Các mẹ thường nghe đến thai ngôi đầu, ngôi mông... nhưng còn 1 kiểu ngôi chắc hẳn khi nói ra không ít mẹ ố á, đó là: NGÔI MẶT.
Thông thường, khi thai nhi quay đầu là bước chuẩn bị để giúp mẹ có thể sinh thường dễ dàng và hầu như các em bé đều được sinh ra ở ngôi đầu. Nhưng theo thống kê của Viện Y Tế Quốc Gia Hoa Kỳ (NIH) thì cứ 600 ca sinh bình thường sẽ có 1 ca sinh ngôi mặt. Có một số trường hợp thai ngôi mặt được sinh thường, nhưng việc sinh nở qua đường âm đạo là một thách thức đầy khó khăn và nguy hiểm cho cả mẹ và bé. Nó làm tăng nguy cơ phù mặt, ép sọ, em bé bị khó thở do chấn thương khí quản và thanh quản, thời gian chuyển dạ kéo dài, suy thai, chấn thương tủy sống, tổn thương não vĩnh viễn và thậm chí là tử vong.
Thai ngôi mặt là gì?
Thai nhi ngôi mặt xảy ra khi cột sống của em bé kéo dài cho đến khi đầu bị lệch về phía sau để mặt bé đi vào xương chậu trước. Hay nói cách khác ngôi mặt là ngôi đầu ngửa hẳn, toàn bộ khuôn mặt thai nhi trình diện trước eo trên của tiểu khung (phần trên của đường sinh sản).
Nguyên nhân gây nên thai ngôi mặt
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng thai nhi ngôi mặt. Đầu tiên phải kể đến nguyên nhân từ người mẹ. Mẹ bị dị dạng tử cung: tử cung hai sừng, tử cung lệch sang bên hay đổ ra trước... Hoặc do đã sinh đẻ nhiều lần, khung xương chậu hẹp.
Tuy nhiên, các bác sĩ cũng nói rằng thai nhi lớn, đầu to, cột sống bị gù cũng là một trong những nguyên do góp phần làm nên tình trạng thai ngôi mặt.
Ngoài ra, nhau tiền đạo, đa ối, dây rau quấn cổ cũng là những tác nhân khiến có tình huống ngôi mặt ở thai nhi.
Các yếu tố nguy hiểm đối với người mẹ và em bé trong khi sinh thường thai ngôi mặt
Thông thường, trước khi lên bàn sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra âm đạo để xác định vị trí của em bé. Nếu nghi ngờ điều gì đó bất thường, họ sẽ yêu cầu siêu âm lại để có những cách xử lý tốt nhất cho trường hợp thai ngôi mặt. Trong một số trường hợp nguy hiểm, các bác sĩ cần phải mổ bắt thai ngay để ngăn ngừa em bé bị ngạt.
Sinh thường ngôi mặt có thể gây ra những rủi ro nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng cả mẹ và bé. Do đó, các bác sĩ thường cung cấp đầy đủ tất cả các thông tin cần thiết đến người mẹ cũng như gia đình, rằng họ đang đối mặt với những mối nguy hiểm như thế nào nếu người mẹ quyết định không sinh mổ. Những nguy cơ sinh thường ngôi mặt bao gồm:
- Người mẹ sẽ có thời gian chuyển dạ kéo dài.
- Vỡ tử cung.
- Em bé bị ngạt.
- Bại não.
- Tổn thương não vĩnh viễn.
- Động kinh.
- Yếu cơ.
Ngoài ra, em bé sinh thường ngôi mặt còn có nhiều khả năng có nhịp tim bất thường. Do đó, các bác sĩ cần theo dõi chặt chẽ trong quá trình chuyển dạ bằng cách sử dụng thiết bị theo dõi tim.
Ngoài những mối hiểm nguy trong quá trình sinh, em bé sau khi sinh ra còn phải chịu những tổn thương như: bị bầm tím hoặc phù mặt, đúc hộp sọ (hình dạng đầu bất thường do áp lực đè lên đầu bé khi sinh), suy hô hấp do chấn thương đường thở, chấn thương tủy sống, nhịp tim bất thường, điểm Apgar thấp (thang điểm đánh giá nhanh chóng tình trạng >sức khỏe của trẻ sơ sinh ngay sau sinh)
Bên cạnh đó, em bé sinh thường ngôi mặt còn có thể gặp biến chứng nếu trong quá trình sinh bác sĩ sử dụng kẹp hoặc oxytocin. Bởi kẹp Forceps có thể gây chấn thương đầu và oxytocin có thể làm bé bị ngạt do nó kích thích tử cung co thắt mạnh và liên tục. Chấn thương ở đầu và bị ngạt có thể gây tổn thương não vĩnh viễn đối với trẻ sơ sinh.
Thế nên, nếu như bạn được chẩn đoán là thai ngôi mặt thì các mẹ nên cân nhắc thật kỹ giữa việc sinh thường và sinh mổ. Trong trường hợp nghiêm trọng, sinh mổ là lựa chọn duy nhất để đảm bảo việc vượt cạn thành công và ngăn ngừa các chấn thương có thể xảy ra đối với em bé.