Ngày nay, hầu hết các trường hợp thai ngôi mông thường được chọn mổ chủ động.
Theo ước tính, có khoảng 3-4% các trường hợp mang thai đến những tuần cuối cùng mà thai nhi vẫn không chịu quay đầu về ngôi thai thuận. Việc này có thể gây khó khăn cho quá trình sinh thường và khiến các >mẹ bầu không khỏi lo lắng.
Dưới đây, bác sĩ Lê Tiểu My sẽ có những chia sẻ chi tiết để mẹ hiểu hơn về hiện tượng thai nhi ngôi mông.
1. Em bé ngôi mông – hay ngôi ngược là gì?
Vào những tuần cuối của thai kỳ, thai nhi thường quay đầu xuống dưới, để khi mẹ chuyển dạ sinh, đầu em bé ra trước (dân gian hay gọi ngôi thuận). Còn ngược lại, mông và/hoặc chân ở dưới, đầu em bé phía trên, gọi là ngôi mông (dân gian hay gọi ngôi ngược). Khi thai đủ tháng thì tỷ lệ ngôi mông đâu đó khoảng 3-4%.
2. Tại sao em bé không quay đầu?
Câu trả lời là “em không thích quay”, chứ bác sĩ cũng không biết tại sao. Những yếu tố sau đây có thể liên quan:
- Đa thai (hơn 1 thai)
- Ối quá ít hay quá nhiều
- Tử cung mẹ có hình dạng bất thường hay có nhân xơ tử cung
- Nhau tiền đạo (bánh nhau bám vị trí bất thường)
- Sinh non
3. Làm sao để biết em bé ngôi mông?
Vào những tuần cuối của thai kỳ, bác sĩ khám sẽ biết. Sau đó sẽ xác định bằng siêu âm thai.
4. Em bé ngôi mông sinh thường được không?
Có thể được. Ngày nay, hầu hết thai ngôi mông thường được chọn mổ chủ động. Cả sinh thường hay sinh mổ đều có nguy cơ nhưng đối với ngôi mông, sinh thường sẽ có nhiều tai biến hơn sinh mổ, và một số trường hợp không thể sinh thường (ví dụ: ngôi mông – con quá to)
5. Bác sĩ sẽ làm gì với trường hợp thai ngôi mông?
Việc theo dõi thai vẫn tiếp tục, cho đến khi bé trưởng thành (đủ ngày đủ tháng). Khi thai 36-38 tuần, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn về ngoại xoay thai. Đây là thủ thuật hỗ trợ xoay bé về ngôi đầu, tuy nhiên không thể áp dụng cho mọi trường hợp. Chưa kể một số tai biến nghe khá “rùng rợn” có thể xảy ra khi thực hiện thủ thuật ngoại xoay thai, ví dụ như: vỡ ối non, sinh non, nhau bong non…
Thủ thuật này không thực hiện nếu bạn mang đa thai, nhau tiền đạo, nguy cơ sinh non hoặc có ra huyết âm đạo. Bắt buộc thực hiện ở nơi có điều kiện gây mê hồi sức tốt, có thể mổ lấy thai cấp cứu và đội ngũ bác sĩ Nhi khoa sơ sinh luôn sẵn sàng.
Một số tài liệu ghi nhận cho mẹ nghe nhạc, tập thể dục... nhưng chưa thấy khuyến cáo thực hành. Mẹ nghe nhạc nhảy nhót đến thai xoay đầu chắc cũng khó.
6. Nếu thai tôi ngôi mông và tôi có nguyện vọng sinh thường thì sao?
Thì bạn nên thảo luận với bác sĩ những lợi ích và nguy cơ của việc sinh thường trong tình huống này. Bác sĩ của bạn sẽ giải thích cho bạn rằng nguyện vọng của bạn có thực hiện được hay không (mình nghĩ nguyện vọng này chính đáng). Kinh nghiệm, kỹ năng của bác sĩ Sản khoa đang theo dõi cho bạn là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với theo dõi thai, theo dõi chuyển dạ - sinh ngôi mông, bạn nên lắng nghe.