Sau sinh ba ngày, người phụ nữ 32 tuổi đau ngực, khó thở, bác sĩ phát hiện máu đông chiếm nửa lòng động mạch phổi trái, đe dọa tính mạng.
Căn bệnh sau sinh mổ đe dọa tính mạng người phụ nữ
Chị H., 32 tuổi, sống tại Hà Nội vừa sinh con đầu lòng bằng phương pháp sinh mổ. Sau ba ngày xuất viện, chị H. bất ngờ gặp phải các triệu chứng đau ngực, khó thở và mệt mỏi. Lo lắng cho >sức khỏe, gia đình đưa chị đến bệnh viện thăm khám.
Trực tiếp thăm khám cho bệnh nhân, Ths. bác sĩ Đoàn Dư Mạnh - thành viên Hội bệnh Mạch máu Việt Nam, cho biết bệnh nhân đến khám khi cơn khó thở tăng dần, mệt mỏi. Kết quả chụp CT thấy huyết khối chiếm một nửa lòng động mạch phổi trái, đe dọa tính mạng.
“Bệnh nhân có tiền sử suy giãn tĩnh mạch, từng xuất hiện các triệu chứng đau tức chân trái trong thai kỳ. Sau sinh mổ, việc nằm bất động trong thời gian dài khiến huyết khối hình thành ở tĩnh mạch chi dưới, sau đó di chuyển lên động mạch phổi", bác sĩ Mạnh thông tin thêm.
May mắn, nhờ phát hiện kịp thời, chị H. đã được điều trị tích cực bằng thuốc chống đông. Sau 5 ngày, tình trạng bệnh nhân ổn định và chuyển sang điều trị duy trì bằng thuốc uống.
Phụ nữ >mang thai và sau sinh có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch cao gấp 5 lần
Theo BS Mạnh, phụ nữ mang thai và sau sinh có nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch cao gấp 5 lần so với người bình thường.
"Nguyên nhân đến từ cơ chế tăng đông tự nhiên của cơ thể trong thai kỳ, nhằm bảo vệ sản phụ khỏi nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, chính cơ chế này lại làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT) và nhồi máu động mạch phổi (PE)", BS Mạnh chỉ rõ.
Trong những trường hợp huyết khối tĩnh mạch sâu thầm lặng, tỷ lệ tiến triển thành nhồi máu động mạch phổi có thể lên tới 30-50%. Điều này đặc biệt đáng lo ngại với những phụ nữ không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nghiên cứu của Hội Bác sĩ Lồng ngực Hoa Kỳ chỉ ra rằng, 30% các trường hợp DVT không có triệu chứng từ trước có thể tiến triển thành PE. Nếu bệnh nhân đã có triệu chứng, tỷ lệ này tăng lên 40-50%.
Huyết khối tĩnh mạch còn gây ra hội chứng hậu huyết khối với các biểu hiện như phù, thay đổi sắc tố da, tái phát huyết khối, thậm chí loét chân kéo dài.
BS Mạnh cảnh báo, một số nhóm đối tượng cần đặc biệt chú ý, bao gồm:
- Người có bệnh nền: Hội chứng kháng phospholipid, lupus, bệnh tăng đông di truyền, suy tim, bệnh hồng cầu hình liềm.
- Phụ nữ mang thai lớn tuổi hoặc mang thai nhiều lần.
- Người có lối sống ít vận động, béo phì, tiểu đường.
- Các trường hợp sinh mổ, tiền sản giật hoặc nhiễm trùng hậu sản.
Theo BS Mạnh, các yếu tố như tuổi tác (từ 35 tuổi trở lên), lối sống thụ động và bệnh lý nền có thể làm tăng nguy cơ huyết khối gấp nhiều lần. Đặc biệt, nhiễm trùng hậu sản tăng nguy cơ gấp 4 lần, còn sinh mổ tăng gấp 2 lần.
BS Mạnh nhấn mạnh: "Khoảng 80% phụ nữ sau sinh có thể hồi phục tĩnh mạch bình thường, nhưng 20% có thể không hồi phục hoặc gặp biến chứng nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị sớm".
Những nguyên tắc phòng ngừa huyết khối
Để tránh nguy cơ đáng tiếc, các chuyên gia khuyến cáo phụ nữ mang thai và sau sinh nên thực hiện các biện pháp sau:
- Theo dõi sức khỏe tĩnh mạch: Tầm soát suy giãn tĩnh mạch trước và sau sinh. Siêu âm Doppler là phương pháp hiệu quả để phát hiện sớm nguy cơ.
- Duy trì vận động: Tránh nằm hoặc ngồi quá lâu, đặc biệt sau sinh mổ.
- Quản lý bệnh nền: Với những người có tiền sử huyết khối hoặc bệnh nền tăng đông, cần điều trị dự phòng theo hướng dẫn của bác sĩ.
"Đặc biệt, nếu sau sinh 6 tuần gặp các triệu chứng sưng phù, đau chân, khó thở hoặc đau ngực, hãy đến bệnh viện ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời", BS Mạnh khuyến cáo.