Với quan niệm tháng 7 âm lịch là tháng “cô hồn”, tháng nhiều vận xui nhất trong năm nên nhiều chị em làm IVF quyết định “né” chuyển phôi trong tháng này để tránh những điều xấu.
Theo quan niệm dân gian Việt Nam, tháng 7 âm lịch hằng năm còn được gọi là tháng cô hồn, đặc biệt trong tháng này có lễ cúng Xá tội vong nhân vào ngày rằm. Đây là lúc "cửa ngục mở ra và các linh hồn lang thang được thả về dương gian", quấy phá khiến con người làm việc gì cũng bị trắc trở, thậm chí bị hỏng, thất bại, tai họa. Do đó, với quan niệm “có kiêng có lành”, nhiều chị em làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã lên kế hoạch trì hoãn việc chuyển phôi để “né” tháng cô hồn.
Vợ chồng chị Hoàng Mai Lan (28 tuổi) ở Bắc Ninh kết hôn đã 4 năm nay nhưng chưa một lần được đón nhận tin vui. Sau khi uống đủ các loại thuốc đông y không thấy có kết quả, vợ chồng chị Lan quyết định thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm. Lần chuyển phôi đầu tiên đã thất bại. Lần này vợ chồng chị lên kế hoạch chuyển phôi lần 2. Tuy nhiên, người vợ Bắc Ninh này đang rất phân vân bởi lần chuyển phôi này rơi đúng vào tháng 7 âm lịch.
Theo chị Lan, với người khó> mang thai như chị thì làm bất cứ việc gì cũng đều phải tính rất kỹ, nhất là khi chị đã thất bại một lần trong IVF.
“Không biết mọi người có kiêng chuyển phôi vào tháng 7 âm lịch không, còn bản thân tôi và gia đình thì có nhiều e ngại. Hầu hết người thân đều khuyên phải xem lại tháng chuyển phôi, đừng làm vào tháng 7 cô hồn sẽ không may mắn. Vì theo mọi người, dù đậu thai thì em bé sau này cũng hay ốm đau bệnh tật, mọi sự không suôn sẻ”, chị Lan chia sẻ.
Ban đầu, nghe những lời khuyên này vợ chồng chị làm ngơ. Bởi bản thân chị Lan nghĩ, tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu nên không phải kiêng kỵ. Có phôi để chuyển là đã tốt rồi, còn hơn nhiều mẹ hiếm muộn vẫn đang mệt mỏi canh niêm mạc. Con cái là cái duyên, vợ chồng đã hiếm muộn thì tháng nào, năm nào cũng như nhau. Hơn nữa, vợ chồng hiếm muộn tất cả là nhờ vào bác sĩ và cái duyên. Mấy tháng trước chị Lan chuyển phôi vào tháng đẹp nhưng cũng chưa may mắn.
“Ý của mình là vậy nhưng anh xã thì bảo, nếu còn lăn tăn thì chưa làm vội, khi nào tâm lý ổn định sẵn sàng toàn tâm toàn ý đón con mới tiến hành. Anh cũng bảo chuyển phôi cần nhất là tư tưởng phải thoải mái mới mang lại may mắn và thành công. Vì thế vợ chồng mình quyết định tạm hoãn sang tháng sau”, chị Lan tâm sự.
Cũng giống gia đình chị Lan, vợ chồng chị Nguyễn Thị Hạnh (Thái Bình) cũng được bác sĩ hẹn chuyển phôi trong tháng 7 âm lịch. Tuy nhiên, chị Hạnh và chồng đã quyết định lùi lịch chuyển phôi sang tháng sau để “né” tháng cô hồn vì đây được cho là tháng gặp nhiều vận xui nhất trong năm.
“Vợ chồng mình đã tốn rất nhiều tiền để làm IVF và thực sự rất mong con đến với gia đình vì kể từ khi kết hôn, 6 năm nay mình luôn khao khát được làm mẹ. Do đó “có kiêng có lành”, vợ chồng mình quyết định lùi lịch chuyển phôi để mong điều tốt đẹp nhất sẽ đến”, chị Hạnh bày tỏ.
Chia sẻ với PV Gia đình Việt Nam liên quan đến vấn đề này, TS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, hầu như năm nào vào những ngày cuối tháng 6 âm lịch khi chuyển phôi cho các mẹ hiếm muộn đều có chung câu hỏi có nên chuyển phôi tháng 7 âm lịch hoặc nhiều sản phụ có dự kiến sinh trong tháng 7 nhưng đã tìm tới bác sĩ bày tỏ nguyện vọng sinh con trước tháng “ngâu” vì quan niệm tháng 7 âm không tốt.
1 - 2 năm gần đây, hiện tượng này đã thấp hơn các năm trước nhưng vẫn còn nhiều cặp vợ chồng có tâm lý e dè. Bởi các phụ huynh, nhất là các cặp vợ chồng hiếm muộn đều mong con được thụ thai hay được chào đời suôn sẻ vào ngày lành, tháng tốt, giờ đẹp để con tránh gặp phiền phức trong tương lai.
“Do quan niệm của mỗi người, những cái gì cần đến sự may mắn thì người ta không muốn làm trong tháng 7 âm lịch. Với những bệnh nhân mong muốn lùi lịch chuyển phôi hay bệnh nhân lên kế hoạch mổ phụ khoa u xơ mà kiêng vào tháng cô hồn, nếu những trường hợp đó không có gì gấp rút, không nguy hiểm và không ảnh hưởng đến >sức khỏe thì chúng tôi vẫn ủng hộ bệnh nhân.
Bởi lẽ, với những người làm IVF, khi chuyển phôi mà thoải mái tinh thần sẽ tăng cơ hội thụ thai”, bác sĩ Thành nói.
Còn với những trường hợp đòi sinh mổ sớm để “bắt con” trước tháng cô hồn thì ở góc độ chuyên môn, bác sĩ luôn phải đảm bảo em bé khi sinh ra phải khỏe mạnh, thai đủ tháng mới mổ chủ động.
"Tốt nhất thai phụ nên chọn sinh tự nhiên. Trong trường hợp phải sinh mổ, phải tuân thủ nghiêm các chỉ định của bác sĩ sản khoa. Bác sĩ sẽ tư vấn thời gian mổ, cân đối nguyện vọng giờ giấc >tâm linh của gia đình, chứ không phải giờ giấc tâm linh của gia đình sẽ quyết định chỉ định mổ của sản khoa”, bác sĩ Thành nhấn mạnh.
Vị bác sĩ cũng nói thêm: "Tôi vẫn nói với bệnh nhân rằng tôi tôn trọng nguyện vọng của gia đình khi họ muốn sinh con vào một ngày giờ đã xem trước. Tuy nhiên, là một bác sĩ, tôi cũng phải tuân thủ chuyên môn nghề nghiệp, phải đảm bảo sản phụ sinh con an toàn, đứa trẻ sinh ra phải khỏe mạnh. Vì ngày có đẹp đến mấy nhưng sinh con ra không an toàn thì ngày đó cũng trở thành ngày xấu".