Đang mang thai 10 tuần nhưng thấy đau chân, thay vì đi thăm khám, thai phụ lại đi châm cứu để rồi gây nên tình trạng nguy hiểm, có thể phải đối mặt nguy cơ bị sảy thai.

Anh Thư 06:54 13/01/2025

Theo chia sẻ của thai phụ, từ khi> mang thai bắt đầu có hiện tượng bị đau chân trái, nhưng thay vì đi khám, chị đã tìm đến cơ sở châm cứu để điều trị vì nghĩ bị đau thần kinh tọa. Tuy nhiên, tình trạng không những không giảm mà càng đau hơn nên sản phụ mới tìm đến bác sĩ thăm khám.

Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, Thạc sĩ, bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - Thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam cho biết, thai phụ mang thai 10 tuần, bị đau chân trái đến khám và được chẩn đoán bị huyết khối tĩnh mạch sâu.

Theo bác sĩ Mạnh, huyết khối tĩnh mạch sâu nếu không điều trị đúng, huyết khối sẽ lan lên tiểu khung và gây sảy thai. Nặng hơn, khi huyết khối trôi về tim có thể gây nhồi máu động mạch phổi và tử vong.


Ảnh minh hoạ

Theo bác sĩ Mạnh, ai cũng có thể bị huyết khối tĩnh mạch, nhưng phụ nữ mang thai và sau sinh nguy cơ mắc sẽ cao hơn gấp 5 lần so với người bình thường. Nguyên nhân là do cơ chế tăng đông tự nhiên của cơ thể trong thai kỳ, nhằm bảo vệ thai phụ khỏi nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, chính cơ chế này lại làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và nhồi máu động mạch phổi (PE).

Đáng nói, với những trường hợp có huyết khối tĩnh mạch sâu thầm lặng, tỷ lệ tiến triển thành nhồi máu động mạch phổi có thể lên tới 30-50%. Điều này đặc biệt đáng lo ngại với những phụ nữ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Ngoài ra, huyết khối tĩnh mạch còn gây nên hội chứng hậu khuyết khối, biểu hiện thường xảy ra là phù, thay đổi sắc tố da, tái phát huyết khối, thậm chí là loét chân kéo dài. Do vậy, những người có nguy cơ cao bị huyết khối tĩnh mạch sâu cần đặc biệt chú ý. Cụ thể:

- Người có bệnh nền: Hội chứng kháng phospholipid, lupus, bệnh tăng đông di truyền, suy tim, bệnh hồng cầu hình liềm;

- Phụ nữ mang thai lớn tuổi hoặc mang thai nhiều lần;

- Người có lối sống ít vận động, béo phì, tiểu đường;

- Các trường hợp sinh mổ, tiền sản giật hoặc nhiễm trùng hậu sản.

Bác sĩ Mạnh cũng cảnh báo, một số yếu tố như tuổi tác (từ 35 tuổi trở lên), lối sống thụ động và bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ huyết khối lên gấp nhiều lần. Đặc biệt, nhiễm trùng hậu sản tăng nguy cơ gấp 4 lần, còn sinh mổ tăng gấp 2 lần.


ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam

Từ trường hợp trên, bác sĩ Mạnh khuyến cáo, khi mang thai thấy có hiện tượng đau, phù chân cần đi khám chuyên khoa tim mạch, tuyệt đối không điều trị ở những cơ sở ngoài bệnh viện, không tự xoa bóp, bấm huyệt hay châm cứu, chườm nóng.

Để phòng bệnh, phụ nữ mang thai cần lưu ý một số điểm sau:

- Theo dõi >sức khỏe tĩnh mạch: Tầm soát suy giãn tĩnh mạch trước và sau sinh, siêu âm Doppler là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm nguy cơ.

- Duy trì vận động: Tránh nằm hoặc ngồi quá lâu, đặc biệt sau sinh mổ.

- Quản lý bệnh nền: Với những người có tiền sử huyết khối hoặc bệnh nền tăng đông, cần điều trị dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.

Với phụ nữ sau sinh, nếu vẫn còn triệu chứng sưng phù, đau chân, khó thở hoặc đau ngực, hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Anh Thư | Theo Phụ nữ sức khỏe