Tưởng chừng đó là ngày hạnh phúc nhất của gia đình, nào ngờ ngày vui ấy lại trở thành một ngày tang tóc khi người mẹ đã qua đời chỉ vài giờ sau sinh.
Tử vong chỉ vài giờ sau sinh vì một tai nạn không ngờ khi bác sĩ mổ đẻ
Vào khoảng tháng 4/2016, Kira Johnson, một người phụ nữ 39 tuổi khoẻ mạnh, đã có một con trai đầu 19 tháng tuổi, được đưa đến Trung tâm Y tế Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ) mổ lấy thai. Tưởng chừng đó là ngày hạnh phúc nhất của gia đình Kira, nào ngờ ngày vui ấy lại trở thành một ngày tang tóc khi người mẹ đã qua đời chỉ vài giờ sau sinh.
"Chúng tôi đã nghĩ rằng, chỉ cần ở lại bệnh viện một vài ngày, sau đó sẽ trở về nhà với hai cậu con trai. Nhưng chỉ một vài giờ sau khi Kira sinh con trai Langston, mọi thứ bắt đầu trở nên tồi tệ hơn”, Charles chia sẻ.
Theo Charles, vợ anh bắt đầu phải chịu những biến chứng nghiêm trọng vào lúc 2h30 chiều hôm đó. Ngồi cạnh giường vợ trong phòng hậu phẫu, anh đã nhận thấy điều bất thường. Cơ thể vợ anh run lên từng đợt và máu xuất hiện trong ống truyền tĩnh mạch. “Cô ấy vô cùng đau đớn nhưng vẫn gắng cười, không hề phàn nàn”, anh Charles kể lại.
Anh Charles chia sẻ, anh phải đợi hàng giờ đồng hồ mới có người đến thăm khám cho vợ, mặc dù anh liên tục gọi nhân viên y tế giúp đỡ. Bảy giờ sau, các bác sĩ đưa chị Kira đi điều trị, lúc ấy họ phát hiện ra cô bị chảy máu trong do bị rách bàng quang trong quá trình mổ đẻ. Tim Kira đã ngừng đập trước khi được đội ngũ y tế can thiệp. Vào lúc 2h22 sáng, Kira qua đời, để lại người chồng đau buồn và hai đứa con trai bé bỏng, non dại.
Những lưu ý quan trọng khi sinh mổ
Tâm lý trước khi sinh mổ
Các bà mẹ đừng nghĩ rằng sinh mổ là an toàn tuyệt đối. Vì vậy, các bà mẹ hãy chuẩn bị tâm lý thật bình tĩnh. Và cũng cần biết rằng, sinh mổ cũng không khác gì sinh thường, sau sinh chị em sẽ thấy xuất hiện sản dịch, đau do co hồi tử cung, chảy máu, đau đớn và mệt mỏi.
Sau khi sinh mổ, bà mẹ cần được bác sĩ chuyên khoa chăm sóc với các loại thuốc giảm đau, kháng sinh, co hồi tử cung và chăm sóc vết mổ để được an toàn tuyệt đối. Các bà mẹ hãy yên tâm vì những loại thuốc này sẽ không ảnh hưởng đến nguồn sữa non nên hãy tranh thủ cho con bú ngay sau sinh càng sớm càng tốt. Trong trường hợp cảm thấy vết mổ quá đau, hãy nói với bác sĩ để được sử dụng những loại thuốc giảm đau an toàn cho sản phụ.
Dinh dưỡng sau mổ
Ngày đầu sau sinh mổ, bà mẹ cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Chỉ nên uống nước lọc, nước đường và ăn cháo thịt loãng cho đến khi “đánh hơi” được mới bắt đầu ăn thêm các thực phẩm khác như sữa và các loại thức ăn nhanh: phở, hủ tiếu, nui… Sang ngày thứ 2 trở đi, bà mẹ ăn uống bình thường, chú ý ăn nhiều đạm và các thực phẩm có nhiều canxi. Đồng thời uống nhiều nước để có sữa cho bé bú.
Trong suốt quá trình làm lành vết mổ, các loại vitamin B, C, A, K tham gia trong quá trình tổng sản sinh collagen và đa dạng hóa của các nguyên bào sợi cũng như kiểm soát tình trạng viêm nhiễm. Riêng vitamin K, tham gia vào cơ chế cầm máu ở giai đoạn đầu của vết mổ. Ngoài ra các yếu tố vi lượng như: canxi, kẽm, sắt, đồng có vai trò chính trong quá trình lành vết mổ.
Vận động và nghỉ ngơi
Sau sinh, bà mẹ nên dành phần lớn thời gian để nghỉ ngơi. Nên nằm nghiêng sang một bên để tránh bị đau do tử cung co thắt và tránh bị nôn. Khi đã cảm thấy đỡ đau và thoải mái hơn các bà mẹ nên ngồi dậy và tập đi để máu huyết lưu thông, tránh tình trạng bị dính ruột và viêm tắc tĩnh mạch.
Vệ sinh cá nhân
Sản phụ sau khi sinh cần tắm rửa mỗi ngày để giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh những bệnh nhiễm trùng, có thể tắm gội toàn thân 3-4 ngày sau sinh. Khi tắm, nên tắm nhanh từ 5 – 10 phút, không nên tắm trong bồn hay trong chậu (đặc biệt là không nên ngâm mình trong nước). Phòng tắm phải kín gió và nên tắm bằng nước ấm dù ngoài trời nóng hay lạnh. Tắm xong phải lau khô người thật nhanh và mặc quần áo kín cổ, tay chân. Với các sản phụ đẻ mổ hay cắt tầng sinh môn, nên thận trọng với vết thương để tránh bung tuột mối chỉ.
Cũng từ 3-4 ngày sau sinh, sản phụ có thể gội đầu nhưng nên gội nhanh và lau đầu cho nhanh khô, tốt nhất là dùng máy sấy để sấy khô tóc. Không tắm gội cùng lúc, mà nên tắm tầm 9-10 giờ sáng rồi gội đầu vào buổi trưa hoặc xế trưa để tránh phải tiếp xúc lâu với nước, tránh bị chóng mặt và có thể té ngã do phải vận động nhiều và cúi đầu lâu.
Vệ sinh vùng âm hộ ít nhất là 3 lần/ngày vào sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Nếu sản dịch ra nhiều, sản phụ nên vệ sinh nhiều lần hơn. Các loại băng, giấy vệ sinh, khăn, nước rửa cũng phải sạch sẽ, tốt nhất nên dùng nước đun sôi để nguội hoặc nước ấm. Có thể dùng dung dịch vệ sinh sát khuẩn pha loãng để rửa. Sau khi rửa xong thì dùng khăn thấm cho khô…