Người mẹ này đã chào đón cặp song sinh theo cách vô cùng đặc biệt: cô con gái sinh ở tuần thứ 25 của thai kỳ và 11 tuần sau đó, cậu con trai kháu khỉnh mới ra đời.
Liliya Konovalova (29 tuổi) đến từ Uralsk, Kazakhstan đã hạ sinh một bé gái tên là Liya vào ngày 24/5 chỉ nặng 800 gram khi đang ở tuần thứ 25 của thai kỳ. Cô bé đã được ở trong lồng kính và được săn sóc đặc biệt trong suốt 1 tháng. Nhưng điều hy hữu hơn nữa là 11 tuần sau đó, ngày 09/8, Liliya tiếp tục sinh thêm một bé trai kháu khỉnh có cân nặng 2,9kg - Maxim -khiến các bác sĩ phải sửng sốt vì kinh ngạc.
Theo Bộ Y tế của Kazakhstan thì chuyện rất hiếm khi xảy ra, nó chiếm tỷ lệ khoảng 1/50 triệu ca sinh và Liliya là trường hợp đầu tiên tại đất nước này. Bà mẹ đã có 1 cô con gái 7 tuổi này rất tự hào về câu chuyện của mình – câu chuyện về "tử cung đôi".
"Tôi đã bị sốc khi phát hiện ra mình có tình trạng như vậy", Liliya nói. "Lúc đầu, tôi đã rất lo cho Liya. Cô bé bị sinh non. Nhưng các bác sĩ rất tuyệt. Họ đúng là những chuyên gia thật sự". Cô còn nói đùa rằng con trai cô dành cho chị mình thời gian một tháng để được chăm sóc đặc biệt trước khi hai chị em gặp nhau. "Con trai tôi không vội vã bước vào thế giới".
Eset Yeralin - Phó giám đốc Trung Tâm Sinh Sản khu vực Uralsk, nói về trường hợp của Liliya: "Chúng tôi đã biết về tình trạng tử cung đôi này ngay từ lúc Liliya sinh bé gái Liya. Vì vậy, các bác sĩ của chúng tôi đã chăm sóc và theo dõi chuẩn bị cho lần sinh thứ hai của cô ấy. Trong khoảng thời gian này, Liliya đã ở trong trung tâm của chúng tôi, >chăm sóc con gái và chờ đợi sinh lần nữa".
Liliya cho biết thêm lần mang thai thứ hai này của cô trải qua rất khó khăn. Nhưng dù sao bây giờ mọi chuyện đều đã ổn. Gia đình cô đã đón cặp song sinh về nhà để chăm sóc.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên hai bé song sinh chào đời cách xa nhau. Theo đó, vào cuối tháng 12 năm 2018, một bà mẹ người Anh đã làm nên lịch sử của ngành y tế khi cặp song sinh của cô chào đời cách nhau 12 ngày. Đây được xem là kỷ lục chào đời cách xa nhau nhất của hai bé sinh đôi ở Anh. Nhân vật chính của câu chuyện này là Vicky Green (32 tuổi) đến từ Manchester, Anh. Cô đã hạ sinh con trai đầu lòng Presley vào tuần thứ 26 của thai kỳ. Cậu bé chỉ nặng 680 gram. Những tưởng là cô sẽ sinh luôn bé thứ hai, nhưng không, cuộc chuyển dạ của cô dừng lại, giữ cô gái nhỏ Paisley ở trong bụng mẹ. 12 ngày sau, Paisley chào đời với cân nặng 1,1kg.
Tử cung đôi là gì?
Uterus didelphys hay còn được gọi là tử cung đôi, là tình trạng người phụ nữ sinh ra có hai tử cung. Quá trình này xảy ra từ khi bé gái còn trong bào thai, tử cung bắt đầu hình thành từ hai ống nhỏ. Khi thai nhi phát triển, các ống này kết hợp với nhau để ra một cơ quan lớn hơn và rỗng bên trong, gọi là tử cung. Nhưng đôi khi, hai ống này không kết hợp với nhau mà phát triển riêng lẻ tạo thành hai bộ phận rỗng riêng biệt để bé gái được sinh ra với hai tử cung trong cơ thể.
Tử cung đôi thường chỉ trở nên đáng chú ý sau tuổi dậy thì và được phát hiện bằng khám thực thể hoặc siêu âm. Về mặt giải phẫu vật lý, hai tử cung thường nhỏ hơn một chút so với mức trung bình, mặc dù nó cũng có thể "phình" to như tử cung bình thường. Nó cũng làm cho người phụ nữ có thể mang thai hai lần cùng một lúc, nghĩa là mỗi em bé ở trong một "ngôi nhà" riêng của mình.
Mặc dù được sinh ra với hai tử cung, nhưng người phụ nữ vẫn có thể quan hệ tình dục và có kinh nguyệt giống như những người chỉ có một tử cung. "Họ có thể biết hoặc không biết rằng mình có hai tử cung", bác sĩ Leila Hanna, bác sĩ sản phụ khoa làm việc tại Bệnh viện BMI The Sloane, chia sẻ. "Khi mang thai, những người phụ nữ có tử cung đôi có thể sẽ cảm thấy đau vì có 2 em bé cùng đè ép lên một khu vực. Vì vậy, đôi khi chúng tôi thực hiện một thủ thuật để nối chúng lại với nhau, nhưng không nhất thiết là ai cũng phải làm thế. Ngoài ra, những người có tử cung đôi cũng có thể có những bất thường về thận và ống dẫn nước tiểu từ bàng quang".
Phụ nữ có tử cung đôi thường có nguy cơ sảy thai, sinh non và chảy máu trong khi mang thai cao hơn một chút so với người bình thường. Và họ thường được tư vấn sinh mổ để giảm nguy cơ gặp biến chứng.