Người mẹ trẻ đã khóc rất nhiều và tự trách bản thân khi bác sĩ nói ra nguyên nhân thai nhi bị dị tật hở hàm ếch.
Bà mẹ trẻ xin được giấu tên (sinh sống tại Trung Quốc) đang mang thai 24 tuần và có >sức khỏe thai kỳ rất ổn định. Cô không bị ốm nghén, cũng không tăng cân nhiều nên nghĩ con trong bụng phát triển tốt, không gặp bất thường gì.
Suốt thời gian đầu mang thai, bà mẹ trẻ chỉ đi khám thai 1 lần cho đến tháng thứ 6 thai kỳ, vợ chồng cô mới đến bệnh viện khám thai lần 2 và thực sự sốc với kết quả siêu âm của bác sĩ. Bác sĩ cho biết đường môi trên của bé bị hở tới 0,7cm và kết luận em bé bị hở hàm ếch.
Ngay khi nghe tin, bà mẹ này đã khóc nức nở bởi thai kỳ của cô rất khỏe mạnh, tại sao thai nhi lại bị dị tật. Khi hỏi đến nguyên nhân, bác sĩ cho biết việc xác định nguyên nhân của hiện tượng này không thể khẳng định được.
Bác sĩ cũng hỏi bà mẹ trẻ trong thai kỳ có gặp vấn đề gì bất thường không. Cô cho biết do công việc vất vả cộng với sự thay đổi lối sống khi mang bầu khiến cô thường xuyên căng thẳng, khóc lóc.
Ngoài ra, khi mang thai tháng đầu, cô bị cảm lạnh, sốt cao và đã dùng thuốc hạ sốt cũng như thuốc kháng sinh để điều trị. Khi bác sĩ hỏi thuốc này có được sự cho phép của bác sĩ không thì bà mẹ trẻ cho biết do chưa biết mình có thai nên cô đã tự mua về để uống.
Sau khi trao đổi với bà mẹ này, bác sĩ cho biết có thể chính việc tự uống thuốc kháng sinh là nguyên nhân khiến thai nhi bị dị tật bởi ở những tháng đầu là giai đoạn quan trọng trong việc hình thành các cơ quan trên cơ thể thai nhi. Một số thành phần từ thuốc kháng sinh có thể gây ra những khiếm khuyết ở bé, dẫn đến việc em bé của bà mẹ này bị hở hàm ếch.
Các bác sĩ cũng cho biết trong thời gian mang bầu, bà mẹ không được tùy ý sử dụng bất cứ loại thuốc gì mà chưa được sự cho phép của bác sĩ. Ngoài ra, người mẹ cũng cần bổ sung đầy đủ dưỡng chất từ thực phẩm, đặc biệt là axit folic trong giai đoạn đầu mang thai để phòng ngừa những khuyết tật có thể xảy ra.
Bà bầu cũng nên tạo tâm lý thoải mái, tránh xa khói thuốc lá, ngừng uống rượu và giảm thiểu việc tiếp xúc với bức xạ và các chất độc hại để có sức khỏe thai kỳ tốt nhất.
Theo Bác sĩ Kim Oanh chia sẻ trên Báo Sức khỏe & Đời sống, môi thai nhi được hình thành vào giữa tuần lễ thứ 4 và thứ 5 của thai kì. Hàm trên được hình thành vào giữa tuần thứ 7 và tuần thứ 8. Khe hở môi và khe hở hàm xảy ra ở thai nhi vào những thời điểm này, nghĩa là rất sớm trong quá trình phát triển của phôi thai.
Thông thường, vào 3 tháng giữa của thai kỳ (thời gian từ 21-24 tuần), siêu âm có thể phát hiện hầu hết các bất thường về hình thái thai nhi như: não úng thủy, nứt đốt sống, tim phổi bẩm sinh, chân tay khoèo, sứt môi hở hàm ếch, dị dạng bàng quang...
Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc do hậu quả của tác nhân bên ngoài ảnh hưởng lên người mẹ trong thời kì đầu mang thai...
Về điều trị:
- Đối với tật khe hở môi đơn thuần: độ tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật là sau từ 4 - 6 tháng tuổi.
- Đối với tật khe hở hàm: tuổi tốt nhất để thực hiện phẫu thuật là sau 12 - 18 tháng tuổi.
Điều quan trọng là cần biết cách chăm sóc trẻ sau sinh sao cho trẻ không bị suy dinh dưỡng, khi 4 - 6 tháng, trẻ nặng 6kg thì sẽ có chỉ định phẫu thuật.