Chiếc răng số 8 hay còn gọi răng khôn mọc lệch khiến không ít người khốn khổ vì nó. Phụ nữ mang thai mọc răng khôn còn có nguy cơ “mất con” nếu gặp biến chứng trong giai đoạn thai kỳ.
Đình chỉ thai nghén chỉ vì cái răng khôn
Từng điều trị cho hàng trăm bệnh nhân phải nhổ răng số 8 (răng khôn), ThS.BS Trần Phương Bình, Khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt (Bệnh viện Hữu Nghị Việt Nam-Cu Ba) cho biết, hiện nay số lượng bệnh nhân đến khám và nhổ răng khôn khá nhiều. Không ít người vào viện trong tình trạng mặt sưng một bên, không mở nổi miệng, thậm chí có những trường hợp sốt, nổi hạch. Đáng nói phụ nữ bị chiếc răng khôn “dở chứng” trong giai đoạn mang bầu đối mặt với nhiều nguy cơ hơn, thậm chí là mất con vì phải đình chỉ thai nghén.
Cách đây một thời gian, sản phụ N.T.L (ở Hà Nội) đã phải từ bỏ đứa con của mình chỉ vì biến chứng rất nặng do răng số 8 mọc lệch. Khi mang thai ở tuần thứ 6, chị thấy sưng đau hàm nhưng vẫn cố chịu vì sợ uống thuốc ảnh hướng đến thai. Mức độ sưng, đau tăng dần, chị đi khám bác sĩ gần nhà nhưng không đỡ, trái lại tiếp tục phù nề, nóng đỏ. Chỉ khi không mở nổi miệng chị mới vào viện. Lúc này, bác sĩ kiểm tra răng thấy chị bị sưng nề hết cả vùng răng số 8, má xuất hiện lỗ thủng nhỏ và có nhiều mủ trắng đục chảy trong miệng.
Để điều trị, bệnh viện đã phải mời chuyên gia sản khoa cùng hội chẩn và quyết định khuyên chị đình chỉ thai nghén. Bệnh nhân sau đó được bơm rửa vết thương, gây mê để mổ dẫn lưu dịch mủ, nhổ răng số 8. Sau mổ, bệnh nhân tiếp tục điều trị kháng sinh liều cao 10 ngày mới dần dần bình phục.
BS Trần Phương Bình cho biết, phụ nữ mang thai hay bị viêm lợi, viêm lợi trùm răng số 8 trước hết là do ý thức vệ sinh răng miệng còn hạn chế và sự thay đổi nội tiết tố thai kỳ. Trong khi răng số 8 lại nằm ở góc trong cùng mọc kẹt, khó lấy sạch các thức ăn thừa, mảng bám quanh răng… Bởi vậy, nhiều thai phụ đến khám răng khi tình trạng đau đã nặng nhất, chảy máu, áp xe cơ cắn. Các loại thuốc kháng sinh được chỉ định để điều trị bệnh lý trên ít nhiều cũng có nguy cơ gây ảnh hưởng đến thai nhi trong 3 tháng đầu.
Với các bệnh răng miệng ở giai đoạn sớm có thể dùng các thuốc điều trị khỏi bệnh mà vẫn an toàn cho bà mẹ và thai nhi. Vì thế, với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ trước khi mang thai nên đi khám và kiểm tra răng miệng để phát hiện các bệnh lý về răng miệng. Việc kiểm tra sẽ phát hiện răng sâu, viêm lợi, răng khôn mọc lệch, lợi trùm hoặc những ổ viêm tiềm tàng, kịp thời điều trị trước khi có thai.
“Nếu có răng khôn mọc lệch có nguy cơ gây biến chứng nên lập kế hoạch giải quyết sớm để tránh phải nhổ răng khôn khi mang thai, dễ gặp biến chứng. Đôi khi ở thời điểm trước khi mang thai, ổ viêm nằm kín đáo chưa gây đau nhưng khi mang thai sức đề kháng giảm, vi khuẩn hoạt động mạnh khiến tình trạng bệnh nặng hơn. Bệnh lý từ đó mà tiến triển nặng hơn”, BS Trần Phương Bình khuyên.
Không phải răng khôn nào cũng phải nhổ
Theo các chuyên gia nha khoa, răng khôn là răng mọc cuối cùng trong xương hàm và mọc tại thời điểm cấu trúc hàm đã phát triển ổn định ở độ tuổi 18- 25 tuổi. Đây là lý do mà hầu hết răng khôn đều mọc kẹt, mọc ngầm, mọc lệch vì răng khôn không còn chỗ để mọc thẳng trên cung hàm. Răng khôn có thể gây nhiều biến chứng như: Viêm lợi trùm, viêm quanh thân răng, áp xe cơ cắn, sâu răng số 7 bên cạnh thức ăn ứ đọng vào trong lâu dần dẫn đến viêm nhiễm. Ngoài ra, răng khôn có thể thoái hóa thành u, nang bệnh lý trong xương hàm gây tình trạng gẫy xương bệnh lý…
Tuy nhiên, BS Trần Phương Bình cho biết không phải tất cả những chiếc răng khôn cũng cần phải loại bỏ. Chỉ nên nhổ răng sau khi được bác sĩ đánh giá tình trạng của răng khôn và khi có yêu cầu của bác sĩ chuyên khoa về chỉnh nha hoặc phục hình.
Việc nhổ răng khôn thường rơi vào các trường hợp khi răng mọc lệch, mọc kẹt hoặc ngầm gây các biến chứng như đau, viêm sưng, sâu răng… Hay răng mọc lệch ra khỏi cung răng không tham gia vào việc nhai làm trở ngại việc vệ sinh miệng… Còn chiếc răng khôn mọc thẳng, bình thường, không bị kẹt bởi mô xương và nướu, không gây biến chứng có thể được giữ lại, miễn là bệnh nhân dùng chỉ tơ nha khoa và bàn chải để làm sạch một cách triệt để.
“Đối với phụ nữ mang thai, nhổ răng khôn tuy không phải là một thủ thuật khó khăn nhưng thường bác sĩ không khuyến khích. Thời điểm ít gây ảnh hưởng nhất đến thai nhi là giai đoạn sau 3 tháng đầu do giai đoạn này là giai đoạn hình thành và tạo nên các cơ quan của thai nhi”, BS Trần Phương Bình cho hay.
Sai lầm mà nhiều người hiện vẫn mắc phải là chỉ khi đau không chịu nổi mới đến phòng khám răng. Mọi người nên đi kiểm tra nha khoa sớm ngay khi răng số 8 mọc để có xử trí kịp thời. Nếu phải nhổ răng cần trình bày các bệnh lý toàn thân cũng như các thuốc đang sử dụng hiện có cho bác sĩ nhổ răng biết. Trước ngày nhổ răng nên nghỉ ngơi, ngủ sớm, tránh các chất kích thích như bia, rượu, thuốc lá… Nên can thiệp vào buổi sáng, ăn sáng trước khi nhổ răng. Mọi người không nên quá căng thẳng và lo sợ nhổ răng số 8 sẽ đau. Đau nhiều hay ít còn phụ thuộc vào tâm lý bệnh nhân, cơ địa, sự phức tạp của răng và do kỹ năng của phẫu thuật viên, trang thiết bị phòng nha…
Theo BS Trần Phương Bình, thai phụ mắc các bệnh về răng miệng như bị cao răng, viêm lợi, viêm lợi trùm răng 8 không dùng kháng sinh thì biện pháp được sử dụng nhiều và hiệu quả nhất là điều trị tại chỗ, vệ sinh sạch sẽ, kiên trì bơm rửa chấm thuốc. Thai phụ có thể ngậm nước muối ấm, sau mỗi bữa ăn nên dùng chỉ nha khoa để lấy sạch thức ăn nhất là kẽ giữa răng số 7 và răng khôn. Việc thường xuyên đến phòng khám nha khám, điều trị sẽ làm tình trạng bệnh tiến triển tốt hơn.