Không ít trường hợp dù đã uống thuốc tránh thai khẩn cấp nhưng vẫn “dính” bầu. Trong trường hợp đó, liệu thai nhi có bị ảnh hưởng hay không?
Tìm đến bác sĩ, chị N.T.M (Hà Nội) cho hay: “Tôi năm nay 28 tuổi, đã có con trai 1 tuổi. Vợ chồng tôi làm “chuyện ấy” mà không dùng biện pháp bảo vệ nên sau đó tôi có uống >thuốc tránh thai khẩn cấp (một liều). Không ngờ đến kỳ kinh tôi bị chậm kinh, sau 10 ngày thử thì que thử hai vạch.
Vợ chồng tôi rất hoảng hốt, không biết nên giữ hay bỏ thai. Tôi rất băn khoăn, muốn giữ nhưng chồng tôi rất lo lắng liệu em bé có bị ảnh hưởng của thuốc tránh thai khẩn cấp hay không? Quả thực tôi tìm hiểu thông tin rất nhiều nhưng vẫn đang lo lắng, chưa dám quyết để hay bỏ thai, vì rất sợ nếu để, em bé sinh ra liệu có lành lặn?".
Chia sẻ về chủ đề này, Ths.BS Tạ Việt Cường - Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cơ sở 2 cho hay, câu hỏi của chị M. có lẽ cũng là nỗi băn khoăn của hầu hết các phụ nữ lỡ “dính” bầu sau khi >uống thuốc tránh thai khẩn cấp.
“Trước hết phải khẳng định, uống thuốc tránh thai khẩn cấp không tránh thai được 100%. Thực tế, không có giải pháp tránh thai nào bảo vệ được 100%, có những biện pháp đạt tỷ lệ tránh thai rất cao nhưng xác suất mang thai vẫn có thể xảy ra.
Ví dụ như dùng que cấy hoặc thuốc tránh thai hằng ngày có tỷ lệ tránh thai rất cao. Tuy nhiên như vậy không có nghĩa là sử dụng biện pháp này là tránh thai được 100%, khả năng mang thai vẫn có dù tỷ lệ rất thấp”, bác sĩ Cường nói.
Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội cơ sở 2, với thuốc tránh thai khẩn cấp, kể cả mới quan hệ, người phụ nữ uống luôn cũng vẫn có khả năng có bầu.
Hơn thế nữa, thuốc tránh thai khẩn cấp còn có nhiều tác dụng phụ như rối loạn kinh nguyệt, rong kinh. Do vậy, chuyện chị em uống thuốc tránh thai khẩn cấp và vẫn mang bầu không có gì lạ.
Hiện nay có 2 loại thuốc tránh thai khẩn cấp được sử dụng nhiều, hai loại thuốc này khác nhau ở thành phần. Cả hai loại này khi sử dụng vẫn có khả năng có thai. Trong trường hợp mang thai, cả hai loại thuốc này không làm tăng khả năng gây bất thường về hình thái so với những trường hợp không sử dụng thuốc.
“Bạn là người quyết định giữ hay đình chỉ thai, mọi ý kiến trong đó có lời khuyên của bác sĩ chỉ mang tính chất tư vấn, tham khảo. Trường hợp nếu bạn giữ thai, dù trước đó uống thuốc tránh thai không gây ảnh hưởng đến thai nhi, quá trình mang thai vẫn cần đi khám định kỳ theo tư vấn của bác sĩ sản khoa để sàng lọc dị tật thai nhi (nếu có). Bởi nguy cơ về dị tật thai nhi hoàn toàn vẫn có thể xảy ra như những trẻ khác, nên việc sàng lọc để phát hiện sớm là hết sức quan trọng”, bác sĩ Tạ Việt Cường cho hay.
Về các phương pháp tránh thai hiện nay, theo bác sĩ Cường không có biện pháp nào là an toàn tuyệt đối, ngoại trừ triệt sản (ở cả nam và nữ) được cho là an toàn nhất. Còn lại, mỗi biện pháp tránh thai đều có những ưu điểm và nhược điểm khác nhau.
“Với các bạn trẻ, nếu chưa muốn có con nên dùng bao cao su khi quan hệ. Đây cũng là biện pháp khá an toàn và tránh/giảm nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ngoài ra, bạn có thể dùng thuốc uống hằng ngày, cấy que tránh thai, tiêm tránh thai…”, bác sĩ Cường khuyến cáo.