Những cú đạp, cú trườn của thai nhi trong bụng mẹ không chỉ đơn thuần là những chuyển động thông thường thể hiện sự sinh tồn mà còn gửi gắm những thông điệp mà bé yêu muốn nói với mẹ.
Bất kì một sự chuyển động nào của thai nhi trong bụng mẹ không chỉ đơn thuần là những chuyển động thông thường thể hiện sự sinh tồn mà còn là cách để bé yêu gửi gắm những thông điệp cảm xúc muốn nói với mẹ như là: Con đang no, con đang vui, con đang thoải mái hay con đang khó chịu, sợ hãi. Mẹ chỉ cần để ý thì chắc chắn sẽ "giải mã" được phần lớn những thông điệp ấy, cụ thể như sau:
1. Trong những tháng cuối, bé đạp mạnh và tạo nhiều áp lực lên xương chậu của mẹ
Trong những tháng cuối của thai kỳ, hầu hết >mẹ bầu sẽ có cảm giác vô cùng nặng nề và áp lực ở phần khung xương chậu tăng lên đáng kể để chuẩn bị sinh. Những cú đạp, thúc mạnh của em bé chứng tỏ bé đã sẵn sàng cho cuộc di chuyển lớn đầu tiên trong đời, đó là chui ra bên ngoài. Mẹ có thể tập các bài tập thể dục nhẹ nhàng như là đi bộ để làm giảm bớt áp lực trong tháng cuối của thai kì.
2. Bé bất ngờ đạp mạnh khi bị nấc, giật mình
Đôi khi mẹ sẽ cảm thấy lo lắng khi bé bỗng dưng đạp rất mạnh và bất ngờ. Tuy nhiên, cú đạp bất ngờ đó rất có thể là em bé đang bị nấc cụt do nuốt nước ối hoặc giật mình vì tiếng động lớn mà thôi. Hiện tượng này cho thấythai nhi đang có hệ tiêu hóa khỏe mạnh và đang phát triển bình thường, mẹ không cần quá lo lắng.
3. Bé đạp mạnh và liên tục do không gian chật chội
Ban đầu, các chuyển động của bé chỉ dừng lại ở những cú máy rất khẽ, nhưng khi thai ngày càng lớn dần, bé sẽ đạp mạnh hơn với tần suất cao hơn. Một phần cũng do khi thai lớn, không gian trở nên chật hẹp và bé cảm thấy khó chịu, muốn duỗi chân và đạp mẹ nhiều hơn.
4. Bé đạp ít trong một thời gian nhất định
Các chuyên gia khuyến cáo thai nhi cần chuyển động 10 lần trong mỗi giờ, nếu ít hơn thì có thể bé đang khó chịu hoặc gặp vấn đề nào đó. Mẹ thử uống thêm nước, nằm nghiêng sang một bên và đếm số lần bé đạp. Nếu số lần đạp của bé vẫn ít thì cần được thăm khám ngay lập tức.
5. Bé đạp để “nói chuyện” với mẹ
Các bác sĩ Nhi khoa cho biết nhịp tim của thai nhi chậm lại, dịu hơn khi nghe thấy giọng của mẹ. Bé có thể ghi nhớ giọng nói của mẹ và có xu hướng đạp, trườn nhiều hơn để tỏ ý phấn khởi, thích thú khi nghe giọng nói quen thuộc của mẹ hoặc bố.
6. Mẹ nằm nghiêng tạo điều kiện cho bé đạp nhiều hơn
Nhiều mẹ bầu cảm thấy nhiều bé đạp nhiều hơn mỗi khi nằm nghiêng sang một bên. Đó là do sự lưu thông máu tăng lên khi người mẹ nằm nghiêng, tạo điều kiện cho em bé chuyển động dễ dàng hơn thay vì mẹ nằm ngửa.
7. Bé đạp để thể hiện sở thích
Mẹ có tin không khi em bé trong bụng có thể cảm nhận hương vị các món mẹ đã ăn hoặc uống, hay thậm chí một giai điệu bài nhạc nào đó bé được nghe. Điều này cho thấy bé đã phát triển sở thích cá nhân ngay từ giai đoạn đầu hình thành. Đó là lí do vì sao một số em bé khi nghe nhạc cổ điển có khuynh hướng đạp rất nhiều để tỏ ý thích thú còn một số bé khác lại nằm yên.
8. Bé đạp để cố tránh ánh sáng
Mắt của bé lúc này chưa phát triển đầy đủ, nên khi tiếp xúc với ánh sáng, bé sẽ có xu hướng đạp nhiều hơn để quay đi chỗ khác. Các điều kiện tối ưu trong bụng mẹ mà thai nhi thích nghi được là không gian tối, ấm áp và mềm chứ không phải là ánh sáng.
9. Bé đạp ít hay nhiều còn do giới tính
Một số bà mẹ khẳng định rằng bé trai sẽ quậy phá và đạp nhiều hơn bé gái. Thực tế, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự chuyển động của bé, vấn đề giới tính có ảnh hưởng hay không vẫn còn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.
10. Tần suất và mức độ đạp của bé cho biết tính cách sau này
Các nhà khoa học chưa thể chứng minh liệu tần suất và mức độ đạp của bé có liên quan đến tính cách sau này hay không. Nhưng các mẹ bầu thường cho rằng bé nào đạp và trườn nhiều thường sẽ năng động và rất hoạt bát, ngược lại bé sẽ nhút nhát và rụt rè hơn.
11. Bé đạp nhiều có nghĩa là bé đang rất khỏe mạnh
Cách tốt nhất để cảm nhận sự di chuyển của em bé là mẹ ở tư thế nằm ngửa hoặc ngồi xuống. Nếu em bé bắt đầu nhào lộn, lăn và đá vào thành bụng mẹ, điều đó có nghĩa là bé đang hoạt động và rất khỏe mạnh.
12. Bé đạp tức là bé đang thức
Từ tuần thứ 30 trở đi, hệ thần kinh của thai nhi có xu hướng rõ ràng hơn về giấc ngủ và lúc tỉnh táo. Bé bắt đầu ngủ nhiều hơn vào ban ngày trong khi mẹ vẫn đang bận rộn với công việc, còn ban đêm thì lại thức và đạp nhiều hơn khi mẹ đang nghỉ ngơi. Điều này có thể giải thích lý do tại sao trẻ sơ sinh thường thức dậy chủ yếu vào ban đêm và ngủ nhiều vào ban ngày.
13. Những tuần cuối thai kì, thai đạp ít hơn
Từ tuần thứ 20 đến 30 của thai kỳ, các cử động của em bé tăng dần lên. Nhưng đến tháng cuối, khi em bé đã lớn và bụng mẹ trở nên quá chật chội, không còn đủ chỗ cho bé di chuyển thì những cú đạp, trườn mình không còn xuất hiện nhiều như trước. Mẹ thậm chí còn cảm thấy những cú đạp đau nhói phía dưới xương sườn do bé di chuyển.
14. Bé trườn nhiều hơn đạp trong tháng cuối
Do bị hạn chế các cú duỗi chân để đạp, nên bé phải chuyển sang trườn nhiều hơn. Chính vì vậy mẹ sẽ thấy bé trườn khắp bụng, trồi lên trồi xuống như những làn sóng.
15. Không phải lúc nào bé cũng đạp và trườn
Trên thực tế, em bé không phải lúc nào cũng đạp và nhào lộn trong bụng mẹ. Sẽ có thời điểm bé thức, bị nấc, bé mỏi người, muốn duỗi chân và bé sẽ đạp liên tục, nhưng cũng có lúc bé ngủ, hoặc nằm im lắng nghe bản nhạc du dương. Có thể có một loạt các lý do dẫn đến việc thai nhi giảm chuyển động, tuy nhiên không phải lúc nào cũng là các nguyên nhân đáng lo ngại.