Mỗi khi làm một điều gì chệch ý mẹ chồng, chị H. lại cảm thấy ấm ức, nghẹn ứ cổ họng vì những lời chê trách của bà.
Làm dâu 3 năm, chưa bao giờ chị H. cảm thấy mối quan hệ giữa mình và mẹ chồng trở nên thân thiết, nhất là từ khi chị sinh bé gái không đúng ý của bà.
Chỉ cần làm sai một điều rất nhỏ, chị cũng bị mẹ chỉ trích nặng nề. Nhiều lần chị ấm ức lắm nhưng rồi đều nín nhịn cho qua, bởi chị thương chồng, thương con. Một điều nhịn chín điều lành...
Bữa nay cũng vậy, chị vừa đi làm về còn chưa kịp nghỉ ngơi, mẹ chồng đã đẩy con nhỏ sang cho chị trông.
Đứa bé thì khóc oe oe vì khó chịu với thời tiết nóng nực. Thế là chị H. vừa nấu bữa tối cho cả nhà vừa dỗ dành con. Lủi thủi dưới bếp có một mình, mẹ chồng và chồng H. chẳng thèm vào hộ chị.
Đến bữa, mẹ chồng H. vừa ngồi xuống bàn ăn đã cau có chê bai: "Trông cái mâm cơm nó làm có chán không? Thịt gà thì chặt vụn, xếp đĩa cẩu thả. Bát muối chấm thì không có lá chanh, miếng ớt. 2 bát miến thì múc nham nhở nhìn có chán không chứ? Thịt chiên thì cháy sém... Đấy chẳng được món nào ra hồn. Nhìn chẳng buồn ăn nữa".
Chị H. biết ý mẹ nên không nói gì, nhưng vừa thấy bóng chồng chị, mẹ chồng lại càng nói to: "Nuôi ăn bao nhiêu năm mà nấu bữa cơm không thành, ăn hại thế không biết".
Thấy mẹ nói vợ, anh chồng chỉ thở dài: "Thôi ăn đi mẹ ơi, bữa nào mẹ cũng nói nhà con". Bữa tối diễn ra trong không khí không nặng nề, chẳng ai nói với ai một lời nào.
Chị H. để đến khi xong bữa, dọn dẹp hết tất cả rồi mới lên nhà thưa với mẹ: "Bấy lâu nay con biết mẹ không thích con. Con làm cái gì, dù đúng dù sai, đều không vừa lòng mẹ hết. Con tuy không nói nhưng con cũng tủi thân, cũng ấm ức chứ. Như nay mẹ nói con ăn hại là không đúng ạ. Con cũng đi làm như chồng con, cùng kiếm tiền về chăm bé T. và cái gia đình này. Ngày nào đi làm về dù mệt hay không con cũng vừa trông con, vừa nấu bữa tối cho cả nhà. Trong khi đó chồng con hôm thì đi uống bia với đồng nghiệp, hôm thì đi đá bóng với bạn bè.
Con cũng đâu phải 3 đầu 6 tay đâu mà vừa dỗ cháu i ỉ khóc vừa nấu cơm được? Mẹ cũng phải thông cảm cho con chứ.
Mà mẹ không thích con như vậy rồi thì hết tháng con xin mẹ cho phép chúng con ra ở riêng. Mẹ không phải phiền não về đứa con dâu vụng về như con nữa. Chứ thấy mẹ cứ than phiền với mấy người hàng xóm rồi lại đến tai con, ngày ngày không được sống trong không khí vui vẻ con cũng thương mẹ nhiều lắm. Em nói đúng không mình?".
Chị H. quay sang hỏi chồng. Vốn biết chị H. là người chịu thương chịu khó, không đến nỗi vụng về như mẹ vẫn hay chê bai, lại thương vợ nên anh chồng cũng đồng tình: "Phải đấy mẹ ạ, chứ ngày nào cũng nghe mẹ cằn nhằn nhà con, con cũng khó chịu. Tuổi già cần được nghỉ ngơi mà cứ suốt ngày bực dọc thì cũng không tốt mẹ ạ".
Nghe con trai, con dâu nói vậy, bà mẹ cũng hơi bất ngờ. Bởi trước nay bà có tha hồ chê trách H. thì cô cũng chẳng nói một lời nào.
Bà vội đứng dậy đi về phòng kèm câu nói qua loa: "Ở riêng cái gì mà ở riêng, con mày còn nhỏ thì ai chăm?".
Mẹ chồng H. có mỗi người con nên tất nhiên bà không muốn con cái ở riêng. H. cũng hiểu điều đấy. Chính vì vậy cô mới đánh liều thử cách này xem có thay đổi được bà không, chứ thú thực ra ở riêng để bà cui cút một mình, vợ chồng cô cũng không yên tâm.
Phần về mẹ chồng H., sau một đêm suy nghĩ lại bà cũng nhận ra rằng con dâu mình không đến nỗi vụng về, ăn hại như bà vẫn thường phàn nàn.
Ngược lại H. còn thương chồng thương con, cũng hiếu thảo với bà. Dù bị mẹ khó chịu rất nhiều lần như cô chưa bao giờ cãi trả.
Bây giờ để các con ra ở riêng, một thân một mình ở nhà cũng buồn. Xong việc gì cũng đến tay... Nghĩ lại bà thấy ở chung vẫn hơn.
Thế là từ đó mẹ chồng đỡ cằn nhằn về H. Thậm chí bà còn bế con cho cô mỗi lúc H. đi làm về để cô tập trung việc cơm nước.
Chồng H. cũng cảm thấy thương vợ hơn nên anh thường về sớm để phụ vợ.
Những bữa cơm sau đó của gia đình H. vui vẻ hơn rất nhiều. Nàng dâu cũng chẳng còn nghe thấy những lời nói xấu sau lưng mình từ mẹ chồng nữa...