Nếu bị sa dạ con cấp độ nặng dẫn đến nhiễm trùng, viêm thì mẹ có thể sẽ phải cắt bỏ dạ con.

13:30 19/03/2018

Sa dạ con là một tình trạng bệnh lý không hiếm đối với phụ nữ sau khi sinh. Sau khi sinh nở, các cơ phải vận động tích cực, khung xương chậu bị ảnh hưởng dẫn đến sa tử cung. Sau đây là nguyên nhân, dấu hiệu, cách chữa trị và phòng tránh >sa dạ con sau sinh. 

 NGUYÊN NHÂN SA DẠ CON SAU SINH

Sa dạ con hay còn gọi là sa tử cung là tình trạng tử cung bị rơi xuống dưới khung chậu nhỏ, trường hợp nặng có thể thò ra bên ngoài âm đạo. Sa dạ con thuộc chứng âm đỉnh, âm thoát, âm trĩ trong đông y.

Nguyên nhân của chứng >sa dạ con sau sinh là do khi mang bầu, dạ con người mẹ giãn lớn, sau khi sinh, dạ con của sản phụ vẫn chưa co giãn và trở về trạng thái bình thường mà còn khá to và nặng. Trong khi đó, các cơ và dây chằng ở vùng đáy chậu trải qua quá trình sinh nở bị co giãn quá mức nên chưa thể phục hồi lại trạng thái ban đầu nên không thể nâng đỡ tử cung, gây ra hiện tượng dạ con bị sa xuống dưới.

Sa dạ con (sa tử cung) thường hay gặp ở phụ nữ sau sinh. (Ảnh minh họa)

Những nguyên nhân có thể dẫn đến sa dạ con bao gồm: 

- Thiếu >dinh dưỡng khi mang thai.

- Táo bón nặng hoặc táo bón mãn tính trong thai kỳ. 

- Sinh thường gặp khó khăn, thời gian rặn đẻ kéo dài.

- Không được nghỉ ngơi sau sinh, làm việc nặng khi tử cung chưa co lại.

- Ho mãn tính, khối u vùng chậu hoặc tụ dịch tại ổ bụng.

- Thừa cân, béo phì gây áp lực lên cơ xương chậu.

- Thực hiện phẫu thuật vùng chậu, ảnh hưởng đến các cơ. 

Một số nguyên nhân khác như: tổ chức đáy chậu và mô gân phát triển không tốt, buồng trứng mất tác dụng nội tiết, khiến cho mô gân và cơ trong xương chậu teo, hoặc nhão cũng dẫn đến sa dạ con sau sinh.

 DẤU HIỆU SA DA CON

 Tùy thuộc vào mức độ giãn cơ và khoảng cách lệch của tử cung so với vị trí ban đầu, sa dạ con hay sa tử cung được chia thành 4 cấp độ: 

- Cấp độ 1: Cổ tử cung rơi xuống vùng âm đạo.

- Cấp độ 2: Cổ tử cung sa thấp đến mức thập thò ở ngay vùng cửa âm đạo. 

- Cấp độ 3: Cổ tử cung rơi ra ngoài âm đạo.

- Cấp độ 4: Toàn bộ tử cung nằm ngoài âm đạo. 

Sa dạ con cấp độ 1 thường không có triệu chứng rõ ràng và không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu thấy những triệu chứng sau, bạn nên đến bệnh viện khám vì có thể sa dạ con đã chuyển sang cấp độ nặng. 

 Đau bụng dưới, cảm giác nặng bụng là một trong những triệu chứng của sa dạ con. (Ảnh minh họa)

 

- Thường xuyên đau vùng thắt lưng, tức và nặng bụng dưới.

- Thường xuyên buồn đi đại tiện, tiểu tiện nhưng không đi được, hoặc đi được có biểu hiện khó đi, đau rát, bí tiểu, đại tiện táo bón.

- Quan hệ tình dục đau, không có hứng thú.

- Vùng kín có khí hư màu trắng, loãng, và nhầy như mũi, đôi khi có xuất huyết âm đạo. 

- Khi đi lại hoặc đứng lên có cảm giác như vật gì đó đang tụt xuống, có cảm giác dính và vướng, nằm thì không còn cảm giác đó.

 CÁCH CHỮA TRỊ SA DẠ CON

 Bệnh sa dạ cung sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến >đời sống sinh hoạt hàng ngày của nhiều chị em. Phụ nữ bị sa dạ con luôn có cảm giác nặng, tức bụng, đi tiểu nhiều lần trong ngày và xuất hiện những phần thịt lồi ở cơ quan sinh dục, vì thế gặp khó khăn trong sinh hoạt. Một số bệnh nhân còn bị đau phần bụng dưới và thắt lưng, làm giảm hứng thú chuyện chăn gối.

Ngoài ra, nếu bị sa ở cấp độ 3 hoặc 4, phần tử cung rơi ra ngoài dễ bị viêm nhiễm. Nếu nghiêm trọng hơn sẽ phải cắt bỏ tử cung.

Vì vậy ngay khi bị sa dạ con cấp độ nhẹ, mẹ nên sử dụng các bài massage để dạ con nhanh chóng co lại, trở về vị trí cũ. Một số vị trí xoa bóp đã được chứng minh là có thể chữa trị sa dạ con bao gồm: 

- Day huyệt bách hội: Huyệt bách hội là huyệt đạo nằm trên đỉnh đầu. Để chữa sa dạ con bạn dùng ngón giữa của bàn tay ấn vào huyệt bách hội, thực hiện day, ấn liên tục 100 lần. 

- Xoa vùng thượng vị: Bạn dùng tay phải áp vào vùng thượng vị rồi day đi day lại, mỗi lần thực hiện trong khoảng 3 phút.

- Massage bụng: Bạn đặt lòng bàn tay trái để lên mu bàn tay phải rồi úp vào vùng rốn, massage theo chiều kim đồng hồ, mỗi lần thực hiện 2 phút.

- Day huyệt tam giao: Huyệt tam giao nằm phía trong mắt cá chân khoảng chừng 3 đốt ngón tay. Dùng ngón tay day huyệt tam giao 2 bên, mỗi bên thực hiện 50 - 100 lần. 

Khi bị sa dạ con cấp độ nặng hơn, mẹ nên đến bệnh viện để các bác sĩ khám và tư vấn hướng điều trị. 

 CÁCH PHÒNG NGỪA SA DẠ CON SAU SINH

Từ những nguyên nhân của bệnh sa dạ con, những phương pháp phòng ngừa căn bệnh này bao gồm:

Tập Kegel là một trong những phương pháp phòng tránh sa dạ con sau sinh. (Ảnh minh họa)

- Giảm cân.

- Ăn uống theo chế độ khoa học, nhiều chất xơ để tránh táo bón.

- Tập Kegel để tăng cường độ co dãn của cơ xương chậu. 

- Tránh hoạt động mạnh, làm việc nặng ngay sau khi sinh. 

Chăm sóc >sức khỏe, tập thể dục điều độ mỗi ngày ngay cả khi mang thai là cách tốt nhất để đối phó với bệnh sa tử cung và ngăn chặn biến chứng đến sức khỏe mẹ và bé.

Theo Minh An/Eva/Khám Phá