Thiếu nước ối là một tình trạng bất thường trong quá trình mang thai, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới em bé và cả mẹ bầu. Khi thiếu nước ối phải làm sao? Đây là những điều mà mẹ bầu cần phải làm để bảo vệ bé khỏe mạnh và phát triển tốt.

Minh Trang 13:40 07/10/2022

Thiếu nước ối là gì?

Nước ối là môi trường dung dịch được hình thành ngay sau khi thụ thai. Nước ối tạo ra sự cân bằng giữa mẹ và thai nhi, tránh cho thai nhi bị nhiễm trùng hay gặp phải các va chạm, tác động từ bên ngoài. Từ những ngày đầu tiên khi em bé chỉ nhỏ xíu như một hạt mầm cho đến suốt 40 tuần thai kỳ, nước ối là phần không thể thiếu trong sự phát triển của bé.

Nếu như tử cung là ngôi nhà nhỏ bé thì nước ối chính là nguồn dưỡng chất, là tấm bình phong bảo vệ thai nhi khỏi các tác động từ bên ngoài. Nước ối cho phép em bé di chuyển linh hoạt để hệ xương và cơ bắp phát triển toàn diện, giúp bảo vệ bé và hoàn thiện dần các cơ quan khác trong cơ thể như hệ tiêu hóa, phổi... Đồng thời, trong quá trình chuyển dạ, nước ối cũng góp phần giúp mẹ giảm cơn đau đớn và tránh nhiễm trùng sau sinh.

Thiếu nước ối là một tình trạng bất thường trong thai kỳ!

Chính vì vậy mà >chỉ số nước ối rất quan trọng trong những lần khám thai của >mẹ bầu. Lượng nước ối của mỗi mẹ bầu là khác nhau và tùy thuộc vào độ tuổi của thai nhi. Khi đi khám, nếu bác sĩ kết luận thiếu ối thì mẹ bầu thường rất lo lắng và không biết >thiếu nước ối phải làm sao. Vậy trước hết, bạn cần hiểu thiếu ối là gì?

Đó là tình trạng mà nước ối ít hơn bình thường với chỉ số ối (viết tắt là AFI) nhỏ hơn 5cm. Khi mẹ bầu ở những tháng đầu thai kỳ, nước ối chỉ khoảng 50ml. Lượng nước ối dần dần tăng lên theo sự phát triển của thai nhi. Đến tuần thứ 36, lượng nước ối có thể là 800-100ml và đến tuần 38 thì giảm dần để chuẩn bị cho quá trình chuyển dạ sinh con.

Thiếu nước ối nguy hiểm như thế nào?

Khi đi khám thai định kỳ, bác sĩ sẽ yêu cầu mẹ bầu thực hiện những xét nghiệm để kiểm tra >sức khỏe thai kỳ, trong đó có chỉ số ối. Thiết bị y tế sẽ đo lường và xác định được chỉ số ối (AFI) của mẹ bầu. Chỉ số AFI bình thường đối với giai đoạn thai kỳ thứ ba là nằm trong khoảng 5 – 25 cm. Khi AFI < 5 cm được coi là thấp và mẹ bầu bị thiếu ối.

Trước khi đưa ra phương pháp cho vấn đề thiếu nước ối phải làm sao thì mẹ bầu cần phải biết hiện tượng thiếu nước ối nguy hiểm như thế nào.

Khi thiếu nước ối trong 3 tháng đầu của thai kỳ: Với những bà bầu ít nước ối ngay từ trong tam cá nguyệt thứ nhất thì khả năng bị sảy thai hoặc thai chết lưu có thể xảy ra. Những trường hợp thai bị thiếu ối trong giai đoạn này cũng thường khiến thai nhi gặp vấn đề về sự phát triển của phổi.

Khi thiếu nước ối trong 3 tháng giữa thai kỳ: Ở giai đoạn sau tuần 20, thai nhi bắt đầu nuốt nước ối và hấp thụ nước ối qua da, dây rốn và màng ối. Tương tự với tình trạng thiếu ối ở 3 tháng đầu, nếu mẹ bầu gặp phải tình trạng thiếu ối ở 3 tháng giữa thai kỳ thì cũng sẽ đối mặt với nguy cơ sinh non. Ngoài ra, vấn đề này cũng có thể khiến thai nhi gặp phải các tình trạng như trật khớp háng bẩm sinh, tay chân khoèo do khó cử động trong buồng tử cung, bị suy hô hấp,…


Thiếu ối có thể gây ra dị tật thai nhi và nhiều nguy hiểm khác!

Thiếu ối 3 tháng cuối thai kỳ: Đa số các trường hợp thiếu ối ở 3 tháng cuối thai kỳ đều không xảy ra biến chứng gì nguy hiểm. Tuy nhiên, thiếu ối ở giai đoạn này có thể khiến ngôi thai bị ngược, do thiếu ối nên bé không thể xoay đầu được. Lúc này, bác sĩ sẽ theo dõi chặt chẽ và thường xuyên sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi để cả mẹ và em bé đều khỏe, trong trường hợp cần thiết, có thể được truyền nước để bổ sung dịch ối.

Cách làm tăng nước ối nhanh cho mẹ bầu

Có nhiều nguyên nhân gây ra thiếu ối, có thể là do bất thường về nhiễm sắc thể, do thai nhi chậm phát triển hoặc do bị rỉ ối. Cũng có trường hợp thiếu ối do vấn đề xuất phát từ bánh rau hoặc do mẹ bầu bị các bệnh như tiểu đường, tiền sản giật hay cao huyết áp, đồng thời cũng có những trường hợp mẹ bầu bị thiếu ối mà không rõ nguyên nhân.

Chính vì vậy, tùy theo nguyên nhân thiếu ối cùng tình trạng sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi mà bác sĩ sẽ đưa ra phương án để giải quyết tình trạng này.

Bác sĩ sẽ tìm nguyên nhân thiếu ối và đưa ra biện pháp xử lý tốt nhất cho mẹ bầu!

Bên cạnh những phương thức điều trị được bác sĩ chỉ dẫn, thì mẹ bầu cũng có thể bổ sung những thực phẩm và xây dựng những thói quen khoa học bên dưới để làm tăng lượng nước ối:

1. Uống nhiều nước khoáng hoặc nước đun sôi để nguội

Đây là nguồn nước cơ bản, cần thiết cho tất cả mọi người nhất là mẹ bầu đang thiếu ối. Trong nước khoáng có nhiều muối khoáng giúp cân bằng được các khoáng chất trong cơ thể, giúp mẹ bầu bổ sung nguồn năng lượng, cải thiện tình trạng thiếu ối. Trường hợp nếu mẹ không uống nước khoáng thì có thể thay thế bằng nước đun sôi để nguội nhé.

Mẹ bầu thiếu nước ối nên uống 2,5 đến 3 lít nước mỗi ngày!

Cơ thể bình thường cần 2 lít nước mỗi ngày thì mẹ bầu thiếu ối cần nhiều hơn thế. Mỗi ngày mẹ nên uống khoảng 2,5 đến 3 lít nước. Đồng thời mẹ cũng nên uống nước ấm hơn là nước lạnh.

Bên cạnh đó, sau khi đi bộ, tiểu tiện hay sau khi thức dậ,y mẹ nên uống ngay 1 ly nước ấm để bù vào lượng nước đã mất. Ngoài ra, mẹ bầu nên uống đều đặn vào các giờ trong ngày.

2. Uống nước dừa

Nước dừa cũng là một lựa chọn hỗ trợ làm tăng nước ối cho mẹ bầu. Vì trong nước dừa có nhiều khoáng chất như kali, magie, đường, acid lauric, photpho… và các loại vitamin như C, B1, B2, B3, B6,.. nên có rất nhiều công dụng cho sức khỏe mẹ bầu. Đặc biệt giúp tăng cường sức đề kháng, nhất là góp phần cải thiện chất lượng nước ối và tăng lượng nước ối.

Nước dừa rất tốt để tăng lượng nước ối cho mẹ bầu!

3. Uống nước mía

Mẹ bầu lăn tăn không biết thiếu nước ối uống gì cho tốt thì ngoài nước lọc, nước dừa, nước khoáng thì nước mía cũng là một lựa chọn tốt. Nước mía không chỉ giúp thai nhi nhanh tăng cân trong những tháng cuối, giúp làm tăng lượng nước ối mà còn bổ sung rất nhiều khoáng chất và gần 30 loại axit hữu cơ cho cơ thể. Tuy nhiên nước mía khá nhiều đường nên mẹ cũng nên uống ở mức vừa phải, mỗi ngày chỉ uống 1 ly, riêng với mẹ bầu nào bị tiểu đường thai kỳ thì không nên dùng nước mía nhé.

4. Bổ sung các loại trái cây, rau củ tươi

Ngoài các loại nước trên thì mẹ bầu cũng nên thay đổi và bổ sung bằng các loại nước ép trái cây, các loại rau xanh, củ quả và trái cây tươi. Vì trong các loại thực phẩm tươi xanh này có chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nên rất hiệu quả trong việc giúp mẹ bầu tăng được lượng nước ối đấy.

Bổ sung đa dạng các loại quả mọng, rau củ và trái cây tươi!

Với các loại quả phổ biến như cam, bưởi, dâu, nho, dưa hấu, cà chua… hay các loại rau củ như cà chua, bí đỏ, dưa chuột, các loại rau lá xanh đậm… sẽ giúp mẹ bầu tăng lượng nước ối một cách đơn giản mà không lo bị ngán, khó tiêu hay tăng cân nhé.

5. Tư thế ngủ hợp lý

Bên cạnh việc bổ sung thực phẩm, thì các mẹ bầu cũng cần điều chỉnh lại những thói quen sinh hoạt hàng ngày để có được một thai kỳ khỏe mạnh và lượng nước ối đầy đủ. Vì vậy, khi ngủ hoặc khi nằm nghỉ, mẹ bầu nên nằm nghiêng sang trái - tư thế này sẽ giúp máu lưu thông tốt hơn qua các mạch máu tử cung, từ đó tạo điều kiện cho hệ tuần hoàn của thai nhi được hoạt động bình thường và phần nào cải thiện được lượng nước ối cho mẹ.

6. Tập các bài thể dục nhẹ nhàng

Nếu bác sĩ không yêu cầu mẹ bầu phải hạn chế đi lại và vận động thì mẹ bầu nên thực hiện các bài tập thể dục nhẹ mỗi ngày trong khoảng 30 phút. Các bài tập nhẹ nhàng này sẽ giúp tuần hoàn máu tốt hơn, thúc đẩy lượng máu tới tử cung và nhau thai, đồng thời cũng giúp cải thiện chỉ số nước ối và tỷ lệ sản xuất nước tiểu của thai nhi (khi em bé thải ra nước tiểu nhiều hơn thì lượng nước ối cũng theo đó mà tăng lên).

Các bài tập như bơi lội, yoga, đi bộ là những bài thể dục thích hợp với mẹ bầu!

Trên đây là tất tần tật mọi thông tin về tầm quan trọng của nước ối với sức khỏe của mẹ và bé, cũng như chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để tăng lượng nước ối cho mẹ bầu. Nhưng quan trọng nhất là mẹ cần phải thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe của mình, tình trạng đạp máy của thai nhi và đi khám thai định kỳ theo lịch hẹn của bác sĩ nhé. Bác sĩ sẽ cho mẹ biết cách chính xác nhất cần phải làm gì ngay thời điểm thiếu ối. Chúc tất cả các mẹ bầu có một thai kỳ khỏe mạnh và thuận lợi nhé.

Minh Trang | Theo Phụ nữ sức khỏe