Thai trong thai là dị tật hiếm gặp, trong đó một khối mô y chang một bào thai hình thành bên trong một bào thai khác hoặc trong cơ thể em bé.
Thai trong thai – dị tật hiếm gặp
Tại Việt Nam, dị tật thai trong thai cũng đã từng gặp rất nhiều. Bệnh viện Nhi đồng 2 TP HCM từng phẫu thuật cho một bé trai T.T.P. (4 tháng tuổi, ngụ Trà Vinh) có hiện tượng bụng càng ngày càng to khi chào đời.
Khi gia đình đưa vào viện để chụp phim CT ổ bụng phát hiện một khối gồm mô đặc, mô mỡ, mô xương kèm với hộp sọ, cột sống và xương sườn. Các bác sĩ tiến hành phẫu thuật thấy khối u thai này đã chiếm hết hơn một nửa bụng phải của bé, đường kính khoảng 12 cm và nặng 1,5 kg.
Theo các bác sĩ, bào thai ký sinh không có khả năng tồn tại độc lập nhưng vẫn sống dựa vào cơ thể khác bằng cách lấy >dinh dưỡng từ bào thai chính. Nếu không phát hiện, bào thai chủ bị thiếu hụt dinh dưỡng.
Sự lớn lên không ngừng của bào thai trong cơ thể em bé gây ra hiện tượng chèn ép mạnh các cơ quan nội tạng, đe dọa tính mạng người anh/chị em song sinh.
BSCKII Nguyễn Xuân Chường, Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh, BV Phụ sản Hà Nội chia sẻ, trong quá trình 30 năm làm siêu âm sản khoa, ông đã từng gặp khá nhiều trường hợp thai trong thai.
Một thai phân chia thành hai thai, một thai phát triển rất lớn, còn một thai kia thì không. Cách đây 2 – 3 năm, bác sĩ cũng có gặp 2 ca thai trong thai.
Theo tài liệu y học, hiện tượng bào thai trong bào thai là một dị tật bẩm sinh hiếm gặp trong đó một thai nhi sống ký sinh trong cơ thể một em bé khác và thường là trong bụng.
Hiện tượng này chiếm khoảng 1/500.000 ca sống sót trên toàn thế giới. Hầu hết các trường hợp thai trong thai đều bị chết khi còn trong bụng mẹ trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ.
Cũng giống như các cặp song sinh dính liền, thai trong thai được hình thành khi các phôi song sinh trong tử cung không tách biệt hoàn toàn. Các phôi chi phối tiếp tục phát triển trong khi được bao bọc bởi phôi thai khác.
Sau đó, một phôi thai phát triển chính, phôi thai kia ký sinh vào phôi thai chính. Khi chưa được loại bỏ, những bào thai này lấy dinh dưỡng trực tiếp từ bên trong cơ thể người người anh/chị em song sinh.
Mẹ bầu cần làm gì để tránh dị tật thai trong thai
Để tránh những nguy hiểm không đáng có, bác sĩ Chường khuyến cáo chị em nên sinh con tốt nhất ở độ tuổi dưới 35, tốt nhất là 25 – 30 tuổi sẽ giúp hạn chế nguy cơ cao thai nhi bị dị tật. Ở độ tuổi trên 30, tỷ lệ dị tật sẽ tăng lên 4% so với 1% ở độ tuổi dưới 30.
Ngoài ra, thai phụ cần chú ý không nên bỏ qua các mốc quan trọng của thai kỳ như mốc 12 tuần, 22 tuần, 30 tuần…
Dị tật không phải đến tuổi thai đó mới có mà phát triển từ rất sớm, việc siêu âm thai kỳ theo các mốc kể trên sẽ giúp phát hiện sớm các dị tật, giúp cho bác sĩ, gia đình có chỉ định tốt nhất.
Và khi đi khám, >mẹ bầu cần phải chọn những cơ sở y tế uy tín, tránh đến những cơ sở khám chưa được cấp phép. Việc tiêm phòng nhằm hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm cũng được khuyến cáo để bảo vệ thai nhi phát triển được tốt.
3 mốc siêu âm >dị tật thai nhi mẹ bầu cần nhớ
Siêu âm thai ở tuần thứ 11 đến tuần thứ 14
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, từ tuần thứ 11 đến tuần thứ 14. Việc mẹ bầu đi siêu âm dị tật thai nhi trong thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, giúp mẹ biết được các thông tin cơ bản của thai nhi: Khẳng định thai nhi còn sống hay không? Xem thai nhi đã ở đúng vị trí chưa? Có bao nhiêu thai? Tính tuổi thai chính xác dựa vào chiều dài đầu mông.
Đây cũng là thời điểm vàng để phát hiện một số các bất thường thai nhi nếu có như: Hội chứng Down, Hội chứng Edward…
Bên cạnh đó, siêu âm dị tật thai nhi trong thời gian này còn giúp phát hiện một số dị tật thai nhi khác như: Thai vô sọ, không phân chia não trước, tật nứt đốt sống (biểu hiện dưới các dạng nứt đốt sống ẩn, thoát vị màng não, thoát vị màng não-màng tủy)…
Ngoài ra, thời điểm này còn có thể xác định các bất thường ở hàm mặt, môi, mắt: Khe hở vòm miệng, khe hở môi, hàm ếch; Các dị tật tim và lồng ngực như: Tứ chứng fallot, đảo gốc động mạch, thiểu sản thất trái, các thoát vị ở lồng ngực…; Các dị tật ở xương, chân tay như: loạn sản xương, thiểu sản xương, tạo xương bất toàn, bất sản sụn, các khiếm khuyết về số lượng các chi…
Siêu âm thai ở tuần thứ 18 đến tuần thứ 23
Ở thời điểm này, thai nhi cơ bản đã phát triển đầy đủ các cơ quan bộ phận cơ thể, lượng nước ối cũng nhiều lên cho phép quan sát tốt hình thái của thai nhi.
Đây là thời điểm siêu âm tiêu chuẩn để đánh giá toàn bộ thai nhi, phát hiện hầu hết các bất thường về mặt hình thái, khẳng định những bất thường mà trước đó nghi ngờ, thời gian cuối cùng cho quyết định đình chỉ thai nghén nếu có (trước tuần thứ 28).
Bác sĩ tiến hành siêu âm sẽ quan sát lần lượt các bộ phận của thai nhi để đánh giá toàn bộ:
Các bất thường thần kinh như: Bất thường ống thần kinh, không có não, não úng thủy, giãn não thất,não bé, phình giãn tĩnh mạch galen…
Các bất thường hàm mặt: Quan sát rõ hơn các bất thường ở lần siêu âm ở tháng đầu, đặc biệt quan sát được các bất thường ở ổ mắt.
Các bất thường ở tim mạch: Ở giai đoạn này, siêu âm dị tật thai nhi có thể quan sát rõ tim và các cấu trúc của tim, cho phép chẩn đoán phần lớn các bất thường, kể cả phức tạp nhất như: Thông sàn nhĩ thất, tứ chứng fallot, thiểu sản các van tim, bệnh Ebteins, thất phải 2 đường ra, các rối loạn nhịp tim…
Các bất thường lồng ngực: Thoát vị hoành, kén ở phổi, tràn dịch màng phổi, thiểu sản phổi…
Các bất thường ở ổ bụng,ruột và thành bụng như: Hẹp thực quản, hẹp dạ dày, gan to, lách to,tắc ruột, thoát vị rốn…
Các bất thường thận, tiết niệu như: Không có thận, thận đa nang, tắc nghẽn đường tiểu, bất thường ở bàng quang, niệu đạo…
Các bất thường ở cơ xương và các chi: Ngoài các bất thường phát hiện được ở siêu âm 3 tháng đầu, giai đoạn này quan sát chi tiết hơn các ngón tay, chân có thể dễ dàng phát hiện các tật như: tật nhiều ngón, tật tay vẹo…
Siêu âm thai ở tuần thứ 30 - 32
3 tháng cuối của thai kỳ là giai đoạn thai nhi đã hoàn thiện đầy đủ về cấu trúc và phát triển nhanh. Siêu âm dị tật thai nhi giai đoạn này chủ yếu để đánh giá sự phát triển thai nhi, vị trí thai nhi, nước ối, dây rốn (và các bất thường của chúng nếu có), sự phát triển của tử cung…
Các bất thường thai nhi có thể được phát hiện thêm hoặc đánh giá rõ hơn ở giai đoạn này (so với giai đoạn tháng giữa) bao gồm: Suy dinh dưỡng bào thai, các bất thường ở hệ sinh dục ( vị trí và sự di chuyển tinh hoàn, u ở cơ quan sinh dục, u nang buồng trứng…), một số bất thường ở các van tim được quan sát đầy đủ hơn ( u tim, hẹp hở các van tim, van động mạch chủ 2 lá van, bất thường về động mạch chủ…), một số bất thường ở não…
Việc siêu âm thai đúng thời điểm, định kỳ để sớm phát hiện các dị tật thai nhi là hết sức quan trọng, để từ đó có biện pháp theo dõi, xử trí thích hợp ( thậm chí là quyết định đình chỉ thai nghén). Hiệu quả của phương pháp siêu âm chẩn đoán dị tật thai nhi phụ thuộc rất nhiều vào trình độ bác sĩ, trang thiết bị hiện đại.