Hiện nay tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu không được phát hiện sớm rất nguy hiểm đến sản phụ và thai nhi.
Sản phụ nhập viện trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ do đường huyết cao
Mới đây, Khoa Điều trị theo yêu cầu - Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) có tiếp nhận 1 bệnh nhân nữ 25 tuổi, mang thai lần 1, thai 34 tuần.
Trước đó sản phụ có vào cơ sở tuyến dưới trong tình trạng mệt mỏi, lơ mơ, khát nước đã được xét nghiệm đường huyết là 57,2 mmol/l. Do các chỉ số đường huyết quá cao, tình trạng nặng, người bệnh được chuyển đến Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí.
Sản phụ nhập viện Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí với các chỉ số Ure, creatinin đều tăng, PCO2, HCO3 tăng, chỉ số đường huyết là 42.3 mmol/l. Trên kết quả siêu âm nhận thấy không có tim thai. Sản phụ được chẩn đoán: Thai chết trong tử cung 34 tuần con lần 1, đái đường thai kỳ, suy thận cấp, toan Ceton.
BS.CKII. Vũ Thị Dung, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí cho biết, chỉ số đường huyết của sản phụ là 42.3 mmol/l là chỉ số rất cao và nguy hiểm ở phụ nữ mang thai. Trong khi đó mức đường huyết bình thường chỉ giao động từ 3,9 mmol/l - 6,5 mmol/l. Bên cạnh đó nồng độ đường trong máu của sản phụ tăng cao bất thường chính là nguyên nhân khiến cho thai nhi chết lưu.
Theo BS.CKII. Vũ Thị Dung nhận thấy đây là một trường hợp phức tạp vì thai nhi đã chết lưu, trong khi đó sản phụ có mức đường huyết rất cao dễ khiến sản phụ bị hôn mê, tiềm ẩn nguy cơ đờ tử cung (tử cung không co lại được gây chảy máu). Ngay lập tức các bác sĩ đã tiến hành hội chẩn liên khoa: khoa Hồi sức tích cực Nội, Nội tiết và các bác sĩ chuyên khoa sản, phương án được đưa ra là điều trị hạ đường huyết bằng cách truyền insulin. Sau 5 ngày điều trị ổn định, các bác sĩ đã tiến hành sử dụng thuốc để gây chuyển dạ giúp sản phụ đẻ phương pháp tự nhiên tránh được 1 cuộc phẫu thuật.
Không làm xét nghiệm đường huyết khi đi khám thai
Theo BS.CKII. Vũ Thị Dung, hiện nay, tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc bệnh tiểu đường đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Nếu không được phát hiện và điều trị sớm thì bệnh sẽ có những biến chứng nguy hiểm tới sản phụ trong quá trình mang thai và chuyển dạ. Bên cạnh đó là ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ sau khi chào đời. Bên cạnh đó là ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ của trẻ sau khi chào đời.
Thực tế cho thấy có nhiều trường hợp trẻ được sinh ra từ những bà mẹ mắc >bệnh tiểu đường thai kỳ thường gặp phải các rối loạn chức năng trong cơ thể liên quan tới sự phát triển thần kinh, hô hấp, tuần hoàn, thậm chí trẻ sinh ra đã bị dị dạng và đặc biệt có những trẻ không có cơ hội cất tiếng khóc chào đời mà chết lưu ngay trong bụng mẹ.
Theo sản phụ cho biết, trong quá trình mang thai, sản phụ thường xuyên đi siêu âm kiểm tra thai tại các cơ sở y tế tư nhân, nhưng lại không làm xét nghiệm đường huyết để phát hiện tiểu đường thai kỳ. Vì vậy chỉ đến khi nhập viện sản phụ mới biết mình bị tiểu đường thai kỳ. Đây là lời cảnh báo cho các sản phụ cần theo dõi và kiểm tra, làm các xét nghiệm đầy đủ mới có thể sớm phát hiện những bất thường về >sức khỏe của bản thân và thai nhi từ đó giúp điều trị sớm, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, BS.CKII. Vũ Thị Dung lưu ý.