Những cú đạp, cú trườn của thai nhi không chỉ đơn thuần là những chuyển động thông thường mà gửi gắm trong đó là những thông điệp về sức khỏe của bé yêu.
Chị Nguyễn Thị Hoài (25 tuổi, Hà Nội) thắc mắc: “Em mang thai được 36 tuần, dạo gần đây em thấy bé đạp rất nhiều không biết có phải dấu hiệu nguy hiểm gì không ạ. Em có cần đến bệnh viện thăm khám hay không?”.
Chia sẻ về chủ đề này, ThS.BS Phan Chí Thành - Chánh văn phòng Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, thai nhi đạp nhiều có sao không là nỗi băn khoăn của không ít> >mẹ bầu khi nhận thấy thai máy quá thường xuyên. Tuy nhiên, theo bác sĩ sản khoa, thai nhi đạp nhiều tốt hơn thai nhi ít đạp, ít vận động.
Thai nhi đạp nhiều tốt hơn thai nhi ít đạp, ít vận động (Ảnh minh họa)
Thai nhi biết đạp từ khi nào?
Hiện tượng thai nhi đạp còn được dân gian gọi là thai máy. Bác sĩ Thành cho biết, từ tuần thứ 7 - 8 của thai kỳ là thai nhi đã bắt đầu có những cử động đầu tiên. Tuy nhiên, do lúc này thai nhi còn quá nhỏ và tử cung của mẹ bầu cũng chưa chiếm nhiều diện tích trong khoang bụng nên không nhận ra thai nhi đang cử động.
Đến tuần thứ 15 - 16 của thai kỳ, rất nhiều mẹ bầu cảm nhận được thai nhi đang máy và cử động như vậy sẽ trở nên rõ nét hơn sau tuần thứ 20. Các cử động của thai nhi giống như nhịp gõ nhẹ vào thành bụng của mẹ. Đặc biệt, tuần 30 - 38 mẹ bầu sẽ càng thấy thai máy rõ rệt tức là thai nhi đang đạp nhiều hơn.
Thai nhi đạp nhiều là tốt hay xấu, có nguy hiểm không?
Bác sĩ Thành cho hay, thai nhi đạp nhiều là tín hiệu tích cực, phản ánh tình trạng thai nhi khỏe mạnh và đang muốn giao tiếp với bên ngoài.
Đối với các mẹ bầu, mỗi thai kỳ là một trải nghiệm khác nhau, tần suất chuyển động của mỗi bé yêu cũng rất khác nhau. Thực tế, thai nhi thường đạp nhiều trong các trường hợp sau đây:
- Sau khi mẹ bầu ăn: nhất là khi ăn no, ăn đồ ngọt hay uống thức uống lạnh.
- Khi mẹ ở nơi có ánh sáng mạnh hay âm thanh lớn: Từ 16 tuần tuổi thai, thai nhi có thể cảm nhận được ánh sáng và âm thanh. Do đó, thai nhi có thể chuyển động, đạp nhiều hơn khi mẹ bầu sinh hoạt trong môi trường này. Để ý bạn sẽ thấy, nếu bất ngờ có âm thanh lớn (tiếng còi xe, tiếng nổ). Thì bé cưng cũng có thể giật mình y như bạn.
- Khi mẹ nằm nghiêng bên trái: Khi mẹ bầu nằm nghiêng sang trái, tuần hoàn của cơ thể sẽ tốt hơn nên lượng oxy và dưỡng chất đưa đến thai nhi cũng nhiều hơn. Đây có thể là lý do khiến thai máy nhiều hơn.
Những cú đạp, cú trườn của thai nhi còn phán ảnh về >sức khỏe của bé yêu (Ảnh minh họa)
- Ban đêm: Do không gian yên tĩnh, thanh vắng và đây cũng là khoảng thời gian mẹ bầu nghỉ ngơi nên có thể cảm nhận thai đạp nhiều, cử động rõ ràng hơn.
- Đặc biệt, sau khi vợ chồng “ái ân” mà thấy thai nhi đạp nhiều, bác sĩ Thành nhắn nhủ các mẹ cũng không cần lo lắng.
Về cơ bản, thai nhi đạp nhiều vào tháng cuối là một hiện tượng bình thường và có tính phổ biến.
“Tuy nhiên, nếu ở trong giai đoạn này mà không cảm thấy bé hoạt động nhiều, đặc biệt là quý 3 thai kỳ, bố mẹ cần hết sức cẩn thận và đi khám bác sĩ phụ sản ngay vì rất nhiều trường hợp thai nhi đạp ít có nguy cơ suy thai, mất tim thai trong bụng mẹ”, bác sĩ Thành cảnh báo.