Đây đều là những mẹo chữa canh mặn đơn giản mà nguyên liệu thì lại cực dễ kiếm, nhà nào cũng có luôn.
Không thể phủ nhận rằng, nêm nếm trong nấu ăn là một việc làm cực kỳ quan trọng, đặc biệt là với những món canh. Bởi lẽ chúng gần như quyết định độ ngon của món ăn đó.
Thế nhưng dù bình thường bạn có nấu ăn ngon, chuẩn đến đâu thì chỉ cần bất cẩn nhỏ trong việc nêm nếm gia vị thôi, lỡ tay một chút... sẽ khiến món ăn bị mặn.
Tuy vậy đừng quá hốt hoảng mà bỏ cả món canh đó đi, bởi bạn hoàn toàn có thể áp dụng những mẹo sau đây để chữa cháy cấp tốc.
1. Thả vài miếng khoai tây
Đơn giản lắm, bạn chỉ cần cắt vài lát khoai tây đã gọt vỏ rồi cho vào nồi canh đang bị mặn. Tinh bột từ khoai tây có tác dụng hút hết lượng muối dư thừa và đặc biệt không hề làm hỏng hương vị nồi canh. Trước khi ăn canh, bạn vớt khoai tây ra là được nhé!
2. Dùng cơm trắng
Hẳn nhiều mẹ chưa từng nghe đến việc cơm trắng có thể làm giảm độ mặn của canh phải không? Thực ra, cơm trắng mang lại hiệu quả cực kì luôn.
Bạn cho cơm đã nấu chín vào một miếng vải sạch, buộc chặt lại, sau đó thả vào nồi canh và để trong vài phút. Tinh chất bột từ cơm sẽ hút bớt lượng muối làm mặn, trả lại nồi canh thơm ngon.
3. Tận dụng lòng trắng trứng
Dùng cơm trắng nghe đã lạ tai mà nay dùng lòng trắng trứng hẳn khiến nhiều mẹ còn thấy kì quặc hơn. Thế nhưng, các chất có trong lòng trắng trứng lại có công dụng cực lớn trong việc hút bớt chất mặn có trong canh.
Bạn chỉ cần cho lòng trắng trứng sống vào nồi canh bị mặn, đun sôi một lần nữa rồi vớt ra là được.
4. Nêm nếm thêm đường, mật ong
Đây hẳn là cách mà nhiều chị em thường áp dụng. Canh mặn ư, thêm chút đường hay mật ong vào để gia giảm vị mặn nào.
Tuy nhiên bạn cần lưu ý là chỉ nêm chút thôi nhé, bởi nếu quá tay thì đường hay mật ong cũng có thể làm thay đổi hương vị món canh của bạn đấy!
5. Thêm giấm, chanh vào nồi canh
Chanh hay giấm đều có tính chua nên sẽ giúp canh bớt mặn ngay lập tức. Chỉ cần lượng nhỏ thôi là giấm hay chanh đã phát huy tác dụng được rồi.
Dẫu vậy, bạn cũng nên nêm từ từ, khi thấy canh vừa miệng thì dừng lại, tránh lại "chữa lợn lành thành lợn què".