Đẻ khó do kẹt vai là một rắc rối trong lúc sinh thường, một hoặc cả hai vai của bé bị mắc kẹt lại trong quá trình di chuyển ra ngoài âm đạo của mẹ.

05:30 12/11/2018

Mang thai và sinh nở là thiên chức của người phụ nữ. Nhưng bên cạnh niềm hạnh phúc có con thì những nguy cơ, rủi ro phát sinh trong quá trình sinh đẻ luôn khiến nhiều bà mẹ phải bận tâm suy nghĩ. Ngoài những biến chứng sản khoa thường gặp và được phổ biến rộng rãi thì có một trường hợp ít ai nhắc tới, đó là khi vai bé bị kẹt lại sau xương chậu của người mẹ khi di chuyển xuống âm đạo trong quá trình sinh thường.

 

Kẹt vai khi sinh là một trong những lý do khiến việc sinh thường của người mẹ đôi khi trở nên khá khó khăn, thậm chí nguy hiểm. Tình trạng kẹt vai xảy ra khi đầu của thai nhi đã đi qua được âm đạo nhưng vai vẫn bị kẹt trong khung xương chậu của mẹ. Đây là một rắc rối khi sinh khá nguy hiểm, có thể gây nhiều nguy cơ rủi ro cho cả mẹ và bé.

Các mẹ cần lưu ý một số trường hợp sau đây sẽ khiến cho nguy cơ bé bị kẹt vai khi sinh cao:

- Thai nhi quá lớn.

- Mẹ mắc bệnh tiểu đường.

- Mang đa thai.

- Mẹ bị béo phì.

- Sinh muộn, quá ngày so với ngày dự sinh.

- Đã từng có tiền sử bị kẹt vai khi sinh con trước.

- Người mẹ được kích thích đẻ nhanh.

- Sử dụng các công cụ hỗ trợ khi sinh như kẹp hoặc máy hút để đưa trẻ ra ngoài qua đường âm đạo.

Nói như vậy không có nghĩa hiện tượng kẹt vai chỉ xảy ra với những bà mẹ trong nhóm nguy cơ cao này mà nó có thể xảy ra với bất cứ người mẹ nào kể cả không có những yếu tố nguy cơ nêu trên.

 

Tình trạng kẹt vai xảy ra khi đầu của thai nhi đã đi qua được âm đạo nhưng vai vẫn bị kẹt trong khung xương chậu của mẹ (Ảnh minh họa).

Tình trạng kẹt vai trong lúc sinh có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và bé, cụ thể như sau:

Với người mẹ:

- Xuất huyết, băng huyết sau sinh.

- Rách tầng sinh môn.

- Rách/vỡ tử cung, âm đạo, cổ tử cung, trực tràng.

- Tổn thương vùng xương chậu.

Với em bé:

- Tổn thương dây thần kinh vai, cánh tay, bàn tay.

- Nứt gãy xương đòn gánh.

- Gãy và trật khớp xương cánh tay.

- Thiếu oxy lên não, tổn thương não.

 

Khi vai bị mắc kẹt, cổ bé cũng sẽ bị kéo căng gây ra các tổn thương.

Khi phát hiện tình huống trẻ bị kẹt vai, các bác sĩ sẽ tìm cách xử lý và đưa bé ra ngoài nhanh nhất có thể. Hầu hết các ca kẹt vai đều được bác sĩ xử trí tốt, hạn chế thấp nhất các biến chứng không mong muốn. Trong hầu hết các trường hợp, trẻ vẫn sẽ được sinh ra một cách an toàn. Một số thao tác được thực hiện có thể kể đến như: bác sĩ ấn hai đùi của người mẹ vào bụng, sau đó tác dụng một lực lên phần xương mu của người mẹ, cắt nới rộng tầng sinh môn, và điều chỉnh phần vai của trẻ khi trẻ vẫn còn trong bụng mẹ rồi thao tác đưa bé ra ngoài.

 

Mẹ cần nắm rõ kiến thức về tình huống kẹt vai để chủ động và không quá lo lắng khi đi sinh (Ảnh minh họa).

Kẹt vai khi sinh và biến chứng của nó là khá hiếm gặp, nhưng mẹ cần biết rõ về tình huống này để không quá sợ hãi và phối hợp tốt với các bác sĩ. Các bà mẹ được khuyến cáo giữ cân nặng ổn định và tránh tăng cân quá nhiều trong thời gian mang thai. Tình trạng tiểu đường hoặc tiểu đường thai kì cũng cần được kiểm soát tốt để phòng tránh các tình huống bất ngờ trong quá trình sinh con.

Theo LN/ Helino