Dùng viên uống tránh thai là phương pháp phổ biến được nhiều phụ nữ sử dụng để trì hoãn kỳ kinh, nhất là khi đi du lịch hoặc có dịp quan trọng. Liệu phương pháp này có an toàn với sức khỏe phụ nữ?
Theo Hiệp hội Mãn kinh Anh, hầu hết phụ nữ đều cảm thấy khó chịu trong kỳ kinh nguyệt, một số người cho biết họ gặp phải nhiều bất tiện, nhất là khi đang có việc quan trọng như đi công tác hay du lịch... Vì vậy, nhiều người tìm đến các biện pháp trì hoãn kinh nguyệt, trong đó, sử dụng >thuốc tránh thai được nhiều người truyền tai nhau thực hiện.
Ảnh minh họa
Chia sẻ với Health Shots, Tiến sĩ - Bác sĩ phụ khoa Komal Bhadu cho biết, bỏ qua hoặc trì hoãn kỳ kinh bằng thuốc tránh thai thường được coi là dễ thực hiện đối với nhiều phụ nữ. Tuy nhiên, không phải lúc nào phương pháp này cũng mang lại hiệu quả và an toàn.
Thực tế, uống thuốc tránh thai có estrogen và progestin có thể giúp trì hoãn hành kinh trong suốt thời gian dùng thuốc.
Kinh nguyệt bị điều khiển bởi lượng nội tiết trong cơ thể. Khi lượng nội tiết này giảm mạnh (vào cuối chu kỳ), nội mạc tử cung bong ra, gây hiện tượng chảy máu.
Như vậy, về nguyên tắc, nếu những ngày cuối chu kỳ mà lượng nội tiết vẫn cao thì hiện tượng hành kinh sẽ không xảy ra. Vì thế, để trì hoãn việc ra máu khi đi du lịch, chị em có thể dùng thuốc nội tiết như thuốc tránh thai giúp chu kỳ kinh nguyệt chậm lại 3-5 ngày.
Tác dụng phụ khi uống thuốc tránh thai để trì hoãn kinh nguyệt
Theo Medical News Today khuyến nghị, phái nữ nên tránh dùng biện pháp uống thuốc tránh thai liên tục để lùi kỳ kinh nguyệt bởi phương pháp này có thể gây ra một số tác dụng phụ vì hormone trong cơ thể ít nhiều bị ảnh hưởng khi dùng thuốc.
Khi sử dụng thuốc tránh thai để hoãn hay chặn chu kỳ kinh nguyệt, bạn rất dễ gặp phải tình trạng chảy máu giữa kỳ kinh. Điều này đặc biệt phổ biến trong những tháng đầu tiên dùng thuốc. Chảy máu giữa chu kỳ thường sẽ giảm qua thời gian, tuy nhiên điều này chỉ xảy ra khi cơ thể bạn đã có sự điều chỉnh.
Ngoài ra, sự dao động nội tiết tố khi dùng thuốc tránh thai có thể dẫn đến căng tức, đau hoặc ngực to ra, đồng thời có thể góp phần gây đau đầu ở một số phụ nữ.
Bên cạnh đó, việc thay đổi nồng độ hormone có thể ảnh hưởng đến tâm trạng, gây ra những thay đổi về cảm xúc ở một số phụ nữ, thậm chí giảm hứng thú với hoạt động tình dục.
Trong một số trường hợp, phụ nữ có thể bị buồn nôn do tác dụng phụ khi lạm dụng thuốc tránh thai.
Một hạn chế nữa của việc trì hoãn chu kỳ thường xuyên là bạn khó xác định mình có đang> mang thai hay không. Nếu bạn ốm nghén, đau ngực hay mệt mỏi bất thường, bạn nên mua que thử thai hay khám bác sĩ để có kết quả chính xác.
Mặc dù những tác dụng phụ này có thể xảy ra nhưng chúng khác nhau tùy theo từng cá nhân và không phải ai cũng gặp phải chúng.
Bỏ qua hoặc trì hoãn thời gian kinh nguyệt bằng biện pháp tránh thai có thể là lựa chọn an toàn và hiệu quả đối với nhiều phụ nữ, giúp tăng khả năng kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt của họ. Tuy nhiên hãy tham khảo ý kiến bác sĩ phụ khoa để đảm bảo việc này được thực hiện an toàn. Các trường hợp mắc bệnh về gan, có rối loạn đông máu, bị khối u do nội tiết hay bị cao huyết áp thì không dùng cách này.
Ảnh minh họa
Có thể trì hoãn kinh nguyệt khi kỳ kinh bắt đầu hay không?
Nếu kỳ kinh bắt đầu, chị em không thể khiến chúng dừng lại ngay lập tức. Tuy nhiên, vẫn có một số biện pháp làm giảm lượng máu kinh, giảm đau, rút ngắn số ngày có kinh. Theo Insider, chị em có thể dùng Ibuprofen hoặc Aleve để giúp giảm đau bụng kinh, giảm lượng máu kinh từ 20-40%. Những loại thuốc này hoạt động bằng cách ức chế sản xuất prostaglandin, một hợp chất gây viêm kích thích cơn co thắt trong tử cung.
Ngoài ra, giải pháp tập thể dục thường xuyên cũng có thể giúp giảm cường độ chuột rút, giảm tần suất hoặc độ dài của chu kỳ kinh nguyệt. Tuy nhiên, chị em cần lưu ý về cường độ >luyện tập. Bởi việc tập quá nhiều hoặc đột ngột có thể khiến kinh nguyệt ngừng lại hoặc xuất hiện không đều đặn như trước.