễ, lấy 3 cây sả, cho xay cùng 100ml nước sôi, lọc qua rây là có nước cốt (nhớ phải là nước sôi). Làm ít một như vậy cũng để ngăn mát uống được mấy ngày, nếu đông đá thì để được lâu hơn.
- Thay thế nước cam bằng nước quất được không? Được, nếu nước cốt cam dùng 15 - 20ml cho 1 cốc trà 180 - 200ml, thì quất dùng ít hơn 1 chút.
Để trang trí thì dùng cam vàng hay cam vỏ xanh đều được, nhưng nếu thả lát cam vào trà thì chỉ nên dùng cam vàng vì vỏ cam xanh khiến trà bị chát đắng.
Mùa hè giải nhiệt với trà đào thì quá tuyệt