Theo truyền thống của từng vùng miền, vào Tết Đoan Ngọ mùng 5/5 âm lịch, ngoài hoa quả còn có những món ăn khác không thể thiếu như cơm rượu nếp, bánh tro…
Tết Đoan Ngọ là lễ Tết quan trọng của người Việt từ nhiều đời nay. Theo tục lệ từ xưa, người dân thường cúng vào sáng sớm nhưng thực chất Tết Đoan Ngọ được tiến hành vào giờ chính Ngọ (giữa trưa) ngày 5/5 âm lịch. Đoan nghĩa là mở đầu, Ngọ là khoảng thời gian từ 11-13 giờ trưa.
Dịp Tết Đoan Ngọ thường vào lúc tiết trời nóng bức nhất, đây là lúc chuyển mùa, sâu bọ, côn trùng cũng được dịp phát triển gây bệnh cho người, vật nuôi và cây cối. Vì vậy, người dân thực hiện các nghi lễ diệt sâu bọ và dâng hương cầu được mùa.
Vì vậy, có nơi còn gọi ngày này là "Tết giết sâu bọ". Với người miền Tây, đơn giản đây là ngày Tết giữa năm, dẫu có buôn bán, làm ăn ở xa người dân vẫn cố thu xếp về nhà để đổ bánh xèo cả nhà cùng vui. Bởi vậy, ngày này cũng giống như Tết Nguyên đán vậy.
Cơm rượu nếp
Đây là món không thể thiếu đối với bất cứ gia đình nào trong ngày Tết Đoan ngọ. Sáng mùng 5/5 âm lịch, tất cả mọi người đều cùng nhau ăn một chút cơm rượu nếp với mong muốn và niềm tin sẽ đẩy lùi được mầm bệnh trong cơ thể.
Theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể. Cơm rượu nếp ở mỗi vùng cũng có sự khác nhau. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
Thịt vịt
Đối với người dân miền Trung, thịt vịt là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết Đoan Ngọ. Trong khi một số người giải thích rằng, vịt có tính hàn, ăn vào sẽ giúp cơ thể mát mẻ, bổ dưỡng trong những ngày oi bức đầu tháng 5 (âm lịch) thì một số người khác lại cho rằng từ 5/5 âm lịch trở đi thịt vịt sẽ béo ngậy, thơm ngon hơn và không còn mùi hôi nữa.
Cũng bởi quan niệm "diệt sâu bọ", chữa bệnh mà thịt vịt với tính mát, có tác dụng cân bằng phong huyết, âm dương trong cơ thể được lựa chọn làm món chính trong ngày này.
Bánh tro
Mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ (hay còn gọi là Tết giết sâu bọ) hàng năm không thể thiếu những chiếc bánh tro xinh xinh. Bánh tro còn có các tên khác như bánh gio, bánh ú,… có loại có nhân - loại không nhân, loại nhân mặn - nhân ngọt khác nhau. Bánh tro không nhân chấm với đường hay mật ong ăn rất lạ miệng, còn bánh tro nhân ngọt lại bùi bùi vị đậu xanh, dai dai lớp vỏ bánh dễ kích thích vị giác ăn rồi lại muốn ăn thêm cái nữa!
Chè trôi nước
Loại chè có màu sắc bắt mắt này cũng là một nét đặc trưng của ngày Tết Đoan Ngọ. Những hạt kê được mềm dẻo được nấu chung cùng đậu xanh và đường cát (hoặc mật mía). Khi dùng, lấy miếng bánh đa giòn tan quết với ít chè mịn màng và cảm nhận sự hòa quyện hoàn hảo của mọi thứ.
Chè trôi nước lại được chế biến từ loại gạo nếp thượng hạng qua nhiều công đoạn nhào nặng, làm nhân tạo thành những viên chè tròn vị ngọt - chuẩn vị ngon. Sở dĩ gạo nếp được chọn làm nguyên liệu cho món chè này là do quan niệm dân gian xưa cho rằng loại gạo này có khả năng tiêu diệt sâu bọ rất tốt.
Trái cây
Món cuối cùng không thể thiếu trong mâm cỗ là các loại trái cây tươi ngọt. Hãy tìm mua các loại quả như: mận, vải , đào… hay các loại quả mùa hè khác để mâm cỗ ngày Tết Đoan Ngọ được tròn vị bạn nhé!